Bồi thường thiệt hại tác phẩm mỹ thuật như thế nào?

Từ Khôi 25/12/2020 17:00

Một bức tranh sơn dầu, sơn mài, tượng… là tài sản của người sở hữu. Vậy nếu người khác làm xước, làm biến dạng, làm hỏng thì sẽ phải bồi thường. Nhưng hiện tại, cách tính bồi thường theo luật định lại rất khó…

Tác phẩm điêu khắc bị vỡ và hư hỏng.

Ngày 10/12, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc kết thúc ở Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội), sau đó các tác phẩm sẽ được đưa vào triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM từ ngày 22/12 đến ngày 29/12. Các giải xuất sắc, giải nhì, giải ba, giải khuyến khích cuối cùng cũng được trao. Tuy nhiên dư âm đọng lại có lẽ không chỉ ở chất lượng của tác phẩm được giải mà là sự cố xảy ra khi các tác phẩm được trưng bày bị xước, bị hỏng, thậm chí bị mất.

Thống kê của BTC cho biết một số tác phẩm bị xước và hư hại như sau: Bức sơn dầu “Cái nhìn từ bên trong” của họa sĩ Lê Thị Quế Châu đã bị vấy sơn trắng.

Bức “Sức sống bình thường mới” chất liệu mộc bản của họa sĩ Thanh Liêm vừa bị xước, vừa bị sơn vấy.

Bức “Đoàn quân hai bánh” chất liệu sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Thị My cũng vấy sơn trắng.

Bức “Mùa hạ trên cao” chất liệu sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Minh Đồng bị sơn trắng vấy bẩn. Bức sơn dầu “Sen” của tác giả Phùng Mỵ Trâm bị lấm sơn trắng.

Bức sơn dầu “Dưới trăng” của họa sĩ Lê Duy Triệu không chỉ bị sơn trắng dính vào mà còn bị thủng tróc màu tranh.

Bức sơn dầu “Kéo lưới bắt cá” của họa sĩ Vũ Quý bị cào xước.

Bức phù điêu “Mầm” của tác giả Trần Minh Châu bị nứt và thủng tróc.

Bộ tác phẩm gồm 7 tượng của nhà điêu khắc Triệu Ngọc Thạch lại có 1 bức bị sứt mẻ. Còn họa sĩ Hùng Anh thì bất ngờ hơn khi tranh của mình không cánh mà… bay. Đó là tác phẩm vẽ bút sắt trên giấy, kích thước 159 x 238 cm.

Trong khi các tác giả có tác phẩm bị xước, bị lấm sơn, bị thủng vẫn để tranh cho BTC treo hết triển lãm thì họa sĩ Nguyễn Quốc Huy quyết định rút tác phẩm của mình không treo triển lãm nữa sau khi đã lập biên bản về hiện trạng. Tác phẩm bị hư hại này là “Địa linh nhân kiệt” với chất liệu sơn mài kích cỡ 1,2x1,8m. Tranh bị tới 5 vết xước và bị lấm sơn.

Giải thích về những hư hại đối với các tác phẩm, ông Mã Thế Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh, Triển lãm (Bộ VHTTDL), đồng thời là Trưởng ban tổ chức triển lãm cho biết: Sự cố xảy ra do quy trình trưng bày tranh đã cũ, phải qua nhiều khâu di chuyển, vận chuyển, dẫn đến xước tranh. Còn tác phẩm bị lấm sơn là do khi quét lại bề mặt tường để treo tranh đã làm rơi sơn vào.

Ông Mã Thế Anh bộc bạch: “Quy mô của triển lãm rất lớn, khoảng 500 tác phẩm. Chúng tôi đã huy động khoảng 100 người, làm việc cật lực từ lúc nhận tác phẩm tới giờ, bản thân tôi cũng đã rất sát sao và trách nhiệm, có những hôm 10 giờ tôi vẫn còn ở triển lãm. Đáng tiếc là sự cố vẫn xảy ra”.

Để hạn chế sự cố, ông Mã Thế Anh cho rằng đã đến lúc cần phải thay đổi cách thức tổ chức triển lãm. Ví như BTC sẽ lựa chọn một địa điểm, để các nghệ sĩ đưa tác phẩm của mình đến và treo lên, Hội đồng đến chấm và trao giải. Tranh sẽ không di chuyển khỏi nơi treo.

Những sự cố hư hại, xước, bẩn tác phẩm mỹ thuật không phải đến năm nay mới xuất hiện. Tại Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2015, nhà điêu khắc Trần Nghĩa đã rất xót xa khi nhận lại tác phẩm chất liệu composite bị sứt mẻ. Ông đã phản ứng gay gắt và đòi bồi thường. Cuối cùng, BTC đã bồi thường 4 triệu đồng.

Một số tác giả nói cuối triển lãm sẽ yêu cầu BTC phải bồi thường thiệt hại đối với tác phẩm. Nhưng cụ thể tính toán cách nào để ra con số phải bồi thường?.

Luật Dân sự 2015 có quy định về bồi thường thiệt hại về tài sản. Điều 589 quy định: “Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm: 1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng. 2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút. 3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại. 4. Thiệt hại khác do luật quy định”.

Vết xước trên một bức tranh. Ảnh: HSCC.

Một nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng mà Luật Dân sự quy định là “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự hiện nay không có hướng dẫn cụ thể thế nào là thiệt hại thực tế và cơ sở để xác định thiệt hại thực tế dựa trên nguồn nào, tuy nhiên tùy từng vụ án thì tòa án thường có những đánh giá chứng cứ khác nhau.

Với những tài sản thông thường, cách tính toán thiệt hại không mấy khó khăn. Tuy nhiên vấn đề ở đây là xác định giá trị nguyên gốc của tác phẩm trước khi bị hư hại là bao nhiêu? Thường giá tranh do người sở hữu đặt ra và khi đem bán thì người mua có quyền mặc cả. Có những tác phẩm lại được xác định giá trị sau khi được đem ra đấu giá.

Nói về tác phẩm bộ tượng gồm 7 bức nói về nỗi đau của người mẹ của mình, tác giả điêu khắc Triệu Ngọc Thạch cho biết: Bộ tượng chỉ còn 6 bức, trong đó 1 bức đã bị sứt vỡ một mảng. Bộ tượng này được làm trong 5 năm. Năm 2017 tác phẩm đã được giải khu vực. Năm nay bộ tác phẩm cũng được giải của Hội Mỹ thuật. Giá cả bộ tượng hàng trăm triệu đồng. Còn bây giờ bị vỡ mất một tác phẩm thì giá trị cả bộ giảm xuống.

Với tác phẩm sơn mài “Địa linh nhân kiệt” bị hư hại, họa sĩ Nguyễn Quốc Huy cho biết giá của tác phẩm khoảng 50.000 USD. Nhưng giờ tác phẩm bị tới 5 vết xước, lấm sơn thì giá tính sao? “Đối với sơn mài thì hư hại như thế có nghĩa là tôi phải làm lại chứ không phải chữa…”.

Theo thông tin từ Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm: Cục được Bộ VHTTDL cấp cho 9,6 tỷ đồng để tổ chức các cuộc triển lãm, như Triển lãm nhiếp ảnh Việt Nam, Triển lãm các họa sĩ đương đại, Triển lãm đồ họa ASEAN, Triển lãm trang phục ASEAN, Triển lãm các di sản văn hóa Việt Nam, Triển lãm mỹ thuật trẻ toàn quốc...

Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020 do có quy mô rất lớn nên có kinh phí chiếm tới hơn 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, về vấn đề bồi thường khi tranh bị sự cố hay xử trí như thế nào nếu như các họa sĩ có thể kiện, thì lãnh đạo Cục chưa có câu trả lời.

Còn ông Bùi Kỳ Đà, Phó giám đốc Trung tâm triển lãm Vân Hồ cho biết: Cả Trung tâm triển lãm Vân Hồ và Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm cùng chịu trách nhiệm chung về tác phẩm. Về yêu cầu bồi thường tiền, ông Đà nói: “Khi ký hợp đồng thi công với Cục, nói thật chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện bồi thường, chỉ nghĩ anh em làm thì phối hợp nên trách nhiệm bồi thường chưa rõ ràng lắm”.

Việc bồi thường thiệt hại các tác phẩm mỹ thuật bị hư hại nêu trên là do lỗi của BTC. Trừ trường hợp có thỏa thuận BTC không chịu trách nhiệm về việc hư hại trong quá trình vận chuyển hoặc treo tranh… và nghệ sĩ tự chịu trách nhiệm trong việc gửi tranh tham gia triển lãm.

Cuối cùng, trước khi tính đến việc tranh cãi về mức độ bồi thường thiệt hại, có lẽ BTC hoặc nghệ sĩ nên tính đến chuyện mua bảo hiểm cho tác phẩm tham dự.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bồi thường thiệt hại tác phẩm mỹ thuật như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO