Bỏng rát đường đua vào Nhà Trắng

Hoàng Đình Tú 05/07/2020 09:00

Cuộc chiến vào Nhà Trắng của nước Mỹ đã thực sự bắt đầu, giữa ứng viên đảng Cộng hòa-Tổng thống đương nhiệm Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ, ông Joe Biden.

Đương nhiên, tại thời điểm này không thể nói trước điều gì cho cả hai ứng viên, nhưng cuộc chạy đua đã nóng lên trên truyền thông cũng như xã hội nước Mỹ.

Đặc biệt, ngày 29/6, Công tố viên Ali Alqasimehr thông báo, Iran đã ra lệnh bắt giữ Tổng thống Mỹ Donald Trump và hàng chục người khác mà Tehran cho là tiến hành vụ không kích bằng máy bay không người lái sát hại tướng hàng đầu của Iran Qassem Soleimani ở Thủ đô Baghdad của Iraq. Liệu điều đó có khiến ông Trump yếu thế trước đối thủ?

Hai ông Donald Trump và Joe Biden (phải) bắt tay tại lễ nhậm chức của ông Donald Trump cách đây 4 năm. Ảnh: NBC News.
Hai ông Donald Trump và Joe Biden (phải) bắt tay tại lễ nhậm chức của ông Donald Trump cách đây 4 năm. Ảnh: NBC News.

Theo hãng tin ISNA, ông Alqasimehr cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump và hơn 30 người khác bị Iran cáo buộc dính líu vụ không kích ngày 3/1 sát hại Tướng Soleimani đang đối mặt với các tội danh “giết người” và “khủng bố”.

Tuy nhiên, ông Alqasimehr không nêu rõ danh tính của bất cứ ai khác ngoài ông Trump; tuy rằng cho biết đã đề nghị Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) hỗ trợ bắt giữ những đối tượng này. “Iran sẽ tiếp tục theo đuổi vụ truy tố nhà lãnh đạo Mỹ kể cả sau khi Tổng thống Trump kết thúc nhiệm kỳ”-Tướng Soleimani được ISNA dẫn lời.

Cho dù ông Trump không phải đối mặt với nguy cơ bị bắt, nhưng động thái này càng làm leo thang căng thẳng giữa Iran và Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump đơn phương rút Mỹ khỏi Kế hoạch hành động chung (JCOPA) - thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran với các cường quốc trên thế giới. Đồng thời cũng khiến ông Trump bị ảnh hưởng ở chính nước Mỹ.

Chưa hết, vào thời điểm cuộc đua vào Nhà Trắng nóng lên, thì ông Trump lại phải vất vả bởi cuốn sách của cựu cố vấn Bolton, khi ông này nhận xét “Tổng thống Trump thất thường và nguy hiểm”. Trong một cuộc phỏng vấn, trước khi cuốn sách phát hành, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton đã chỉ trích gay gắt “sếp cũ” của mình là ông Trump. “Tôi nghĩ rằng cái cách mà ông ấy đưa ra quyết định là nguy hiểm", ông Bolton nói.

Trong cuốn sách của mình, ông Bolton đã kể lại những cuộc đối thoại đáng lo ngại mà ông nói ông đã chứng kiến. Cuốn sách mang tên “Căn phòng nơi điều đó xảy ra” ông Bolton kể về khoảng thời gian mình làm việc trong chính quyền Trump (ông Bolton rời Nhà Trắng vào tháng 9/2019 sau gần 18 tháng làm Cố vấn an ninh quốc gia).

Ông Biden chính thức đối đầu đương kim Tổng thống Trump

Ngày 6/6, ông Joe Biden đã chính thức trở thành đại diện của đảng Dân chủ tham dự cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới, sau khi đạt đủ số phiếu đại biểu cần thiết.

Nhận xét của hãng Fox News, cựu Phó Tổng thống Mỹ Biden đã giành được sự tín nhiệm cao trong đảng Dân chủ lẫn các cuộc bầu cử sơ bộ, ít ra là ở 8 bang và 3 vùng lãnh thổ của nước Mỹ.

Phát biểu sau khi trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Biden bày tỏ niềm vinh dự, đồng thời khẳng định rằng đảng Dân chủ đang đoàn kết trong nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới- ngụ ý nhắm tới việc “thiếu đoàn kết” của đảng Cộng hòa đối với ông Trump.

Cho tới tháng 8, hai đảng sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc bầu cử sơ bộ trước khi diễn ra đại hội đảng. Đại hội của đảng Dân chủ sẽ diễn ra từ ngày 17 đến ngày 20/8, trong khi đảng Cộng hòa của ông Trump sẽ tổ chức đại hội từ 24 đến ngày 27/8. Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 9, ông Biden và ông Trump sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên, mở đường tới ngày bầu cử 3/11.

Ông Donald Trump vận động tái tranh cử tại sân vận động thành phố Orlando.

Trước tình thế trên, ngày 12/6, ông Trump nói rằng người dân Mỹ sẽ “không còn đất nước” nếu như ông Biden được bầu là Tổng thống thứ 46 của quốc gia này. Không ngại ngần, ông Biden đáp lại rằng “tôi tin rằng quân đội sẽ áp giải ông Trump khỏi Nhà Trắng nếu ông ấy thua mà không công nhận kết quả bầu cử”.

Dù chưa đủ để nói lên điều gì nhưng khảo sát mới nhất của tổ chức Priorities USA cho thấy, ông Biden đang dẫn trước ông Trump ở 5 trong số 6 bang chủ chốt được coi là quyết định kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.

Theo ông Walter Russell Mead- chiến lược gia của Viện Hudson, nếu ông Biden trở thành chủ nhân của Nhà Trắng trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay, “ông Joe Biden có thể tiếp bước, nhưng sẽ không trở thành một Obama thứ hai”.

Trong đó, đáng chú ý không có nhiều hy vọng chính quyền của ông Biden (nếu ông nàyđắc cử) trở lại bàn đàm phán các thỏa thuận thương mại tự do, mặc dù đây từng là chủ trương được các đời Tổng thống Mỹ từ Tổng thống George H.W. Bush cho đến Tổng thống Obama luôn đặt ưu tiên hàng đầu. Vẫn theo ông Mead, ông Biden có thể sẽ đồng quan điểm với ông Trump trong vấn đề coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh địa chính trị lớn của Mỹ, nhưng sẽ theo đuổi cuộc cạnh tranh đó theo một cách khác.

“Nếu như ông Trump nhìn nhận cấu trúc quốc tế hiện tại với con mắt nghi ngại thì ông Biden chắc chắn sẽ coi đó là một yếu tố không thể tách rời khi cân nhắc xây dựng chiến lược quốc tế để đối phó với Bắc Kinh”- vị chuyên gia đưa ra nhận xét.

Tình thế của ông Trump

Ngày 3/7, đảng Cộng hòa cho rằng ông Trump là “kẻ thù lớn nhất của chính mình”, đồng thời hối thúc Tổng thống cần có tầm nhìn rõ ràng cho nhiệm kỳ thứ hai. Họ cũng hối thúc ông Trump nên dừng các thông điệp gây chia rẽ khiến hy vọng tái đắc cử sẽ gặp khó khăn.

Trao đổi về các mối lo ngại trên, người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere cho biết Tổng thống đã chứng minh qua thời gian khả năng của mình và một lần nữa “ông ấy không sợ đương đầu với những thách thức lớn lao mà đất nước phải đối mặt, tuy rằng ông ấy hiểu mình đang gặp rắc rối”.

Trên thực tế, ông Trump đã và đang đối mặt với những thách thức lớn. Trước hết, đó là cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung được ông phát động có vẻ như đang sa lầy. Nhất là với nông dân Mỹ, khi họ đang rất khó khăn khi nông sản do họ làm ra ngày càng khó khi thâm nhập thị trường đông dân nhất thế gới.

Tiếp đó, đại dịch Covid-19 đã “thực sự làm hại ông Trump”- nói như CNN; vì rằng những phát ngôn cũng như cách nhìn nhận, đánh giá tình hình của ông Trump không nhất quán. Mới đây nhất, việc ông Trump cho rằng đeo khẩu trang là cần thiết đã ngược hẳn với những gì ông nói với người Mỹ trước đây. Covid-19 cũng khiến cho kinh tế nước Mỹ lao dốc ghê gớm- điều mà người dân Mỹ rất trông cậy vào tài năng làm kinh tế của ông Trump.

Một “vết mờ” nữa đối với ông Trump là cái chết của một người đàn ông da đen (George Floyd) bị cảnh sát dùng đầu gối chèn cổ cho tới chết, đã tạo ra một làn sóng biểu tình, bạo động trên khắp đất nước.

Từ chỗ biểu tình đấu tranh cho sự bình đẳng chủng tộc, đã biến thành những vụ cướp bóc, phá phách, rồi giật đổ những tượng đài tưởng như mãi là những cột mốc biểu tượng cho nước Mỹ. Cách giải quyết của ông Trump về vấn đề này đã không nhận được sự đồng thuận, khiến cho sự việc phức tạp, kéo dài.

Ông Joe Biden vận động tranh cử ở thành phố Detroit. Ảnh: AP.
Ông Joe Biden vận động tranh cử ở thành phố Detroit. Ảnh: AP.

Trên trang cá nhân Twitter, ông Biden viết: “Đây là một giai đoạn khó khăn trong lịch sử nước Mỹ. Đất nước cần người lãnh đạo. Người lãnh đạo có thể giúp chúng ta đoàn kết. Người lãnh đạo có thể đưa chúng ta xích lại gần nhau”.

Nói tóm lại, nói như Fox News, đối thủ của ông Trump là ông Biden đã không phải đương đầu với những khó khăn rất lớn đó, trong khi lại “được quyền đứng ngoài chỉ trích”.

Theo chuyên gia chính trị Mỹ Raphael S.Cohen, quá trình bầu cử năm 2020 của Mỹ đang trong giai đoạn rầm rộ nhất với nhiều cam kết về một tương lai mới tốt hơn. Ứng viên nào cũng phải giải quyết những thách thức cực kỳ lớn.

Trước hết là đại dịch Covid-19 đã gây thêm căng thẳng cho các liên minh của Mỹ khi nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ, đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích của các liên minh.

Thứ hai, về lợi thế kinh tế, trong thời gian cuối Chiến tranh Lạnh, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ và các đồng minh Châu Âu và Châu Á chiếm hơn ¾ tổng GDP toàn cầu; tuy nhiên lợi thế kinh tế vượt trội của Mỹ và các đồng minh - từng giúp họ phát huy sức mạnh quân sự - sẽ bị suy giảm. Ngay cả khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng trở lại thì cũng không thể đảo ngược được hoàn toàn xu hướng này.

Thứ ba, những thách thức an ninh mà Mỹ đang phải đối mặt hiện khá là rất đa dạng, đòi hỏi khả năng giải quyết khác nhau.

Thứ tư, một loạt yếu tố bên ngoài cũng đang nổi lên, tạo ra một thế giới nhiều thách thức lớn hơn đối với nước Mỹ.

“Tổng thống mới của nước Mỹ nên tập trung tìm ra giải pháp cho tình thế khó khăn chiến lược của Mỹ vì ngay cả trước khi dịch Covid-19 diễn ra, các nền móng của chính sách đối ngoại của Mỹ đã bị quá tải, sau đại dịch, chính sách đối ngoại của Mỹ có thể sẽ ở điểm khó khăn hơn nữa”- ông Raphael S.Cohen nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bỏng rát đường đua vào Nhà Trắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO