Chính trường nước Mỹ đã thực sự sôi động khi Tổng thống Donald Trump thoát khỏi việc luận tội tại Thượng viện, quá trình phế truất Tổng thống kết thúc; ngay sau đó là Thông điệp Liên bang không khác gì với lời tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ 2 của ông Trump, cũng như đã xuất hiện những đối thủ trên đường đua vào Nhà Trắng, khi thời gian không còn bao lâu.
Quang cảnh buổi Tổng thống Mỹ Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang.
3 nhân vật “cản đường” ông Trump
Trong ngày bầu cử mới đây, ngày 11/2, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders đã giành thắng lợi “vang dội” trong vòng bầu cử sơ bộ đầu tiên tổ chức tại New Hampshire. Ông Sanders đã dẫn đầu về số phiếu của các cử tri tự do, cử tri độ tuổi dưới 45 và cử tri da trắng không có bằng cấp - vốn là 3 cột trụ chính trong chiến dịch của ông. Những cử tri muốn một vị Tổng thống mang tới sự thay đổi cho đất nước, hoặc những người tìm kiếm ai đó chăm lo cho họ, cũng ủng hộ ông Sanders.
4/10 cử tri dưới độ tuổi 45 bỏ phiếu cho ông Sanders, cao gần gấp đôi so với ứng viên xếp sau ông. Hiện tại, tất cả các ứng viên đã bắt đầu hướng tới bầu cử sắp tới ở các bang Nevada, South Carolina. Chiến thắng của ông Sanders khiến người ta quên đi rằng ông từng bị một cơn đau tim hồi đầu tháng 10 năm ngoái.
Trước đó, tỷ phú Bloomberg đã khiến chính trường nước này “lên cơn sốt” khi tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ. Cả ông Blooberg lẫn ông Trump đều là những cự phú, nhưng ông Bloomberg nhiều tiền hơn. “Tôi ra tranh cử Tổng thống để đánh bại ông Donald Trump và xây dựng lại nước Mỹ”, ông Bloomberg, 77 tuổi, tuyên bố. Ông Michael Bloomberg vốn là cựu thị trưởng thành phố lớn nhất nước Mỹ New York. “Chúng ta không để Tổng thống Trump có thêm 4 năm cầm quyền bằng sự bất cẩn nữa”- ông Bloomberg nói nư một lời tuyên chiến.
Ông Bloomberg là nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc (CEO) của “đế chế” truyền thông Bloomberg LP, đồng thời là một nhà hoạt động từ thiện nổi tiếng. Sức mạnh tài chính là một trong những lợi thế quan trọng nhất của ông trong cuộc đua với các ứng cử viên khác của đảng Dân chủ. Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Bloomberg cho thấy ông sẽ chi ít nhất 31 triệu USD cho quảng cáo trên truyền hình trên khắp nước Mỹ về chiến dịch của ông chỉ trong vòng 2 tuần. Và, tổng số tiền “ném vào không trung” này có thể sẽ lên tới 100 triệu USD.
Theo xếp hạng của tạp chí Forbes, ông Bloomberg là người giàu thứ 8 ở Mỹ, với giá trị tài sản ròng ước tính đạt 53,4 tỷ USD. Tuy nhiên, “tiền không phải là tất cả” vì ông Bloomberg bất lợi về tuổi tác, cũng như phải đối diện với những đối thủ nặng ký ngay chính trong đảng của ông. Ví dụ như việc ông Sanders, trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ đã lên tiếng “dìm hàng” ông Bloomberg khi bóng gió rằng “Chúng tôi không tin rằng các vị tỷ phú có quyền mua các cuộc bầu cử. Đó là lý do vì sao các tỷ phú như Michael Bloomberg sẽ không thể tiến xa trong cuộc bầu cử này”.
Tuy nhiên, ông Bloomberg thẳng thừng nói rằng mục đích của ông ra tranh cử là để đánh bại ông Trump, người mà ông đã quen biết suốt nhiều thập niên. Ông Trump là một doanh nhân bất động sản kỳ cựu ở New York trong suốt 3 nhiệm kỳ ông Bloomberg giữ chức Thị trưởng thành phố này từ năm 2002-2013. “Tôi biết phải làm thế nào để thắng ông Trump, vì tôi đã làm được. Và tôi sẽ làm lại lần nữa”- ông Bloomberg nói.
Nhân vật thứ 3 được coi là “đối thủ không thể xem thường” chính là Pete Buttigieg- cựu Thị trưởng thành phố South Bend của bang Indiana. Truyền thông Mỹ đang dựa vào kết quả khảo sát và nhận định: “Chính Buttigieg có thể trở thành “tay đấm đủ cân” của đảng Dân chủ, đối đầu trực tiếp với ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng”. Người ta cho rằng ông Buttigieg có đủ sức thổi một làn gió mới vào chính trường nước Mỹ. “Không có cơ sở vững chắc nào để khẳng định Buttigieg sẽ đủ khả năng đại diện cho đảng Dân chủ thắng ông Trump trong 9 tháng nữa (tháng 11/2020). Nhưng chí ít cũng tạo ra được một nhân tố mới cho đảng Dân chủ có thể đối đầu với vị Tổng thống đương nhiệm”- chuyên gia quốc tế Loubna Anaki (Mỹ) bình luận trước cuộc bầu cử ở New Hampshire.
Ông Pete Buttigieg được cho là “trẻ nhưng nghèo”. Đây chính là điểm mạnh và điểm yếu của ông. Pete Buttigieg năm nay mới 38 tuổi, sinh năm 1982, cũng bị đánh giá là một “đối thủ chính trị non nớt”. Cùng đó, theo Forbes, Pete Buttigieg là người nghèo nhất trong số 25 ứng cử viên Tổng thống Mỹ. Tổng tài sản của vị cựu Thị trưởng chỉ có 100.000 USD. Toàn bộ thu nhập của ông đến từ lương mà không có một khoản thu nhập đáng kể nào khác. Số tiền Pete Buttigieg sở hữu chỉ bằng 0,003% tổng tài sản của ông Trump. Đã thế, truyền thông Mỹ lại cho rằng “nghèo thì khó làm việc lớn”- ám chỉ sự khó khăn mà Pete Buttigieg phải đối mặt.
Khi “nữ chính trị gia lão luyện” nổi đóa
Ngày 4/2, ngay tại buổi ông Trump truyền đi Thông điệp Liên bang, bà Pelosi đã tức giận xé bản sao và hy vọng sẽ có một Tổng thống mới vào năm sau. Buổi phát biểu Thông điệp Liên bang của ông Trump ngay từ đầu đã xuất hiện kịch tính khi ông từ chối bắt tay Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Nhà lãnh đạo làm ngơ nữ nghị sĩ dù bà đã chủ động đưa tay về phía ông. Phát biểu về khoảng khắc này sau sự kiện, bà Pelosi nhấn mạnh đảng Dân chủ sẽ luôn sẵn sàng “chìa bàn tay bằng hữu” để giải quyết các vấn đề của nước Mỹ.
Tuy nhiên, hình ảnh ấn tượng nhất trong sự kiện lại rơi vào thời khắc cuối cùng của bài diễn văn, sau khi ông Trump hứa hẹn với người dân Mỹ “những điều tuyệt vời nhất vẫn đang chờ phía trước”. Trong khi Phó Tổng thống Mike Pence ngồi cạnh vỗ tay tán dương ông Trump thì nữ Chủ tịch Hạ viện đã thẳng tay xé đôi lần lượt từng trang bản sao bài phát biểu “rất quan trọng”.
Sau khi sự kiện kết thúc, nữ chính trị gia đảng Dân chủ giải thích mình hành động của mình do “không tìm thấy trang nào nói thật” trong bài phát biểu của ông Trump.
Nhắc lại, ngày 3/1/2019, bà Nancy Pelosi đắc cử chủ tịch Hạ viện Mỹ, đánh dấu việc đảng Dân chủ giành lại thế kiểm soát Hạ viện, và cũng là tín hiệu “đe dọa” nhắm tới phe Cộng hòa. Ngay sau chiến thắng của bà Pelosi, xuất hiện tại phòng họp báo Nhà Trắng chiều 3/1/2019, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông hy vọng có thể hợp tác với Hạ viện mới do đảng Dân chủ lãnh đạo, đồng thời đã dành những lời thiện chí với bà Pelosi. Ông Trump chúc mừng bà về “thành tựu vĩ đại” sau khi đảng Dân chủ thắng được 40 ghế tại Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm ngoái.
Nhưng, những diễn biến tiếp theo đã cho thấy ông Trump không thể “ve vuốt” được bà Pelosi. Ngày 18/10/2019, ngày 1.000 nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump đã diễn ra màn đấu khẩu hỗn loạn. Truyền thông Mỹ bình luận, cuộc họp giữa hai nhân vật quyền lực nhất Washington là cuộc gặp tồi tệ nhất tại Nhà Trắng dưới thời ông Trump. Ông Trump đã gọi bà Pelosi là “chính trị gia lớp 3”. Bà Pelosi đứng bật dậy định bỏ đi, nhưng sau đó lại ngồi xuống và nở một nụ cười khó hiểu. Cũng kể từ đó, quá trình luận tội Tổng thống được phe Dân chủ trong Hạ viện chính thức đẩy tới.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi xé bản sao Thông điệp Liên bang của ông Trump.
Tuy nhiên, những nỗ lực của bà Pelosi cũng như phe Dân chủ trong hạ viện đã bị chặn lại ở Thượng viện- nơi phe Cộng hòa của ông Trump áp đảo. Nhưng, truyền thông Mỹ vẫn cho rằng, bà Pelosi chưa hết “chiêu” vì suốt hàng chục năm qua đã chứng minh bà là một chính trị gia lão luyện, và ông Trump hãy đợi đấy.
Thông điệp Liên bang hay là diễn văn tái tranh cử?
Ngay 4/2, trong sự kiện đọc Thông điệp Liên bang của ông Trump, người ta chú ý tới 2 sự kiện. Một là Chủ tịch hạ viện Pelosi xé bản sao của thông điệp. Và hai là Thông điệp Liên bang của ông Trump rất… lạ.
Thông thường thì các Thông điệp Liên bang theo mẫu: Nêu bật những gì Tổng thống đã làm được, chỉ ra những khó khăn cần giải quyết trước mắt cũng như lâu dài, những vấn đề đối nội, chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Nhưng, ông Trump đã chỉ ra hàng loạt cái được trong khi “lờ đi” những gì được cho là còn tồn tại. Thông điệp cũng tập trung vào những vấn đề nội bộ nước Mỹ, trong khi chỉ “sơ qua” chính sách đối ngoại.
Nếu về đối nội, ông Trump “dọn đường” cho nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ hai bằng những “chiến tích vang dội làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, thì ông lại không đề cập trực diện tới những điểm nóng trên thế giới liên quan trực tiếp tới nước Mỹ. Trong đó có việc “ứng xử” với Trung Đông, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, hay là việc quan hệ với các đồng minh chiến lược truyền thống.
Trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ, ông Trump nói: “Cách đây ba năm, chúng ta đã triển khai chính sách sự trở lại vĩ đại của nước Mỹ. Tối nay, tôi đứng trước mặt quý vị để trình bày về những kết quả khó tin: Việc làm nở rộ, thu nhập tăng vọt, tình trạng nghèo khó và tội phạm đều giảm”. Theo giới quan sát chính trị nước Mỹ, có lẽ đây chính là điểm mấu chốt của chiến lược tranh cử của ông Trump, khi chỉ còn 9 tháng nữa là đến kỳ bầu cử Tổng thống. “Tối nay, tôi vui mừng thông báo với các bạn rằng nền kinh tế của chúng ta đang tốt đẹp chưa từng có. Quân đội của chúng ta đã được xây dựng lại hoàn toàn với sức mạnh vô song, không nơi nào trên thế giới có thể sánh kịp. Biên giới của chúng ta được bảo vệ. Các gia đình của chúng ta đang hưng thịnh. Giá trị của chúng ta đã được tái tạo. Niềm tự hào của chúng ta đã được khôi phục. Và vì tất cả những lý do đó, tôi tuyên bố trước người dân, trước các thành viên Quốc hội rằng: Nước Mỹ đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết!”- dẫn ra một đoạn trong Thông điệp Liên bang của ông Trump, giới quan sát cho rằng Tổng thống đang nói về giấc mơ của chính ông và muốn đem giấc mơ ấy tới mọi người thông qua những lá phiếu ủng hộ ông.
Và như thế, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đã chính thức bắt đầu. Kịch tính vẫn đang ở phía trước.