Buông lỏng quản lý chất thải công nghiệp: Hậu quả khó lường

Tuấn Minh 26/05/2016 09:05

Thực trạng xả thải công nghiệp gây ô nhiễm là vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý và là nỗi bức xúc của dư luận. Hàng loạt vụ xả thải từng được phát giác trước đây và mới đây đã đặt ra những dấu hỏi về sự bất cập, hạn chế của các chính sách cũng như tình hình quản lý, giám sát ô nhiễm công nghiệp.

Buông lỏng quản lý chất thải công nghiệp: Hậu quả khó lường

Sẽ không có chuyện đổ trộm, xả thải nước ra môi trường
khi có sự giám sát của nhân dân.

Giám sát xả thải: Thiếu và yếu

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong số hơn 200 khu công nghiệp đang hoạt động có 165 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 79%. Tuy nhiên, trên thực tế, hệ thống này không vận hành thường xuyên.

Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các vụ việc ô nhiễm môi trường vừa qua nổi lên như một tiếng chuông báo động cho thấy cần rà soát quản lý, đặc biệt là quản lý môi trường nước vốn đang có vấn đề lớn. Trong đó việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, quan trắc môi trường ở khu vực có cơ sở sản xuất công nghiệp của Việt Nam đang thiếu tính hệ thống, không có sự kết nối giữa trung ương và địa phương.

“Quy hoạch môi trường hiện nay là việc lúng túng nhất của chúng ta. Luật Bảo vệ môi trường đã quy định quy hoạch môi trường là thành phần của quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) nhưng quy hoạch KTXH hiện nay chưa thực hiện quy hoạch gì về môi trường. Hiện chúng ta có tới 60 Khu kinh tế ven biển và cửa khẩu, hiệu quả kinh tế thấp nhưng vấn đề là các khu kinh tế hiện nay chủ yếu đang thiên về phát triển kinh tế. Thảm họa môi trường lần này là dịp để chính quyền nhìn lại hệ thống chính sách và thực thi của chúng ta” – Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cũng cho rằng, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, nhưng năng lực theo dõi, kiểm soát, quản lý của cơ quan nhà nước lại chưa đáp ứng được, kết nối giữa trung ương và địa phương còn rời rạc.

Tăng quyền giám sát cho người dân

Về vấn đề giám sát môi trường, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Cộng đồng cho rằng: Nếu nhìn hệ thống Luật chúng ta có hệ thống khá đầy đủ. Theo thống kê thì chúng ta có khoảng 1000 nghị định quản lý, cùng các công cụ quản lý khác nhau, nhưng vấn nạn ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra và ngày càng đáng báo động. Và để giải quyết bài toán này, bên cạnh hệ thống chính sách, công nghệ khoa học, rất cần sự giám sát của người dân.

Xung quanh vấn đề này, Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, việc giám sát, thanh tra, kiểm tra là câu chuyện mà Việt Nam còn thiếu. “Sẽ không có chuyện đổ trộm, xả thải nước ra môi trường khi có sự giám sát của nhân dân. Luật của chúng ta hiện nay chỉ có một điều khoản tạo điều kiện cho người dân giám sát, trong khi tai mắt của người dân là vô cùng quan trọng? Sự tham gia của người dân và các tổ chức xã hội vào giám sát môi trường là cần thiết. Điều này cần được đẩy mạnh và nếu cần thiết, Quốc hội cần bổ sung vào luật” - Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh. Ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất cũng trăn trở: việc ban hành các quy định của Việt Nam rất nhiều, nhưng việc kiểm soát vẫn còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp còn ý thức chưa đồng đều, nhiều nhà máy ban ngày vận hành, buổi tối xả thải là chuyện không hiếm. Vấn đề nằm ở khâu giám sát, kiểm soát của chúng ta. Việc giám sát online như hiện nay không thể giúp chúng ta giám sát tất cả các chỉ số và tất cả các công ty.

Cũng theo ông Sinh, trong vòng 20 năm nay công nghiệp hóa, đô thị hóa phát triển mạnh và có nhiều điều chúng ta chưa theo kịp thực tiễn. Ví dụ phát triển KCN và sau đó chúng ta mới xây dựng quy chuẩn xả thải và buộc doanh nghiệp đấu nối với hệ thống xả thải chung là bất hợp lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Buông lỏng quản lý chất thải công nghiệp: Hậu quả khó lường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO