Cá nằm ao, người nuôi và doanh nghiệp đều khó

Quốc Trung 17/04/2020 08:00

Ngành cá tra tiếp tục khó khăn khi thị trường xuất khẩu đang bị dịch bệnh kìm kẹp. Lượng cá còn tồn trong kho nên doanh nghiệp (DN) chưa tính tới chuyện mua vào, giá cá lại tiếp tục giảm trong khi chi phí nuôi lại ngày một đội lên…

Cá nằm ao, người nuôi  và doanh nghiệp đều khó

Người nuôi cá tra đang gặp khó khăn.

1kg cá lỗ 4.000 đồng

Dịch bệnh đã làm cho quá trình giao thương của các ngành nghề bị đình trệ trong đó có ngành cá tra. Tại một số địa phương nuôi cá tra ở ĐBSCL như Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long…giá cá tra tiếp tục giảm mạnh.

Ông Dũng, người nuôi cá tra ở Sóc Trăng cho biết, những năm qua mỗi lần ông xuất đi từ 500 đến 700 tấn cá tra, hiện giá ở ao không quá 18 ngàn đồng/kg, so với cùng kỳ giảm hơn 12 ngàn đồng/1kg. Cụ thể năm ngoái bằng giờ giá cá tra là 28.500 đồng/1kg, còn bây giờ là 18 ngàn/1kg, người nuôi lỗ ít nhất 4.000 ngàn đồng/1 kg.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Phong- Giám đốc HTX nuôi thủy sản Đại Thắng ở TX Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thương lái thu mua cá tra chỉ 18.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất từ 21.000 - 22.000 đồng/kg nên hầu hết người nuôi lỗ.

Bà Đào Thúy Phượng (ở khu vực Hòa An B, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) chuyên nuôi cá tra giống cũng đứng ngồi không yên khi giá cá liên tục giảm. Bà Phương có hơn 1,5 héc ta ao nuôi cá tra giống, thả nuôi từ giữa năm 2019 đến nay vẫn chưa bán được, trong khi bình thường cá tra giống từ khi thả nuôi đến khi bán chỉ khoảng 3 tháng. Theo bà Phượng giá quá thấp, giá cá giống hiện ở mức 20.000 đồng đến 21.000 đồng/kg. Bà Phượng nhẩm tính ao của bà cũng khoảng trên dưới 20 tấn, vốn bỏ ra khoảng từ 450 đến 500 triệu đồng, nếu bán với giá hiện tại lỗ hơn trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Duy Nhứt- Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nam Việt ở An Giang, cho rằng: “Nhiều DN xuất khẩu cá tra đang gặp khó, khiến cho việc tồn kho rất nhiều, tốn kém thêm chi phí bảo quản, chôn dòng vốn hoạt động, kinh doanh không hiệu quả. Khó khăn tứ phía đang vây các DN cá tra”.

Ông Nguyễn Ngọc Hè- Giám đốc Sở NNPTNT TP Cần Thơ, cho biết trong quý I, địa phương có 480 ha nuôi cá tra, đã thu hoạch 100 ha, sản lượng 31.000 tấn nhưng giá bán chỉ 17.000 - 18.500 đồng/kg nên người nuôi hết sức khó khăn. Cũng theo ông Hè, chỉ có một số hộ nuôi có lợi nhuận khá nhờ gia công cho DN hoặc có liên kết với DN. Tuy nhiên, những hộ nuôi có lời chỉ chiếm 1/4 tổng số hộ nuôi trên địa bàn, còn lại đều thua lỗ.

Ở Đồng Tháp có khoảng 20 DN nuôi trên 932ha cá tra xuất khẩu, trong đó có gần 90% diện tích được chứng nhận sản phẩm an toàn theo các tiêu chuẩn: GlobalGAP, VietGAP, BAP, ASC. Ở đây, cả DN và người dân đang lo lắng tác động từ dịch Covid-19 ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ cá tra, nếu cứ kéo dài thiệt hại sẽ rất lớn.

Tìm cách giải phóng lượng cá tồn kho

Người nuôi cá và DN không chỉ đối diện với khó khăn về giá cả, mà cả chi phí đầu vào. Để đối phó với tình trạng giá cá tra giảm mạnh, nhiều hộ nuôi cá tra phải áp dụng biện pháp cho cá ăn cầm chừng để chậm thu hoạch, hi vọng giá sẽ sớm tăng lên.

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết, ông Dương Nghĩa Quốc- Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) cho biết: Thực tế khó khăn dữ lắm, hiện ở Đồng Tháp giá cá tra khoảng 18 ngàn đến 19 ngàn/1 kg mà khổ nỗi mấy DN cũng không mua vào thêm. Nguyên nhân do các DN không xuất khẩu được, trong khi kho chứa cũng đã đầy rồi.

Ông Quốc phân trần, thời gian qua mình cũng vận động người dân tham gia vào liên kết chuỗi, chuỗi hoạt động cơ bản ổn nhưng điều quan trọng là phải xuất khẩu cho được mới nói người ta tham gia. Trước tình hình này, cá hiện còn ở dưới ao đa phần là vùng nguyên liệu của các DN, họ cho ăn cầm chừng để chờ giá tăng.

Ông Quốc nhấn mạnh để cứu cá tra không còn con đường nào khác là đẩy mạnh xúc tiến thương mại các thị trường cũ để xuất khẩu lượng cá đang được DN tồn trong kho, ngoài ra tích cực tiêu thụ nội địa. Nếu tiếp tục kéo dài tình hình này sẽ gây khó khăn rất lớn cho DN và hộ nuôi. Hiện các DN thủy sản đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành liên quan nhằm giảm bớt áp lực và khó khăn, như miễn nộp kinh phí công đoàn, giảm thuế thu nhập DN, giảm giá điện, thuê kho lạnh, gia hạn thanh toán điện, giãn nợ, cho vay lãi suất thấp, giảm các thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra và chuẩn bị phương án và điều kiện để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất xuất khẩu sau dịch…

Chỉ có như vậy thì cả người nuôi lẫn DN chế biến, xuất khẩu cá tra mới hồi phục và đứng dậy được sau dịch.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NNPTNT TP Cần Thơ, cho biết trong quý I, địa phương có 480 ha nuôi cá tra, đã thu hoạch 100 ha, sản lượng 31.000 tấn nhưng giá bán chỉ 17.000 - 18.500 đồng/kg nên người nuôi hết sức khó khăn. Cũng theo ông Hè, chỉ có một số hộ nuôi có lợi nhuận khá nhờ gia công cho DN hoặc có liên kết với DN. Tuy nhiên, những hộ nuôi có lời chỉ chiếm 1/4 tổng số hộ nuôi trên địa bàn, còn lại đều thua lỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cá nằm ao, người nuôi và doanh nghiệp đều khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO