Cần hiểu đúng về sán lợn

Xuân Thuỷ 21/03/2019 08:00

Những ngày vừa qua, với nhiều gia đình tại tỉnh Bắc Ninh khi đưa con về Hà Nội để khám, xét nghiệm sán lợn thì sự lo lắng, sốt ruột cho sức khoẻ của trẻ là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, do chưa có nhận thức đầy đủ về bệnh sán lợn, nên không ít các phụ huynh rơi vào trạng thái bất an.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới, người mắc bệnh thường liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu báo cáo của các cơ sở điều trị đến nay, có ít nhất 55 tỉnh, thành có trường hợp bệnh ấu trùng sán dây, ấu trùng sán lợn. Bệnh ấu trùng sán lợn do ăn phải thức ăn bị nhiễm trứng sán dây lợn hoặc ấu trùng sán lợn (như thịt lợn gạo) chưa được nấu chín kỹ. Thông thường, ấu trùng sán lợn sẽ chết khi được đun nấu ở nhiệt độ 75 độ C trong vòng 5 phút hoặc đun sôi trong vòng 2 phút.

Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều phát ngôn từ các cơ quan có thẩm quyền cho rằng tỉ lệ nhiễm sán của học sinh huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) là không có gì bất thường. Các chuyên gia y tế lưu ý, khi một cơ thể nhiễm giun, sán, sau khi đã hết các loại ký sinh trùng này vẫn có thể cho ra kết quả dương tính vì kháng thể vẫn tồn tại trong máu. Cùng với đó, việc điều trị các trường hợp nhiễm sán thông thường cũng không có gì quá phức tạp.

BS Trần Thị Hải Ninh - BV Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, hiện tại, số lượng người đến khám đã giảm, song những ngày qua thực sự là những ngày cân não của đội ngũ y tế bệnh viện. “Mặc dù dồn dập đi xét nghiệm sán lợn là không cần thiết nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng khi người dân đang quan tâm đến sức khoẻ” - BS Ninh cho hay.

Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo, để chủ động phòng bệnh sán lợn, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh; không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm; không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn)... Để phòng tránh giun sán, cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cần thiết, không chỉ thực hiện trong trường học mà còn ở cả trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần hiểu đúng về sán lợn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO