Ngăn chặn lây nhiễm chéo và lây nhiễm cộng đồng

Minh Khuê 05/04/2020 08:00

Mỗi ngày trôi qua, lại xác định thêm những trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2, trong đó nhiều ca liên quan tới Bệnh viện Bạch Mai. Trong khi đó Bạch Mai là BV tuyến cuối, mỗi ngày có hàng chục nghìn người qua lại. Và như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 nói, cần hết sức bảo vệ các bệnh viện- tuyến đầu chống dịch.

Ngăn chặn lây nhiễm chéo và lây nhiễm cộng đồng

Bệnh viện Bạch Mai được phong tỏa chặt chẽ để dập dịch, tránh lây nhiễm. Ảnh: Quang Vinh.

Quyết liệt dập dịch từ ổ dịch phức tạp nhất

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết BV Bạch Mai được đánh giá là một ổ dịch lớn, nguy hiểm. Bộ Y tế đã thành lập một tổ công tác đặc biệt, một tổ điều tra dịch tễ tại BV Bạch Mai. Hiện nay, tất cả y bác sỹ, nhân viên, bệnh nhân tại BV đã được cách ly, xét nghiệm. Tuy nhiên, BV Bạch Mai là cơ sở y tế lớn, mỗi ngày có từ 10.000 - 15.000 người qua lại, không loại trừ nguy cơ lây nhiễm không chỉ từ bệnh nhân, cán bộ y tế, mà còn cả từ người đến thăm, người đến khám bệnh. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm ở BV Bạch Mai cũng như các BV khác là rất lớn.

Theo các chuyên gia y tế, đường lây nhiễm của Covid-19 là qua các giọt bắn, và qua tiếp xúc với các bề mặt nhiễm virus. Nếu người bệnh lây cho người lành thì gọi là lây nhiễm chéo. Sự lây nhiễm chéo có thể xảy ra trong bệnh viện, như giữa người bệnh Covid-19 với người bệnh bình thường, giữa người bệnh Covid-19 với thầy thuốc, giữa thầy thuốc mắc Covid-19 với thầy thuốc không có bệnh, giữa thầy thuốc và bệnh nhân... Tóm lại, đó là sự lây truyền vi khuẩn hoặc virus giữa người với người, từ các dụng cụ, thiết bị y tế sang người lành. Nguy cơ lây nhiễm chéo đáng sợ nhất có thể kể đến khi người bệnh vào bệnh viện mà không được phát hiện, kiểm soát triệt để. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như bệnh viện (khu cách ly) hoặc nhân viên y tế quá tải, thiếu thốn về dụng cụ bảo hộ, trang thiết bị y tế trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.

Vì vậy, các chuyên gia y tế đều cho rằng, bên cạnh các giải pháp điều tra dịch tễ truyền thống cần đẩy mạnh triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm y tế để tiến hành song song mũi “từ trong rà soát ra” và mũi “bao lưới từ ngoài vào” để khoanh vùng, xác định các trường hợp liên quan. Đồng thời tiến hành gửi tin nhắn cảnh báo qua các mạng di động, mạng xã hội đến tất cả những người đã qua lại BV Bạch Mai từ ngày 12/3 đến nay; thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông kêu gọi người dân cung cấp thông tin cho cơ quan y tế về những người có liên quan hoặc đã đến BV Bạch Mai từ ngày 12/3. Từ đó lập danh sách, tiến hành sàng lọc, phân loại nhóm cần cách ly tập trung và xét nghiệm ngay, nhóm cách ly tại gia đình và được theo dõi y tế…

Thông tin thêm về kết quả điều tra dịch tễ, PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng) cho hay, các chuyên gia dịch tễ học đã theo dõi rất sát và phân tích ngày đêm để cố tìm ra đường lây nhiễm ở BV Bạch Mai. Ban đầu, các chuyên gia tập trung vào hướng lây nhiễm từ nhân viên y tế nhưng sau khi xét nghiệm thì thấy chưa thuyết phục. Hướng thứ hai là dấu hiệu lây nhiễm từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Tuy nhiên, điều tra dịch tễ tiếp theo cho thấy có nguồn lây nguy hiểm hơn nữa là từ nhân viên của các công ty cung cấp dịch vụ ăn uống, hậu cần trong BV. Ngoài ra, các chuyên gia dịch tễ đang tiếp tục điều tra nguồn lây bệnh từ những người chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp.

Cũng theo ông Trần Đắc Phu nguy cơ lây nhiễm từ nhân viên các công ty cung cấp dịch vụ trong BV, đội ngũ chăm sóc bệnh nhân chuyên nghiệp là rất nguy hiểm vì những người này di chuyển qua nhiều BV. Tới đây, không chỉ BV Bạch Mai mà các BV khác phải đặc biệt chú ý hai nguồn này.

Bảo vệ nhân viên y tế và bệnh nhân

Trao đổi với báo chí, ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế rất lo lắng khi đã có những bác sĩ, điều dưỡng đầu tiên nhiễm bệnh. Ông Khuê cho biết tại Trung Quốc đã có đến 3.000 nhân viên y tế bị lây bệnh Covid-19. Tại Tây Ban Nha, Ý, Pháp... đều có bác sĩ nhiễm bệnh.

Theo ông, đối với nhân viên y tế, điều kiện bắt buộc phải tiếp xúc khi khám bệnh, chích thuốc, can thiệp phẫu thuật, thủ thuật, chăm sóc vệ sinh cho bệnh nhân thì phải có biện pháp phòng hộ cá nhân nghiêm ngặt. Phải rửa tay bằng xà phòng và nước trước, sau khi tiếp xúc với bệnh nhân hoặc môi trường nhiễm bẩn. Nếu tiếp xúc trực tiếp với máu, chất tiết, chất thải, niêm mạc và vùng da không lành lặn của bệnh nhân thì bắt buộc phải mang găng tay, rửa tay ngay lập tức. Nếu có nguy cơ chất bẩn bắn dịch vào người nhân viên y tế thì phải mang găng tay, mặc áo choàng, rửa tay. Nếu có nguy cơ bị bắn chất dịch vào người hoặc vào mặt phải mang găng tay, áo choàng, khẩu trang y tế, kính mắt và rửa tay. Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nặng phải dùng khẩu trang y tế hoặc N95.

Đối với bệnh nhân nên có phòng riêng (trong điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện có thể đáp ứng), bố trí giường cách giường ít nhất 2m. Hạn chế di chuyển ra khỏi buồng bệnh, đeo khẩu trang y tế thường xuyên. Phân luồng khám bệnh khi bệnh nhân vào viện, cách ly riêng, tránh để bệnh nhân Covid-19 lây cho bệnh nhân không mắc Covid-19.

Để hạn chế lây nhiễm chéo, bệnh viện phải kiểm soát “đầu vào” của người nhập viện. Việc này đang được thực hiện tốt trong mùa dịch Covid-19, như đo thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm nhanh ở sân bay, khai báo thông tin y tế... Giải pháp cách ly tập trung là rất kịp thời. Điều vô cùng quan trọng là phải cung cấp đầy đủ các dụng cụ bảo hộ, trang thiết bị y tế cho nhân viên y tế.

Ông Nguyễn Viện Hùng -Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai - chia sẻ bệnh viện đã mua khẩu trang, trang phục đặc biệt để dự trữ từ cuối năm 2019 và số còn lại cho đến nay được khoảng 1 triệu khẩu trang. Bệnh viện đang sử dụng mỗi ngày 10.000 chiếc. Như vậy số lượng khẩu trang có đủ cho đến tháng 7, nhưng bệnh viện vẫn đang mua thêm và có các nhà tài trợ hỗ trợ để đủ cho mỗi nhân viên y tế 2-3 cái/ngày. Tại các khu vực nguy cơ cao, như phòng khám khoa hô hấp, khoa cấp cứu, khu vực khám ban đầu cho người nghi nhiễm Covid-19, nhân viên y tế sẽ bỏ khẩu trang lại khu cách ly và dùng khẩu trang mới khi ra ngoài.

Trong một môi trường điều trị các bệnh nhân dương tính, nồng độ virus luôn ở ngưỡng cao, đặc biệt ở những nơi có bệnh nhân nặng. Việc sử dụng các đồ bảo hộ tuân thủ đúng nguyên tắc, đồ bảo hộ đảm bảo tiêu chuẩn là vô cùng cần thiết. Ngoài ra cần có chế độ khử khuẩn trước khi thay, tháo đồ bảo hộ. Các nhân viên y tế cũng cần có kỹ năng sử dụng, hạn chế tiếp xúc với nhau, cách ly theo đúng quy định.

Theo TS Dương Đức Hùng- Phó Giám đốc BV Bạch Mai, BV làm hết sức mình để đảm bảo an toàn cho người bệnh cũng như tránh lây nhiễm cho cộng đồng. Trước đó, BV Bạch Mai đã xây dựng kịch bản ở nhiều cấp độ để chống dịch nên không bối rối, hoảng loạn khi có trường hợp dương tính.

“Nỗi lo lớn nhất của chúng tôi đó là sự lây nhiễm. Bệnh nhân lây cho người nhà có khả năng sẽ lan ra cộng đồng. Nếu bệnh nhân lây cho bệnh nhân thì nguy cơ tử vong cao vì bệnh nhân của bệnh viện nặng. Nếu bệnh nhân lây cho nhân viên y tế rồi tiếp tục lây trong viện, sẽ không còn người để điều trị bệnh nữa”- ông Hùng nói và cho biết thêm, điều rất đáng mừng là mặc dù tình hình đang dần trở nên căng thẳng, phức tạp hơn nhưng nhân viên BVBạch Mai chưa một ai nao núng. Trong trường hợp phải điều trị cho người dương tính, đã có 600-700 cán bộ nhân viên đăng ký tình nguyện tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngăn chặn lây nhiễm chéo và lây nhiễm cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO