Thời gian gần đây, nhiều vụ trẻ em bị rơi từ trên tầng cao xuống đất qua ban công, loggia hay những thương tích không chủ ý từ các vật dụng trong nhà là hổi chuông cảnh báo để các bậc cha mẹ cần xem xét lại và có những biện pháp cụ thể trong việc phòng chống tai nạn thương tích cho con em mình.
Mới đây, Ủy ban Quốc gia về trẻ em có công văn số 533 /UBQGVTE-VP gửi Các Bộ: Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Công an; Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.
Trước tình hình trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về trẻ em yêu cầu các bộ, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã, cụ thể như sau:
Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng.
Rà soát các quy định và việc thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho trẻ em tại gia đình, cộng đồng, trường học và các công trình xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng. Tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định đối với các vụ việc khiến trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ, hộ gia đình, thôn, bản, xóm, ấp, tổ dân phố, khu dân cư, trường học, lớp học để bảo đảm an toàn cho trẻ em và thực hiện việc cải tạo, sửa chữa các vị trí có nguy cơ xảy ra tai nạn, thương tích trẻ em. Tích cực triển khai xây dựng ngôi nhà an toàn theo Quyết định số 548/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành tiêu chí Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
Tăng cường phối hợp liên ngành trong việc chỉ đạo, triển khai công tác phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã tại các khu chung cư, nhà cao tầng; huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và của người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em.
Một số biện pháp bảo vệ trẻ an toàn tại nhà
Bảo vệ ổ cắm điện: Bạn nên bảo vệ ổ cắm điện bằng nắp đậy ổ cắm. Nếu bạn đang sử dụng dây nối dài trong nhà, hãy dùng băng keo điện che các ổ cắm bị hở.
Bạn nên đánh giá lại các biện pháp phòng ngừa này khi con bạn lớn lên. Bảo vệ trẻ em là một quá trình liên tục. Nếu bạn đặt cánh cổng ở đầu cầu thang cho đứa con 1 tuổi thì đến lúc con 2 tuổi, những trẻ hiếu động hoặc trẻ nghịch ngợm sẽ dễ dàng leo trèo qua cánh cổng này để leo lên cầu thang.
Thận trọng với đồ nội thất và đồ đạc: Theo Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC), hơn 16.000 trẻ em dưới 5 tuổi đã phải vào phòng cấp cứu vào năm 2006 với những vết thương do ti vi, tủ sách và các đồ đạc và thiết bị khác đè lên. Trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2006, hơn 130 trẻ nhỏ đã tử vong vì đồ đạc trong nhà.
Tủ sách, tủ đựng quần áo và thiết bị lớn hoặc nặng là những mối nguy hiểm thực sự. Chốt cố định bất cứ thứ gì bạn có thể vào tường. Đẩy các vật dụng như tivi ra xa khỏi mép của đồ nội thất hoặc di chuyển chúng ra xa tầm với của trẻ, rồi cũng cố định các đồ vật này. Luôn đặt các đồ nặng hơn ở các giá dưới cùng và trong các ngăn kéo phía dưới để đồ đạc bớt nặng hơn.
Đóng các ngăn kéo của tủ quần áo khi bạn không sử dụng, nếu không, các ngăn kéo này sẽ tạo nên những chiếc thang để cho trẻ leo lên. Và đặc biệt lưu ý đóng hết các ngăn kéo của tủ tài liệu, vì kéo ra một ngăn có thể khiến tủ bị đổ.
Cài đặt cổng an toàn: Hầu hết các bậc cha mẹ xem cổng an toàn là công cụ bảo vệ trẻ em cần thiết. Chúng cho phép bạn mở cửa bên ngoài để lấy không khí trong khi giữ con bạn ở trong nhà, giúp giữ trẻ ở trong một căn phòng hoặc khu vực được chỉ định và chúng chặn lối vào của trẻ đến với các cầu thang nguy hiểm và các phòng cấm (chẳng hạn như phòng tắm hoặc nhà bếp).
Nếu hàng rào quá cũ hoặc sử dụng không đúng cách, bản thân cổng an toàn có thể gây nguy hiểm cho trẻ em. Nhìn chung, hãy tìm những cánh cổng mà con bạn không thể trèo ra được nhưng bạn có thể dễ dàng đóng mở.
Bạn không nên sử dụng cổng áp lực (pressure gates) ở đầu cầu thang. Thay vào đó, hãy lắp một cổng bắt vít vào tường, nó an toàn hơn nhiều. Tốt nhất bạn nên mua cổng an toàn mới tinh, đảm bảo rằng các sản phẩm này đều được chứng nhận an toàn cho trẻ em.
Kiểm tra dây buộc rèm và rèm: Theo CPSC, những sợi dây trên tấm rèm cửa sổ là nguyên nhân thường xuyên khiến trẻ em bị siết cổ, khiến một đứa trẻ trong độ tuổi từ 7 tháng đến 10 tuổi tử vong hàng tháng ở Hoa Kỳ.
Rèm cửa sổ gây ra một mối nguy hiểm cụ thể vì cổ của em bé có thể bị mắc kẹt trong dây kéo rèm. Trẻ có thể bị vướng vào sợi dây ở cửa sổ và bị siết cổ trong vài phút. Sử dụng rèm cửa sổ không dây bất cứ khi nào có thể, và tránh đặt cũi của con bạn gần cửa sổ.
Nếu trong nhà bạn có loại rèm kèm theo dây kéo, hãy cắt bỏ dây kéo hoặc sử dụng dụng cụ thu ngắn dây để tránh xa tầm tay. Bạn cũng có thể thay thế một vòng dây bằng loại tua an toàn.
Bảo vệ cửa sổ và cửa ra vào của nhà bạn: Theo CPSC, mỗi năm có khoảng 8 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong vì rơi từ cửa sổ xuống ở Hoa Kỳ và hơn 3.000 trẻ bị thương.
Bạn hãy ghi nhớ luôn mở các cửa sổ trượt theo phương đứng, 2 cánh hoặc có khóa để ngăn trẻ nhỏ mở. Cửa sổ thấp không nên mở quá 4 inch. Có các điểm dừng cửa sổ có thể ngăn cửa sổ mở nhiều hơn mức này. Một số cửa sổ mới hơn đi kèm với các điểm dừng cửa sổ đã được cài đặt.
Màn chắn cửa sổ không đủ chắc chắn để tránh rơi. Để đảm bảo an toàn, hãy lắp các thanh chắn cửa sổ hoặc tấm chắn cửa sổ, những thanh này bắt vít vào cạnh khung cửa sổ, có các thanh cách nhau không quá 4 inch và có thể điều chỉnh để phù hợp với các cửa sổ có nhiều kích thước khác nhau.
Lưu ý, cha mẹ nên sử dụng tấm chắn cửa hoặc tay nắm cửa trên cửa và bản lề cửa để tránh bị thương cho tay. Trẻ em dễ bị kẹt các ngón tay và bàn tay hoặc bị đè lên khi đóng cửa.
Thiết kế, xây dựng loggia đảm bảo an toàn: Cụ thể, các đơn vị có liên quan phải bố trí lan can che chắn tại vị trí, những nơi con người có khả năng rơi ngã từ độ cao trên 1m, lan can phải có độ cao phù hợp, cao từ 1,1m trở lên, có kết cấu vững chắc và an toàn.
Ban công, hành lang ngoài, hành lang trong, giếng trời, mái có người lên, cầu thang ngoài nhà… đều phải bố trí lan can bảo vệ. Chiều cao lan can không được nhỏ hơn 0,9 m tính từ độ cao mặt sàn đến phía trên tay vịn, trong khoảng cách 0,1 m tính từ mặt nhà hoặc mặt sàn của lan can không được để hở, nơi có nhiều trẻ em hoạt động lan can phải có cấu tạo khó trèo.
Theo quy định, từ tầng 6 trở lên các công trình xây dựng không được thiết kế ban công, chỉ được thiết kế loggia. Do đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ các gia đình ở tầng cao chung cư đã nghĩ tới việc xây kín loggia nhưng giải pháp này được cho là không hợp lý. Loggia không chỉ là không gian lấy ánh sáng hay trồng cây xanh mà đóng nhiều vai trò như làm giảm bức xạ nhiệt, là lối thoát hiểm trong trường hợp có tai nạn như cháy nổ, hỏa hoạn.
Bên cạnh những giải pháp xung quanh vấn đề phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã thì sự an toàn của trẻ còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức trách nhiệm của cha mẹ, người thân cũng như cô nuôi dạy trẻ.