Nhiệm kỳ qua, việc triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Mặt trận chủ trì phát động đã đánh dấu bước phát triển mới về chất theo hướng ngày càng thiết thực và hiệu quả. Từ việc khơi dậy sức dân, Cuộc vận động đã góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tham quan dây chuyền sản xuất lúa giống của Tổng Công ty giống Thái Bình.
Lấy sức dân chăm lo cho dân
Thực hiện Nghị quyết 26 khóa X của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; hưởng ứng phong trào Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM) của Chính phủ phát động; kế thừa và phát huy kết quả 20 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, ngày 15/11/2015, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã phát động, triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.
Với phương châm lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân, Mặt trận đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền chủ trương của Đảng và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” đến nhân dân, làm cho nhân dân nhận thức việc xây dựng NTM là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn ngày càng đổi mới và cuộc sống tốt đẹp của nông dân ngày càng được nâng cao mọi mặt. Thông qua đó, vận động người dân huy động nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng các cộng đồng dân cư văn minh và hạnh phúc.
Qua công tác tuyên truyền, vận động, có rất nhiều các mô hình sáng tạo, tự quản từ những sáng kiến của nhân dân đã phát huy hiệu quả và được ghi nhận. Điển hình tại tỉnh Vĩnh Phúc, để triển khai xây dựng NTM, người dân đã có sáng kiến thành lập mô hình Nhóm nòng cốt tuyên truyền vận động nhân dân tại khu dân cư tích cực tham gia thực hiện để hoàn thành các tiêu chí NTM với 81 mô hình đã phát huy hiệu quả trong toàn tỉnh.
Nhân dân ở huyện Đắc Mil, tỉnh Đắk Nông đã vận động quyên góp xây dựng 172,77 km đường nông thôn, hiện nay 100% các xã có đường giao thông đường nhựa, bê tông hóa và có đường ô tô đến Trung tâm tỉnh. Hay như tại tỉnh Đồng Nai, thông qua công tác vận động của Mặt trận, nhân dân đã đóng góp hơn 213,9 tỷ đồng, góp 45.726 ngày công lao động để làm mới và sửa chữa nâng cấp hơn 726 km đường giao thông nông thôn, gắn 4.640 bóng đèn và 1.901 camera giám sát an ninh.
Nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã tự nguyện đóng góp trên 249 tỷ đồng, hiến gần 200.000 m2 đất và đóng góp hơn 79.000 ngày công lao động để làm đường giao thông, xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu, làm mới 755 km đường bê tông, 191 km đường, sửa chữa, nâng cấp 334 km đường giao thông thôn ở buôn, bản…
Theo báo cáo của các địa phương, trong 5 năm qua, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân tự nguyện đóng góp nguồn lực hàng nghìn tỷ đồng, hiến trên 15 triệu m2 đất để xây dựng đường giao thông và các công trình dân sinh. Nỗ lực cùng sự quyết tâm của những người Mặt trận đã góp phần tích cực vào kết quả xây dựng NTM của cả nước. Đến tháng 8/2019, cả nước có 4.475 xã (đạt 50,26%) được công nhận đạt chuẩn NTM cùng 84 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng đô thị văn minh, thông qua công tác tuyên tuyền vận động của MTTQ các cấp, nhân dân đã tích cực tham gia xây dựng đô thị văn minh thông qua các hoạt động như: Xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực đô thị, xây dựng khu dân cư, tuyến đường, tuyến phố văn hóa; xây dựng các mô hình tự quản về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; xây dựng nếp sống văn hóa trong kinh doanh, ứng xử, không lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thực hiện việc quy hoạch và chỉnh trang đô thị...
Đặc biệt, công tác chăm lo, giúp đỡ người nghèo tiếp tục được Mặt trận các cấp quan tâm triển khai với nhiều đổi mới về cả phương thức vận động và cách thức hỗ trợ. Cùng với việc vận động các nguồn lực đóng góp vào Quỹ Vì người nghèo, Mặt trận các cấp đã kết nối các nguồn lực an sinh xã hội giúp cho vùng nghèo, người nghèo; đồng thời chủ trì hiệp thương để mỗi đoàn thể chính trị - xã hội nhận giúp đỡ các hộ nghèo theo địa chỉ cụ thể. Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động, hằng năm MTTQ Việt Nam chủ trì triển khai Tháng cao điểm vì người nghèo và phối hợp tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Cả nước chung tay vì ngươi nghèo” qua đó kêu gọi, khơi dậy những tấm lòng nhân ái, nhiều nghĩa cử cao đẹp chung tay giúp đỡ người nghèo.
Chỉ trong vòng 5 năm qua, hệ thống Mặt trận các cấp đã vận động được trên 19.700 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội, vận động Quỹ “Vì người nghèo” trên 4.672 tỷ đồng. Từ nguồn lực trên đã xây dựng và sửa chữa trên 153.000 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, xây dựng hàng nghìn công trình phúc lợi, giúp đỡ hàng triệu gia đình phát triển sản xuất, khám, chữa bệnh và học sinh nghèo có điều kiện đến trường.
Phát huy tinh thần sáng tạo, tự quản
Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, qua triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy được tinh thần sáng tạo, tự quản của người dân.
Hiệu quả thiết thực mang lại được thể hiện toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; đã khơi dậy các nguồn lực, truyền thống đoàn kết, sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư; tạo tiền đề và điều kiện cho việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, khơi dậy được tinh thần sáng tạo, ý thức tự quản của người dân ở cộng đồng; phát huy tinh thần đoàn kết tình làng, nghĩa xóm, cùng nhau thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, gắn bó với nhân dân, góp phần tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị từ cơ sở, góp phần quan trọng cùng Đảng, Nhà nước thực hiện công cuộc đổi mới, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng NTM, đô thị văn minh.
Để từng bước nâng cao hiệu quả việc phát huy tinh thần sáng tạo, tự quản của nhân dân trong thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế pháp lý và bảo đảm điều kiện để MTTQ và các tổ chức thành viên thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động cùng với quá trình xây dựng hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất hành động giữa MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên với các cơ quan có chức năng để tích cực tham gia thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân, giữ vững ổn định xã hội và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với các tổ chức thành viên về hiệp thương phối hợp thống nhất trong triển khai thực hiện Cuộc vận động nhất là việc phân công giúp đỡ hộ nghèo, người nghèo ở từng địa phương, cơ sở; tiếp tục duy trì thực hiện các mô hình đã đảm nhiệm, nâng cao chất lượng hiệu quả, tạo sức lan toả của mô hình, các phong trào thi đua yêu nước.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cũng nhấn mạnh tới việc tăng cường tính đồng thuận, gắn kết trong nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua qua đó động viên, khích lệ nhân dân tích cực phát huy tinh thần sáng tạo, tự quản tham gia thực hiện từ cơ sở, cộng đồng dân cư.
Với phương châm lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân, Mặt trận đã chủ trì hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền chủ trương của Đảng và phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đến nhân dân, làm cho nhân dân nhận thức việc xây dựng nông thôn mới là xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông thôn ngày càng đổi mới và cuộc sống tốt đẹp của nông dân ngày càng được nâng cao mọi mặt. Thông qua đó, vận động người dân huy động nguồn lực, hiến đất, hiến công xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, chấp hành pháp luật, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xây dựng các cộng đồng dân cư văn minh và hạnh phúc.