Thay đổi nhận thức người tiêu dùng

Tấn Thành 25/08/2019 08:00

Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai từ tháng 8/2009, đối với Quảng Nam bắt đầu triển khai từ tháng 1/2010. Vượt qua những khó khăn, thách thức, hơn 10 năm qua CVĐ đã gặt hái được những kết quả đáng ghi nhận.

Thay đổi nhận thức người tiêu dùng

Hàng nông sản Việt được bày bán tại một hội chợ tại Quảng Nam.

Chương trình xuyên suốt

Tại Quảng Nam các doanh nghiệp luôn phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa để đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được trong phát triển kinh tế chưa bền vững và gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, thậm chí có nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất, giải thể hoặc phá sản, số người thất nghiệp gia tăng...

CVĐ được ra đời và triển khai thực hiện theo chủ trương của Bộ Chính trị là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần giải quyết những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian qua cũng như hiện nay và cả về lâu dài đối với sự phát triển bền vững của đất nước, trong đó có Quảng Nam.

Theo đó, từ khi CVĐ được triển khai, ngoài những văn bản chỉ đạo, những kế hoạch, hướng dẫn cụ thể của Ban Bí thư Trung ương Đảng, của Chính phủ, của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam thì Đảng đoàn MTTQ tỉnh Quảng Nam đã tham mưu cho Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành các chương trình về tổ chức thực hiện CVĐ từ tỉnh đến cơ sở; thành lập Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh, Ban Chỉ đạo CVĐ cấp huyện. Quy chế hoạt động, thành lập Ban Thường trực, Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo tham mưu ban hành các Kế hoạch triển khai thực hiện CVĐ hằng năm…

Các Hội, đoàn thể, cơ quan tuyên truyền xây dựng Kế hoạch tuyên truyền CVĐ trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, phát động các phong trào thi đua gắn với nội dung CVĐ.

Sở Công thương tăng cường tổ chức các Hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Sở NN&PTNT tích cực tham mưu các cơ chế thực hiện Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm”… Cùng với đó là áp dụng các cơ chế chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, các làng nghề truyền thống, chương trình OCOP... kinh doanh, phát triển; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị ưu tiên mua sắm công trang thiết bị, hàng hóa, xe ô tô sản xuất trong nước; chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước nhằm bình ổn giá, đảm bảo cung ứng những mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của nhân dân; đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái để bảo vệ sản xuất trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng; phối hợp tổ chức nhiều đoàn giám sát công tác quản lý an toàn thực phẩm…

Phải nói rằng CVĐ đã được thực hiện xuyên suốt với những việc làm cụ thể đầy tâm huyết, đầy trách nhiệm của các cơ quan liên quan và sự tham gia nhiệt tình của người tiêu dùng.

Thay đổi nhận thức người tiêu dùng - 1

Đưa hàng Việt về nông thôn.

Kết quả đáng khích lệ

Chính nhờ được triển khai xuyên suốt với nhiều cách và việc làm cụ thể, CVĐ đã nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng, đem lại thành công trong việc sản xuất, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu hàng Việt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Để làm được việc đó, ngoài thực hiện các chỉ đạo những kế hoạch, hướng dẫn của Trung ương, của lãnh đạo tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam, Cơ quan Thường trực đã có những hành động cụ thể, từ tuyên truyền cho đến triển khai những kế hoạch để CVĐ đem lại hiệu quả.

Về tuyên truyền, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền CVĐ như: Phối hợp với các kênh thông tin báo chí địa phương và Trung ương có những chương trình tuyên truyền cụ thể; thường xuyên đăng các tin, bài viết tuyên truyền về CVĐ; đăng tải các chủ trương, thông báo kết luận, các nội dung tuyên truyền về CVĐ. Cụ thể đã in và phát hành 2.000 cuốn sổ tay tuyên truyền CVĐ đến tận khu dân cư; thường xuyên phối hợp tổ chức tuyên truyền pháp luật về các chương trình hoạt động nhằm triển khai thực hiện CVĐ thông qua các Hội chợ triển lãm và công tác kiểm tra; phối hợp tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh cũng tổ chức tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa thông qua tiểu phẩm “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam - chính là yêu nước!” trong đó, quảng bá các sản phẩm nổi tiếng của Quảng Nam; phê phán việc mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng, cảnh báo những nguy hại trong sản xuất, tiêu thụ hàng nông sản, thực phẩm không an toàn… từ đó nâng cao ý thức người dân trong sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa nội dung CVĐ gắn với CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức; tổ chức nhiều cuộc tọa đàm ở các khu dân cư để trao đổi, xác định tiêu chí hàng Việt Nam; lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân và các cơ sở sản xuất trong việc phát triển hàng hoá địa phương, nhất là sản phẩm, hàng hoá nông, lâm, ngư nghiệp...

Đối với công tác xúc tiến thương mại, 10 năm qua, Sở Công thương tiếp nhận, theo dõi 61 hội chợ và 33 phiên chợ; cấp huyện, tổ chức hơn 200 hội chợ, phiên chợ hàng Việt cấp xã, thu hút gần 1.250.000 lượt khách tham quan, mua sắm, tổng doanh thu bán hàng trên 300 tỷ đồng. Như siêu thị Co.opMart Tam Kỳ trong nhiều năm qua đã bền bỉ với chiến lược “Nội địa hóa”, đến nay hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã chiếm tỷ trọng hơn 95% trong cơ cấu hàng hóa bày bán tại đây. Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ thường xuyên tổ chức mỗi năm từ 15 đến 20 chuyến bán hàng lưu động với 100% sản phẩm sản xuất tại Việt Nam... tham gia các phiên chợ Việt ở nông thôn và miền núi. Đây thực sự là cơ hội để doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm, hiểu thêm nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Quảng Nam đã xây dựng đề án “Thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá nông sản vào các siêu thị trong và ngoài tỉnh Quảng Nam” nhằm tìm đầu ra cho hàng nông sản của tỉnh; hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, cùng với đó là đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Mỗi năm Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra bình quân 3.500 vụ, xử lý trên 1.500 vụ, thu ngân sách gần chục tỷ đồng; tổ chức kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các Hội chợ thương mại, các Chương trình khuyến mãi của các doanh nghiệp, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, các điểm bán hàng lưu động nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc lợi dụng CVĐ để đưa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào để tiêu thụ.

Ông Võ Xuân Ca- Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Nam khẳng định: Qua 10 năm triển khai thực hiện CVĐ từng bước, tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người tiêu dùng, người sản xuất về hàng hóa Việt Nam. CVĐ thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc điều chỉnh các giải pháp kích cầu, góp phần định hướng, thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước nói chung, của Quảng Nam nói riêng phát triển, có thêm điều kiện, cơ hội khẳng định vai trò, năng lực sản xuất kinh doanh của mình.

“Thông qua CVĐ, hàng Việt Nam sản xuất ngày càng phong phú, chú trọng hơn về chất lượng và mẫu mã, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp. CVĐ đã có sức lan toả, tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương- ông Ca nhận xét và nhấn mạnh: CVĐ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực truyền thông, vận động, quản lý sản xuất, kinh doanh, mua sắm công, tiêu dùng cá nhân… góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam trong sản xuất và tiêu dùng, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế đất nước nói chung và của tỉnh Quảng Nam nói riêng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thay đổi nhận thức người tiêu dùng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO