Các tỉnh - thành phía Nam chuẩn bị khôi phục sản xuất kinh doanh như thế nào?

Thanh Giang - Quốc Định - Hữu Vinh 06/09/2021 14:30

Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam, tuy nhiên vài ngày trở lại đây nhiều nơi ghi nhận số ca nhiễm giảm dần. Thực tế trên tạo điều kiện để “mở cửa” nền kinh tế, khôi phục lại hoạt động sản xuất.

Doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh

Ông Đặng Trần Hoàng Thụy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM SX Thiên Triều An, Phường An Bình, TP Biên Hòa (chuyên sản xuất kinh doanh các loại đồ uống) cho hay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 về phòng chống dịch Covid-19.

“Mặt hàng bên tôi là sản phẩm tiêu dùng nhanh nên phụ thuộc rất lớn vào thị trường. Công ty đang chờ các văn bản mới, hướng dẫn mới để hoạt động cho thời gian sắp tới. Hiện chúng tôi gấp rút xây dựng kế hoạch marketing khi tỉnh mở cửa. Dự kiến, sẽ mở rộng một số sản phẩm đồ uống tăng cường sức khỏe, như nước chanh sả gừng”, ông Đặng Trần Hoàng Thụy nói.

Nhiều địa phương đang tính toán kế hoạch khôi phục sản xuất sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh.
Nhiều địa phương đang tính toán kế hoạch khôi phục sản xuất sau thời gian dài ảnh hưởng dịch bệnh.

Mong muốn xã hội trở lại trạng thái bình thường mới, ông Mai Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Tuấn Thành (phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) chia sẻ, số ca mắc dịch Covid-19 trên địa bản tỉnh giảm những ngày gần đây. Chính quyền đang có kế hoạch cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh được mở cửa trở lại. Đây chính là tín hiệu vui cho người dân và doanh nghiệp.

Nói về kế hoạch sản xuất kinh doanh trong thời gian tới ông Mai Văn Tuấn cho biết: “Công ty tôi đang chuẩn bị kết nối lại với các mối nhập hàng bị gián đoạn. Tới đây, hàng hóa sẽ được nhập vào nhiều hơn bình thường vì tôi đoán rằng, sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, khách hàng sẽ cần nhiều hàng hơn”.

Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho rằng, suốt hai tháng nay, là khoảng thời gian vô cùng khó khăn với công ty, bởi Bình Dương là địa phương có diễn biến dịch Covid-19 khá nặng. Thậm chí nhiều phường bị được xếp vào “vùng đỏ” nên hoạt động sản xuất gần như giậm chân tại chỗ.

Nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng ngại tiếp xúc, hạn chế mua hàng, nguyên liệu khan khiếm, vận chuyển khó khăn, trong khi tiền mặt bằng, kho bãi công ty thuê vẫn phải thanh toán như thường.

Trao đổi về vấn đề sớm cho hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, TS BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, khống chế dịch để đưa địa phương trở về trạng thái “bình thường mới” đang là mục tiêu rốt ráo của lãnh đạo tỉnh.

“Khi đã khống chế được dịch thì không có lý do gì để hạn chế việc kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, người dân cả. Tuy nhiên, việc trả lại tình trạng bình thường sẽ được tỉnh thực hiện một cách thận trọng. Bởi vì chỉ cần lơ là dịch hoàn toàn có thể bùng phát trở lại ngay; lúc này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn về nhân, vật lực để chống dịch”, ông Nguyễn Hồng Chương nhấn mạnh.

Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hy vọng, khó khăn từ dịch bệnh sớm quan, nhanh chóng sản xuất trở lại.
Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hy vọng, khó khăn từ dịch bệnh sớm quan, nhanh chóng sản xuất trở lại.

Cũng theo ông Chương, tỉnh Bình Dương đang lên phương án cho những người tiêm vắc- xin theo đúng liều và thời gian quy định sẽ được lưu thông, hoạt động bình thường. Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu có hoạt động trở lại vẫn phải thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5k của Bộ Y tế; và những quy định liên quan đến công tác phòng, chống dịch của các cơ quan quản lý khác.

Sẽ có phương án "mở cửa" lại hoạt động sản xuất kinh doanh

Tại TP HCM, ở những vùng xanh và vùng vàng đang xanh hóa có nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn sớm đi vào sản xuất.

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP HCM khẳng đinh, ở các địa bàn khống chế được tình hình dịch bệnh như Quận 7, huyện Củ Chi, thành phố sẽ có phương án cụ thể để mở cửa lại hoạt động sản xuất kinh doanh, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người dân.

Theo đó, thành phố sẽ có những hướng dẫn cụ thể về tiêu chí an toàn cho từng khu vực nào được nới lỏng, mở cửa lại hoạt động sản xuất khi kiểm soát được dịch bệnh, ví dụ căn cứ vào tiêu chí đã tiêm ngừa vaccine, xét nghiệm tầm soát liên tục, tuân thủ 5K…

Hiện nay, các sở ngành liên quan đang cập nhật các dữ liệu như: tiêm ngừa vaccine, bệnh nhân Covid-19, các trường hợp cấp giấy đi đường, an sinh… vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư.

Giãn cách xã hội nên nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất có phần khó khăn.
Giãn cách xã hội nên nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất có phần khó khăn.

Khi cập nhật các dữ liệu này, người dân đi ra đường chỉ cần quét mã QR sẽ có thông tin đầy đủ về đối tượng được lưu thông và Công an cũng dễ dàng quản lý các đối tượng này hơn. Sau khi các dữ liệu cư dân được cập nhật đầy đủ thành phố sẽ không cần kiểm tra giấy đi đường của người dân.

Đối với Quận 7 và huyện Củ Chi, ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP HCM cho biết, trong buổi làm việc với Quận 7, UBND quận 7 có trình phương án dự kiến “Thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới”.

Ông Phạm Đức Hải cho biết thêm: “Phương án mở cửa hoạt động kinh doanh của UBND quận 7 vẫn đang xin ý kiến UBND TP HCM. Chúng ta sẽ chờ chỉ đạo chính thức từ UBND TP HCM".

Lên kế hoạch phát triển sản xuất sau ngày 19/5, mới đây ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM vừa quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố cùng các tổ tham mưu cho Ban chỉ đạo trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các tỉnh - thành phía Nam chuẩn bị khôi phục sản xuất kinh doanh như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO