Các 'vựa lúa' châu Á đối mặt nhiều thách thức

Hà Anh 07/09/2022 08:41

Giá phân bón cao kỷ lục do bất ổn thị trường và nguồn cung thiếu hụt trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đang khiến chi phí trồng lúa tăng cao. Thêm vào đó, thời tiết khắc nghiệt đang làm gia tăng nguy cơ gây ra mối đe dọa đối với hơn 2 tỷ người ở châu Á phụ thuộc vào lúa gạo.

Các nước xuất khẩu gạo của châu Á đang đối mặt nhiều thách thức từ giá cả đến thời tiết cực đoan. Ảnh: SCMP

Áp lực từ giá phân bón

Các chuyên gia lương thực thế giới cảnh báo giá gạo đang tăng lên do chi phí phân bón tăng cao. Bốn năm thu hoạch dồi dào giúp gạo giữ được giá cả phải chăng, nhưng với mức giá cao lịch sử của khí đốt tự nhiên - thành phần quan trọng trong sản xuất phân bón - sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, cả Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều dự báo giá tăng.

“Khủng hoảng là không thể tránh khỏi. Gạo từng là ngoại lệ, nhưng giờ đã không còn là vậy nữa" - ông John Baffes, nhà kinh tế nông nghiệp cấp cao tại Nhóm Triển vọng Kinh tế Phát triển của WB cho biết.

Khí tự nhiên là nguyên liệu chính được sử dụng bởi tất cả các nhà sản xuất phân bón lớn trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc. Trước xung đột, Nga, Ukraine và Belarus là những nhà xuất khẩu phân bón có chứa nitơ lớn, nhưng tác động của cuộc xung đột và giá khí đốt tăng cao đã ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu của cả 3 quốc gia.

Bà Julia Meehan - người phụ trách mảng phân bón của tổ chức phân tích thị trường Independent Commodity Intelligence Services, cho biết: “Đây là một nỗi lo lớn đối với thị trường toàn cầu, đặc biệt là châu Á. Chi phí khí đốt cao đã phá hủy nhu cầu, vì vậy chúng ta đang chứng kiến sự cắt giảm trong sản xuất, chưa kể một số nhà sản xuất còn quyết định ngừng hoạt động hoàn toàn”.

“Thiếu phân bón đồng nghĩa với việc mùa màng bị hư hại. Hoặc không có năng suất cao - một vấn đề hiện hữu đối với các quốc gia châu Á phụ thuộc vào nhập khẩu phân bón từ Nga” - bà Julia Meehan nói.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, các nhà sản xuất lúa gạo hàng đầu như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thoát khỏi một số tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng bằng các chính sách bảo hộ và dự trữ gạo.

Gần đây nhất vào tháng 4, FAO và WB kết luận rằng, giá cây trồng sẽ giảm trong nửa cuối năm nay. Nhưng đến tháng 6, cả hai tổ chức cũng như các viện chính sách lương thực hàng đầu thế giới đều đã thay đổi dự báo của mình để phản ánh tác động của việc giá khí đốt tăng kỷ lục đối với chi phí phân bón khi cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra chưa có hồi kết.

Theo ông Baffes, khoảng 1/3 chi phí canh tác của bốn loại ngũ cốc chính trên thế giới - gạo, lúa mì, ngô và lúa mạch - sử dụng phân bón. Cho đến gần đây, gạo là mặt hàng duy nhất trong số 4 mặt hàng này được chứng minh là không bị tăng giá kể từ năm 2020, chi phí của cả bốn loại đã cơ bản tăng lên gấp ba lần, với chỉ số ngũ cốc thế giới phần lớn được thúc đẩy bởi lúa mì, ngô và lúa mạch.

Cuộc khủng hoảng đã trở nên tồi tệ hơn do chiến tranh, nhưng cũng có nguồn gốc từ sự hỗn loạn kinh tế toàn cầu do đại dịch. Theo WB, nhu cầu mạnh, nguồn cung hạn chế và chi phí đầu vào cao hơn đã khiến giá phân bón tăng 80% trong năm ngoái. Tính đến tháng 5 năm nay, sau khi xung đột ở Ukraine xảy ra, giá đã tăng thêm 30%.

Thời tiết cực đoan

Các chuyên gia nhận định, thời tiết khắc nghiệt ở các quốc gia sản xuất gạo lớn trên thế giới bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan cũng đang đe dọa sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong năm nay, từ đó ảnh hưởng đến hơn 2 tỷ người ở châu Á phụ thuộc vào lúa gạo như một loại lương thực chính.

Theo FAO, hơn 90% lượng gạo trên thế giới được sản xuất và tiêu thụ ở châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc là nhà sản xuất và nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nước này vẫn chủ trương tự cung tự cấp và duy trì lượng gạo tồn kho hơn 100 triệu tấn.

“Do đợt hạn hán vừa qua, các cánh đồng lúa tại Trung Quốc bị ảnh hưởng và từ đó có thể ảnh hưởng đến năng lực xuất khẩu” - ông Guillherme Campos - quản lý cố vấn kinh doanh quốc tế tại công ty dịch vụ đa lĩnh vực Dezan Shira & Associates ở Hong Kong (Trung Quốc) cho hay.

Hạn hán của Trung Quốc đã ảnh hưởng đến 1,2 triệu ha đất ở nhiều tỉnh dọc theo lưu vực sông Dương Tử, một khu vực sản xuất gạo chủ lực của nước này. Nhà phân tích Campos giải thích: “Mặc dù vụ đầu tiên trong ba vụ lúa của Trung Quốc được thu hoạch trong điều kiện bình thường, vụ thứ hai đang bước vào giai đoạn trổ bông và đây là thời kỳ nhạy cảm nhất với nhiệt độ và nước. Những cánh đồng không có nước tưới sẽ phải chịu tác động của nhiệt độ cao kỷ lục”.

Các nhà phân tích cho biết, do Trung Quốc không phải là nước xuất khẩu gạo lớn, các bên nhập khẩu có thể chuyển sang các nước sản xuất gạo khác. Tuy nhiên, tác động từ mối đe dọa đối với vụ thu hoạch của Trung Quốc cũng đang được các nước láng giềng xem xét kỹ.

Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu gạo sang Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản, song không phải là nước xuất khẩu gạo lớn trên toàn cầu. Quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới là Ấn Độ, cung cấp lương thực cho người dân tại ít nhất 150 quốc gia. Các mối đe dọa đối với hoạt động sản xuất đã làm dấy lên lo ngại rằng Ấn Độ sẽ chặn đường xuất khẩu. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra lời hứa đảm bảo rất khó xảy ra lệnh cấm toàn diện. Hồi tháng 5, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu lúa mì sau đợt nắng nóng kỷ lục bóp nghẹt sản lượng của quốc gia.

Tuần trước, phương tiện truyền thông Ấn Độ đưa tin chính phủ nước này đang xem xét một lệnh hạn chế xuất khẩu gạo tấm 100%, chiếm phần lớn lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc từ Ấn Độ và được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 12/8, nguồn cung gạo toàn cầu dự kiến giảm 4,1 triệu tấn xuống còn 697,3 triệu tấn trong năm 2022-2023, chủ yếu do sản lượng giảm ở Bangladesh và Ấn Độ,.

Tổng diện tích trồng lúa ở Ấn Độ đã giảm từ gần 39,1 triệu ha xuống 36,7 triệu ha tính từ đầu năm đến tháng 8/2022. Với tình trạng hạn hán, sản lượng trong vụ thu hoạch vào tháng 10 có thể không mạnh như trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Các 'vựa lúa' châu Á đối mặt nhiều thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO