Cách phòng ngừa viêm họng cấp lúc giao mùa

Bùi Phúc (tổng hợp) 05/12/2020 20:13

Khi thời tiết lạnh hoặc khi thay đổi thời tiết... làm cho sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, là cơ hội để virus, vi khuẩn xâm nhập và dẫn đến viêm họng cấp.

Khám bệnh viêm họng. Ảnh minh họa.

Ngoài uống kháng sinh, có một số cách không dùng thuốc để phòng bệnh như súc miệng bằng nước muối ấm, ngậm mật ong và giấm táo, thảo mộc; uống nước chanh, trà gừng có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm có thể giúp giảm đau họng.

Cách phòng ngừa viêm họng cấp lúc giao mùa

Vệ sinh răng miệng, mũi, họng thường xuyên và hằng ngày. Cần đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy; Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc các dung dịch sát khuẩn miệng, họng theo hướng dẫn của bác sĩ;

Nên tắm bằng nước ấm, đặc biệt là với những người mắc bệnh viêm họng tái đi tái lại nhiều lần. Khi tắm xong cần lau khô người trước khi mặc quần áo sạch; Chú ý không ngồi trước quạt hoặc trong phòng điều hòa lạnh khi vừa tắm xong;

Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh, đặc biệt là khi đi ra ngoài vào buổi tối hoặc sáng sớm. Với trẻ em cần giữ ấm các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, cổ, ngực, đầu,...;

Không tiếp xúc với người có biểu hiện cúm, viêm đường hô hấp, người đang hút thuốc lá;

Uống nước ấm, hạn chế ăn đồ quá lạnh như kem, đá,...

Tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối các nhóm dưỡng chất như: Tinh bột, chất béo, chất đạm và rau, củ, quả; Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất;

Tiêm vaccine phòng chống các loại bệnh;

Khi bị bệnh viêm họng cấp tính, bệnh nhân nên dùng thức ăn mềm, dễ nuốt, ăn thêm rau và trái cây, nghỉ ngơi nhiều hơn, giữ ấm cơ thể, tắm bằng nước ấm trong phòng kín gió, vệ sinh cơ thể sạch sẽ và giữ khoảng cách với người khác, tránh gây lây nhiễm bệnh.

Thuốc trị viêm họng, không thể dùng tùy tiện

Theo Sức khỏe đời sống, DS. Nguyễn Thu Giang cho biết, thay đổi thời tiết hoặc trời lạnh khiến nhiều người bị viêm họng. Không ít người khi bị viêm họng cấp đã tự ý mua thuốc kháng sinh về dùng. Nhiều trường hợp tự ý dùng thuốc mà không khỏi bệnh, đến khi bệnh nặng đi khám, việc chữa trị trở nên phức tạp và tốn kém hơn. Vì thế khi bị viêm họng, người bệnh không được tùy tiện trong dùng thuốc...

Có thể nói, thời tiết lạnh không phải là nguyên nhân gây bệnh mà là yếu tố thuận lợi để mắc bệnh. Khi thời tiết lạnh hoặc khi thay đổi thời tiết... làm cho sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, là cơ hội để virus, vi khuẩn xâm nhập và dẫn đến viêm họng cấp. Đây là bệnh nhiễm trùng phổ biến gây đau cổ họng. Thông thường bệnh sẽ tự khỏi hẳn sau 1 tuần mà không để lại tổn thương, di chứng về sau. Nếu viêm họng, đau họng làm ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày cần đi khám để được dùng đúng loại thuốc theo tình trạng bệnh.

Nguyên nhân gây viêm họng thường là do virus và vi khuẩn (thường là streptococcus pyogenes và streptococcus nhóm A) hoặc do dị ứng, ô nhiễm không khí, chất kích thích, trào ngược dạ dày-thực quản... Tùy theo nguyên nhân bác sĩ sẽ chỉ định thuốc phù hợp.

Đau họng do virus thường không cần điều trị. Tình trạng bệnh sẽ cải thiện trong vòng 5-7 ngày. Tuy nhiên, do khó chịu, nên đôi khi cần tới sự trợ giúp của thuốc giảm đau. Thuốc thường dùng như: paracetamol hay ibuprofen... đặc biệt khi đau họng có kèm theo sốt và ở trẻ em.

Cần lưu ý, trước khi dùng thuốc luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng đúng liều và đúng cách, tránh được các “chống chỉ định” (không được dùng) của thuốc.

Thuốc xịt họng như lidocain và các loại thuốc gây tê khác được phun vào họng đã được tìm thấy để có tác dụng giảm đau hiệu quả. Bên cạnh đó, các loại viên ngậm có chứa chất gây tê hoặc các loại thuốc gây tê khác có thể giúp làm dịu cơn đau họng.

Viêm họng là bệnh thường gặp, ai cũng có thể mắc phải vài lần trong đời. Hãy đến gặp ngay bác sĩ khi bạn bị đau họng kéo dài hoặc có bất cứ bất thường nào. Giữ gìn sức khỏe, sống lành mạnh giúp nâng cao hệ miễn dịch là chìa khóa vàng để phòng tránh bệnh cũng như tránh lây nhiễm cho người xung quanh.

Trong trường hợp viêm họng do vi khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn dùng kháng sinh. Một số kháng sinh thường dùng như: amoxicillin, penicillin... hoặc azithromycin, clarithromycin, các thuốc nhóm cephalosporin. Tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chọn thuốc, liều lượng và đường dùng (uống hay tiêm) phù hợp. Trong hầu hết các trường hợp chỉ cần dùng đường uống (đây là đường dùng thông dụng và thuận tiện).

Người bệnh cần dùng đủ thời gian quy định mặc dù các triệu chứng của viêm họng đã được cải thiện. Tránh tình trạng thấy bệnh đỡ thì bỏ thuốc... làm cho bệnh chưa khỏi dứt điểm, vi khuẩn chưa được loại trừ hoàn toàn, sẽ có nguy cơ bùng phát trở lại. Người bệnh dễ bị kháng thuốc cho những lần bệnh sau...

Một số cách không dùng thuốc

Nước muối súc miệng: Súc miệng bằng nước muối ấm là một phương thuốc tự nhiên để giảm đau họng. Muối giúp giảm sưng bằng cách kéo nước ra khỏi mô họng và sát khuẩn. Trong thời gian bị viêm họng có thể súc mỗi giờ 1 lần, mỗi lần súc miệng họng trong 30 giây.

Mật ong: Mật ong thường được sử dụng kết hợp với các thành phần tự nhiên khác để làm dịu cơn đau họng. Mật ong có tác dụng giảm đau và chống lại nhiễm trùng và đặc biệt hiệu quả khi kết hợp với nước ấm và giấm táo hoặc thảo mộc. Tuy nhiên, không nên dùng cho trẻ em dưới 1 tuổi.

Nước chanh: Nước chanh là một loại đồ uống giải khát cũng có thể làm giảm cơn đau họng xảy ra khi bị cảm lạnh hoặc cúm. Chanh chứa vitamin C và chất chống ôxy hóa; làm tăng sản xuất nước bọt và có thể giúp giữ cho màng nhầy luôn ẩm. Kết hợp chanh với nước ấm và một chút mật ong hoặc nước muối có thể là cách tốt nhất để tối đa hóa lợi ích của nó.

Trà gừng: Gừng là một loại gia vị có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm có thể giúp giảm đau họng. Trà gừng có thể mua tại các hiệu thuốc hoặc có thể tự làm bằng cách: Lấy gừng tươi hãm với nước sôi, có thể thêm mật ong hoặc chanh để uống.

Viêm họng cấp - căn bệnh thường xảy ra lúc giao mùa

Viêm họng cấp tính là tình trạng viêm niêm mạc họng trong thời gian kéo dài không quá 4 tuần. Đây là căn bệnh phổ biến, xảy ra quanh năm nhưng thường xuất hiện khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh thường gặp ở trẻ em, xuất hiện cùng các bệnh khác như viêm VA, viêm amidan.

Nguyên nhân gây bệnh có thể là do vi khuẩn (phế cầu, liên cầu hoặc các vi khuẩn khác có trong họng) hoặc virus cúm, sởi,... Các yếu tố khác như môi trường ô nhiễm, khói bụi, thuốc lá, thời tiết biến đổi thất thường,... cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Bệnh viêm họng cấp ở trẻ thường khởi phát đột ngột. Viêm họng gây sốt cao 39 - 40°C, rát họng, khó nuốt và nuốt đau. Ban đầu, bệnh nhân thấy khô nóng trong họng, dần dần thành cảm giác đau rát, đau tăng lên khi nuốt, khi ho và nói chuyện. Bệnh nhân viêm họng cấp còn có triệu chứng đau lan lên tai và đau nhói khi nuốt. Các triệu chứng đi kèm là tắc mũi, chảy nước mũi, khàn tiếng, ho khan và sưng hạch cổ.

Tình trạng viêm họng cấp khi thời tiết chuyển mùa thường diễn ra trong vòng 3 - 4 ngày. Nếu sức đề kháng của bệnh nhân tốt thì bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng mất đi nhanh. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân sức đề kháng yếu thì bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, có thể gây ra nhiều biến chứng khó lường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách phòng ngừa viêm họng cấp lúc giao mùa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO