Cách xử lý khi bị sốc nhiệt do nắng nóng

Lan Anh 02/07/2021 10:00

Người dân cần phải biết xử lý cấp cứu khi bản thân hoặc người xung quanh có biểu hiện sốc nhiệt để tránh tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ, thậm chí là tử vong do sốc nhiệt.

Theo Bộ Y tế, sốc nhiệt là bệnh lý đặc trưng khi nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, kèm theo rối loạn chức năng thần kinh như rối loạn ý thức, hôn mê, co giật. Người bị sốc nhiệt thường có các biểu hiện như da nóng và khô, mệt, đau đầu, khó thở, đỏ mặt, nôn mửa, ỉa chảy, hôn mê, suy hô hấp, hạ huyết áp, rối loạn hô hấp, rối loạn thần kinh trung ương, suy gan, suy thận…

Nguyên nhân chính của sốc nhiệt là do tốc độ sinh nhiệt vượt qua khả năng của cơ thể đào thải nhiệt. Nếu không được xử lý kịp thời có thể gây biến chứng cho tim mạch, hệ thần kinh, phổi, thận, gây hoại tử tế bào gan, rối loạn đông máu, nhiệt độ trên 42 độ C, tăng thân nhiệt kéo dài, tăng kali máu, hôn mê trên 4 giờ. Ngược lại, nếu được sơ cứu kịp thời, tỉ lệ sống lên đến 90%.

Ảnh minh họa.

Việc sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân bị sốc nhiệt quyết định đến hiệu quả điều trị và di chứng sau này. Khi thấy một người nghi ngờ bị sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện như mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, nôn ói thì cần tìm kiếm sự giúp đỡ của y tế ngay lập tức. Gọi dịch vụ cấp cứu 115 hoặc số điện thoại của dịch vụ cấp cứu tại địa phương.

Song song với đó, phải khẩn trương sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh. Trước tiên, nhanh chóng đưa bệnh nhân tới khu vực có bóng mát, bỏ bớt quần áo và thực hiện các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân. Có thể xối nước mát lên người bệnh bằng vòi hoặc xô, đặt túi chườm đá ở nách, bẹn giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt do nắng nóng. Trong thời gian chờ đợi xe cấp cứu, tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân xuống còn 38,5 - 39 độ C.

Ảnh minh họa.

Lưu ý, trong trường hợp này, không dùng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân vì thuốc hạ sốt không có giá trị khi bị sốc nhiệt. Cấp cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh.

Khi gặp bệnh nhân bị sốc nhiệt hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, cần phải cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

Sốc nhiệt hoàn toàn có thể phòng tránh được, hiểu biết về những rối loạn do sốc nhiệt giúp con người giảm được tỷ lệ bệnh tật và tỷ lệ tử vong. Những người làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình, phải tạm dừng nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể, đặc biệt, 12 – 16h là thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày. Bên cạnh đó, cần uống đủ nước, những người lao động ngoài trời có thể uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng.

Ảnh minh họa.

Những ngày thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, nên hạn chế ra ngoài đường khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo kính chống nóng.

Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp, dẫn đến thay đổi đột ngột nhiệt độ khi ra ngoài, không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cách xử lý khi bị sốc nhiệt do nắng nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO