Cải cách tư pháp

Hoài Vũ 09/01/2018 08:00

Hôm qua, 8/1, bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo tại PVN được đưa ra xét xử sơ thẩm với 2 tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “tham ô tài sản”. Đây là vụ án nóng đầu tiên của năm 2018 nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đáng chú ý, phiên tòa này sẽ không có vành móng ngựa, và vị trí ngồi của kiểm sát viên và luật sư sẽ đối diện nhau. Một sự bình đẳng giữa hai bên buộc tội và gỡ tội theo tinh thần cải cách tư pháp.

Mô hình tố tụng hình sự, tranh tụng phân chia các chủ thể tố tụng dựa vào tiêu chí, các chức năng cơ bản của tố tụng hình sự từ chức năng buộc tội, chức năng bào chữa và chức năng xét xử, trên cơ sở đó hình thành các bên trong quan hệ tố tụng: Bên buộc tội, bên gỡ tội và toà án.

Đáng chú ý, việc phiên toà xử vụ án xảy ra tại PVN nói trên không có vành móng ngựa là áp dụng theo quy định mới bắt đầu từ đầu năm 2018. Theo đó, thực hiện Thông tư 01/2017/TT-TANDTC, quy định về phòng xử án có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, do Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao vừa ký ban hành, các phiên tòa xử án đều không có vành móng ngựa.

Nguyên nhân sâu xa, bỏ vành móng ngựa không đơn thuần chỉ là bỏ vành móng ngựa trong xét xử các vụ án hình sự mà nó còn thể hiện tính nhân văn, tôn trọng quyền con người của các bị cáo. Việc các bị cáo đứng lên bục khai báo đối diện với hội đồng xét xử đã cho thấy sự thay đổi rõ nét và đúng đắn, tiệm cận với những nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự thế giới cũng như khẳng định xu thế hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tư pháp hình sự của Việt Nam.

Bởi lẽ, việc bỏ vành móng ngựa trong tất cả các phòng xử án cho thấy nguyên tắc “suy đoán vô tội” và “giả định phạm tội” đã được tôn trọng theo nguyên tắc “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa án”.

Không chỉ là sự thay đổi từ vành móng ngựa thành bục khai báo; mà tinh thần cải cách tư pháp được thể hiện ngay từ “chiếc ghế ngồi” của luật sư-bên gỡ tội. Nếu như trước đây, phần lớn các phòng xử đặt chỗ ngồi của kiểm sát viên ngang hàng với hội đồng xét xử, thư ký, vô hình trung sẽ tạo ra cảm giác cơ quan truy tố như “người nhà” của Tòa án. Còn phía luật sư lại bị xếp dưới cơ quan kiểm sát, một vị trí đặt cách khá xa chỗ ngồi của Hội đồng xét xử thì nay theo tinh thần của Thông tư 01 vị trí ngồi của luật sư đã ngang hàng, đối diện với Viện Kiểm sát - cơ quan luận tội. Một tinh thần đổi mới được thay đổi ngay từ vị trí chiếc ghế ngồi, một sự bình đẳng trong buộc tội và gỡ tội theo tinh thần “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa án”. Một tinh thần như vậy giúp hội đồng xét xử trước khi tuyên án sẽ cân nhắc từ phiên thẩm vấn, tranh tụng và đặc biệt là kết quả đối đáp giữa kiểm sát viên và luật sư. Vì vậy không hà cớ gì lại “tạo sức ép” cho các kiểm sát viên trước dư luận, luật sư hay chính hội đồng xét xử trong quá trình giải quyết vụ án.

Bình đẳng khi xếp vị trí chỗ ngồi ngang hàng giữa bên buộc tội và gỡ tội, hay loại bỏ “chiếc vành móng ngựa” là một sự bình đẳng từ hệ thống pháp lý đến thực tiễn xét xử. Khi được ngồi ngang hàng với kiểm sát viên, các luật sư sẽ tự tin hơn, mạnh dạn hơn trong việc tìm ra những tình tiết có lợi và đề xuất các phương án xử lý trước hội đồng xét xử. Đó là một bước tiến trong cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp, đảm bảo vị trí, vai trò trung tâm của hội đồng xét xử. Ngoài ra, việc xếp vị trí ngang hàng như vậy sẽ tạo sự bình đẳng trong tranh tụng, được quy định tại Hiến pháp năm 2013. Không còn vành móng ngựa hay chiếc ghế ngồi ngang đối diện nhau là một sự nhắc nhở nguyên tắc “kết quả xét xử phải căn cứ vào nội dung tranh tụng tại tòa”, góp phần giảm đến mức thấp nhất những vụ án oan sai không đáng có. Việc thay đổi chỗ ngồi này cũng có những tác động không nhỏ đến tâm lý của giới luật sư.

Cũng xin được nhắc lại rằng, Nghị quyết số 49/NQ-TW đã nêu rõ: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”. Hay tại Điều 103, Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ là “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”, mà theo đó Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, ngoài việc thay đổi về hình thức là chiếc ghế ngồi hay vành móng ngựa, điều quan trọng là cần triển khai thực hiện các quy định khác của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như các quyền của bị can, bị cáo, quyền của người bào chữa trong việc thu thập, cung cấp chứng cứ, quyền tranh tụng bình đẳng, nguyên tắc suy đoán vô tội mới thay đổi được mô hình tố tụng và hiệu quả trong tố tụng. Còn nếu chỉ thực hiện triển khai những quy định về hình thức mà không làm tốt các quy định về mặt nội dung, không đảm bảo được quyền bào chữa, quyền con người, không bình đẳng trong địa vị tham gia tố tụng của các chủ thể thì việc không còn vành móng ngựa hay thay đổi vị trí ngồi trong phiên tòa cũng chẳng đem lại ý nghĩa, một sự bình đẳng giữa luận tội và gỡ tội.

Cách thức tổ chức các cơ quan tư pháp hình sự hiện nay được ví như một “đường trục”. Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Toà án tuy có chức năng, nhiệm vụ riêng trong từng giai đoạn tố tụng, nhưng đều có chung nhiệm vụ phát hiện tội phạm, làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Việc tăng cường vị trí, vai trò của người bào chữa trong các thủ tục tố tụng tư pháp nói chung và tư pháp hình sự nói riêng là một trong những yêu cầu quan trọng của cải cách tư pháp được đề ra trong nhiều nghị quyết của Đảng nhưng đó mới chỉ là hình thức, điều quan trọng chính là nội dung.

Nói như lời luật sư Trương Trọng Nghĩa - phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam thì theo tinh thần nguyên tắc suy đoán vô tội, bỏ vành móng ngựa được thực hiện theo Chiến lược cải cách tư pháp. Nhưng đó là đổi mới về hình thức, còn bản chất của sự việc là triệt để áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội và quyền con người, quyền bào chữa mà Hiến pháp đã quy định khi “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội có hiệu lực của Tòa án” do đó bình đẳng tranh tụng tại tòa mới là điều quan trọng. Hình thức là quan trọng nhưng không quan trọng bằng thực chất là bình đẳng trong tranh tụng và xét xử. Chỉ dựa vào kết quả tranh tụng tại tòa đó mới là bước tiến trong cải cách tư pháp, và mấu chốt vẫn là nguyên tắc suy đoán vô tội và tranh tụng phải được thể hiện thực tế tại phiên tòa.

Việc bỏ vành móng ngựa có tính nhân văn sâu sắc cũng như không tạo áp lực cho hội đồng xét xử cũng như bị cáo, người tham gia tố tụng khác. Nhưng nếu các nguyên tắc của pháp luật tố tụng hình sự được thực hiện cả về hình thức và nội dung thì sẽ là một cuộc cách mạng trong hoạt động tư pháp. Trên cơ sở thực hiện tốt các nguyên tắc này sẽ đảm bảo được việc xét xử đúng pháp luật, khách quan, toàn diện, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có ý nghĩa trong việc phòng ngừa tội phạm cũng như răn đe tội phạm, bảo vệ được các quan hệ xã hội được pháp luật quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách tư pháp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO