Cải cách vì Dân

Hoàng Mai 08/09/2015 08:10

Tất cả những kêu ca, phàn nàn của người dân khi tiếp xúc với cơ quan công quyền phần nhiều cũng vì cái bệnh vô cảm. Nó cũng làm cho nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ đôi khi trở nên kém hiệu quả trong mắt người dân.

Hướng đến một nền hành chính vì dân, vì doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Long.

Mới đây, Bộ Nội vụ đã họp, công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 (PAR INDEX 2014); theo đó, PAR INDEX cấp bộ bao gồm 7 lĩnh vực, 31 tiêu chí và 89 tiêu chí thành phần. PAR INDEX cấp tỉnh gồm 8 lĩnh vực, 34 tiêu chí và 104 tiêu chí thành phần. Đánh giá chấm điểm dựa trên phương pháp: Tự chấm điểm, đánh giá của các bộ, các địa phương theo thang điểm đã quy định; sau đó, Bộ Nội vụ thẩm định với sự tư vấn của Hội đồng Thẩm định và điểm đánh giá qua phiếu điều tra xã hội học. Có một kết quả đáng chú ý đó là giá trị trung bình PAR INDEX 2014 của 19 bộ, cơ quan ngang bộ đạt 76,99%, cao hơn so với năm 2012 nhưng lại thấp hơn so với năm 2013, giảm 0,26%.

10/19 bộ, cơ quan ngang bộ có PAR INDEX 2014 tăng hơn so với kết quả năm 2013; trong đó 7/19 bộ tăng đều qua 3 năm. Còn lại, 3 bộ: Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương thì giảm đều qua 3 năm. Nhìn vào kết quả thì thấy, xem ra, CCHC đã bước đầu có kết quả nhưng… vẫn chưa đạt mong đợi.

Nhớ lại, nửa năm trước Báo cáo của ngành chức năng tại Hội nghị toàn quốc về đẩy mạnh CCHC và cải cách chế độ công vụ, công chức, cho thấy, CCHC đã đồng bộ hơn; các hoạt động cải cách chế độ công vụ, công chức đã và đang được tiến hành ở các cơ quan hành chính.

Mục tiêu của cải cách nói chung và cải cách hành chính nói riêng bao giờ cũng là hướng đến những gì tốt đẹp nhất, gọn nhẹ nhất, hiệu quả nhất, minh bạch nhất về mặt thủ tục, giúp giảm thiểu những mệt mỏi không đáng có từ việc phải xếp hàng, phải chờ đợi hay là phải đi lại nhiều lần mới hoàn thiện xong một thủ tục hành chính đơn giản. Nói cách khác là, hướng đến một nền hành chính vì dân, vì doanh nghiệp, vì nền kinh tế.

Cũng tại Hội nghị nói trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá, năm 2014 và đầu năm 2015, công tác CCHC, cải cách chế độ công vụ, công chức đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện, có bước tiến và kết quả thiết thực, nhất là tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nhưng, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra: So với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì kết quả đạt được còn khiêm tốn, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Bởi, theo Thủ tướng, trên thực tế vẫn còn rất nhiều quy trình, thủ tục phức tạp, không cần thiết, gây phiền hà, tốn kém chưa được rà soát để sửa đổi, bãi bỏ hoặc sửa nhưng còn rất chậm.

Bên cạnh đó, nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của người đứng đầu một số cấp, ngành chưa cao; một bộ phận cán bộ, công chức có tinh thần phục vụ kém, thiếu trách nhiệm, sách nhiễu, tiêu cực trong khi việc kiểm tra, xử lý chưa quyết liệt, nghiêm túc; nhiều cơ quan, tổ chức trùng dẫm, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, thiếu sự phối hợp. Tất cả những hạn chế này đang cản trở nỗ lực cải cách, đang làm chậm đi sự phát triển của đất nước.

Và, người đứng đầu Chính phủ đã lên tiếng nhận trách nhiệm khi nói: “Tôi, người đứng đầu Chính phủ hết sức nghiêm túc nhận trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế, yếu kém này”. Và rằng, “Chúng ta không được phép thỏa mãn hay dừng lại vì so với yêu cầu thì còn phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Tôi tin là chúng ta hoàn toàn có khả năng làm tốt hơn nữa, cải thiện tốt hơn nữa nếu thực sự trách nhiệm, ý chí, quyết tâm, nhất là người đứng đầu” - Thủ tướng khẳng định tại Hội nghị kể trên.

Nói như vậy là rõ ràng, người đứng đầu Chính phủ đã nhìn nhận, đánh giá hết sức nghiêm túc những gì được, chưa được của nền hành chính và công cuộc CCHC. Nhưng, rõ ràng là CCHC tuy đã có bước tiến nhưng chưa thể coi là đạt yêu cầu. Cứ nhìn vào PAR INDEX năm 2014 thì rõ, CCHC đạt tốc độ như thế nào không rõ; chỉ biết, nó lại “tụt hạng” so với giá trị trung bình của năm 2013 là 0,26%.

Nói cách khác là có cải nhưng lại chưa tiến. Chỉ có khối địa phương là tăng đều qua 3 năm thực hiện chấm điểm theo PAR INDEX với giá trị trung bình PAR INDEX của các tỉnh thành phố là 81,21%, cao hơn so với năm 2013 là 3,65% và cao hơn so với năm 2012 là 5,13%. Như vậy cũng có thể thấy, so với trung ương, các địa phương đã có bước tiến rõ rệt.

Mà không thế không được nhất là trong bối cảnh cạnh tranh để thu hút đầu tư, tăng GDP của mỗi địa phương nằm trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.

Vậy vì sao các bộ ngành nói chung và một số bộ ngành “cầm cương” về văn bản pháp luật hay “cầm cương” kinh tế (nông nghiệp, nông thôn và công thương) lại vẫn ì ạch ở mức 3 năm giảm đều. Có lẽ sẽ có lý giải, Hiến pháp mới có hiệu lực trong đầu năm 2013 vì thế nên việc sửa luật cho phù hợp với quy định trong Hiến pháp mới chưa thể kịp với tiến độ dù rằng trong gần 2 năm qua, chúng ta đã bắt tay sửa đổi hàng loạt luật, bộ luật. Đó là nói tới ngành tư pháp; nhưng còn hai ngành kia thì sao!?

Đến đây, câu chuyện lại trở về với kỳ họp thứ 9 QH khóa XIII với vấn đề được chính Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu ra trên diễn đàn quan trọng này khi nói đến việc một quả trứng gà phải cõng đến 14 loại phí. Không phải chỉ là chuyện quả trứng phải oằn mình chịu phí; mà xa hơn chính là sự “vô cảm” đối với lao động của nông dân. Cũng chỉ sau kỳ họp ấy, câu chuyện phí của quả trứng mới được giải quyết khi người nông dân đã phải chịu những loại phí vô lý khá lâu.

Nói thế để thấy sự chậm đổi mới là có thật ở một trong những ngành mũi nhọn của kinh tế đất nước. Vấn đề của quả trứng gà cũng cho thấy một thực tế, câu chuyện một cửa nhiều khóa vẫn còn hiện hữu đâu đó trong nền kinh tế nước ta; nó làm cho người dân đôi khi có cảm giác đang phải đối mặt với nguy cơ mệt mỏi vì những thủ tục quá ư rườm rà vừa mất thời gian vừa tốn tiền mà lại chả rõ vì sao.

Tất cả những kêu ca, phàn nàn của người dân khi tiếp xúc với cơ quan công quyền phần nhiều cũng vì cái bệnh vô cảm nói trên. Nó cũng làm cho nỗ lực CCHC của Chính phủ đôi khi trở nên kém hiệu quả trong mắt người dân.

Cũng chính vì lý do này mà đã nhiều lần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cấp, các ngành tập trung rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, luật pháp, chính sách, nhất là thể chế kinh tế thị trường để tạo hành lang pháp lý, môi trường thông thoáng cho nền kinh tế vận hành hiệu quả, theo đúng quy luật, nguyên tắc thị trường, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh; trong khi vẫn phải đảm bảo tuân thủ tinh thần Hiến pháp 2013.

Tinh thần của Thủ tướng là “Phải rà soát để sửa đổi, bãi bỏ theo tinh thần tạo thuận lợi nhất, thông thoáng nhất, dễ dàng nhất cho người dân và doanh nghiệp, không nói chung chung nữa”.

Vậy giải pháp nào cho việc bớt đi cái chung mà lại là chung chung nếu không phải là hiện đại hóa các thủ tục hành chính; chấm dứt việc tiếp xúc giữa người xin dấu và người cấp dấu- ấy là cách nói nôm na; nhưng trên hết vẫn là sự đồng cảm chứ không vô cảm của người làm chính sách và người thực hiện các chính sách ấy. Điều này thì chẳng có máy nào làm nổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cải cách vì Dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO