Cảm nhận 'Từ bến sông Nhùng'

PGS TS Nguyễn Thị Trường Giang 18/06/2019 14:29

Với tiểu thuyết Từ bến sông Nhùng, Phạm Quốc Toàn không đơn thuần kể lại câu chuyện lịch sử với đầy đủ các nhân vật và sự kiện lịch sử, mà chủ yếu mượn không gian lịch sử để khắc họa và làm chân thật hóa những con người đóng vai trò quan trọng trong các sự kiện lịch sử đương đại nước nhà. Với chín chương sách, chương nào cũng ngồn ngộn sự kiện, đầy ắp cảm hứng, tình tiết, con người, chuyện đời, chuyện thế sự, mà trên hết là chuyện nghề, chuyện báo chí văn chương.

Cảm nhận 'Từ bến sông Nhùng'

Nhà báo -Thiếu tá Phạm Quốc Toàn là phóng viên, Phó Trưởng phòng biên tập báo Quân đội Nhân dân vào những năm 70 của thế kỷ trước, có hơn 40 năm viết báo và quản lý báo chí, trong đó có 30 năm làm Tổng biên tập cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương và đã trải qua 2 nhiệm kỳ (2005-2015) đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam. Một người đã từng nếm trải bao ngọt bùi và cả cay đắng của “cái nghề hèn mọn mà cao cả đó”! Hơn ai hết, anh thấu hiểu sâu sắc về nhân tình thế thái, những biến thiên thăng trầm của vòng xoáy thời cuộc, mà biểu hiện rõ nhất ở cuốn tiểu thuyết là đã dám dấn thân để tham dự vào tất cả mọi tình huống, từ phổ quát đến từng chi tiết trong đời sống, dám chia sẻ hết mọi tâm trạng của những con người thuộc nhiều thế hệ cầm bút. Cuốn tiểu thuyết đủ sức để thẩm thấu đến mọi ngóc ngách của cuộc sống xã hội, tâm lý, lề thói ứng xử của con người từ cái chung đến cái riêng.

Nhân vật chính của truyện là nhà báo, nhà văn Phan Hoàng và xoay quanh ông là sự xuất hiện của bao nhân vật khác, chủ yếu là giới báo chí. Và tất nhiên bạn đọc nhận biết nhân vật Phan Hoàng ở ngoài đời là ai! Ông đã đóng góp lớn lao cho nền báo chí nước nhà, từ số lượng tác phẩm đồ sộ, kinh nghiệm dày dạn trong làng báo, đặc biệt góp phần tạo dựng phương hướng và phát triển cho một nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp và nhân văn. Các tác phẩm của ông là sự kết tinh của một quá trình tích lũy vốn sống trong cả cuộc đời làm báo. “Nhìn lại tôi thấy cả cuộc đời mình chuyên làm báo hàng ngày: Hơn 6 năm báo Cứu quốc, 28 năm báo Nhân dân, 9 năm Đài Tiếng nói Việt Nam, gần nửa thế kỷ trõm mắt viết bài, đọc tin”... Dưới ngòi bút của Phạm Quốc Toàn, nhân vật Phan Hoàng đã khẳng định được phẩm chất cao đẹp, thể hiện được tính công dân trọn vẹn; lòng vị tha đầy nhân ái; tâm thế biết dấn thân hết mình vì sự nghiệp chung; lòng yêu nước nồng nàn và bộc trực; yêu chân lý và lẽ phải; dám dấn thân vì quyền sống, quyền làm người có lương tri, từ đó biết yêu cái đẹp, cái thiện trong tinh thần dân chủ và công bằng, biết tiếp thu đầy đủ lý tưởng nhân văn… Phan Hoàng ra đi kháng chiến lúc tuổi đời hãy còn rất trẻ, để lại sau lưng những gì yêu quý nhất: Gia đình, mẹ cha, quê hương, bạn bè… và cả “miền quê Quảng Trị, gió Lào cát trắng, nắng chát chúa, mưa xối xả, bão cuồng điên và chiến tranh tàn phá”. Như ông đã tâm sự: “Mới tuổi thiếu niên tôi đã rời làng quê, rồi đi khắp cả nước, đã ngoài năm mươi năm sống ở Thủ đô Hà Nội. Mà sao vẫn thấy mình là một người Quảng Trị 100%... Tôi nhận từ quê hương nguyên vẹn con người tôi”. Chỉ chừng ấy thôi cũng đủ thấy lòng cháy bỏng với quê hương của ông thẳm sâu biết nhường nào!

Lật từng trang sách, bạn sẽ đồng hành cùng tác giả bởi cái nhìn sắc sảo, bởi mỗi trang viết là một mẩu chuyện nhỏ tâm tình, bao hàm sự nhẹ nhõm thú vị. Ví như truyện Hoàng Bách - một lính mới (sau này đổi thành Phan Hoàng) đến chào thủ trưởng Hoàng Bách ở cơ quan báo Đảng thật dí dỏm và cũng thật nhân văn. Chính thái độ, cách ứng xử của thủ trưởng Hoàng Bách làm bao người nể trọng! Câu chuyện giữa Thế Nguyễn và Triêu Dương làm ta vui lây và cảm phục vì bắt gặp được người tri âm, tri kỷ, nghĩa tình sống có trước, có sau. Chuyện giữa Thu Minh (bạn học xưa) bay từ trời Âu về Hà Nội chỉ vài tiếng đồng hồ để gặp và mừng Phan Hoàng tuổi 60 cảm động biết nhường nào! Mặc dù do hoàn cảnh, mỗi người một chỗ đứng, một xứ khác nhau nhưng tình cảm giữa họ vẫn lung linh, da diết, sâu và đậm, bởi hai người có sự cảm thông và thấu hiểu - nó trở thành chất keo gắn bó người ở nơi hai xứ…

Để phác họa, tiếp cận sự chuẩn mực chân dung nhà báo, nhà văn Phan Hoàng không hề dễ dàng một chút nào, cho dù hai người là bạn tri kỷ. Bởi nhà báo, nhà văn cũng là con người bình thường - dù đó là Phan Hoàng, cũng có yêu, có ghét, cũng có những nhu cầu thường ngày về ăn, mặc, ở, đi lại và biết bao mối quan hệ chằng chịt khác. Với sứ mệnh cao cả mà xã hội, nhân dân trao gửi, đặt niềm tin vào nhà báo, vì thế phấn đấu để trở thành nhà báo, nhà văn chân chính là cả một vấn đề và cả một chặng đường gian khổ với sự hy sinh lớn. Ở đời làm người đã khó, nhưng làm người để được mọi người nể trọng thì khó lắm thay! Phải từ lời nói, việc làm, cách sống, cách ứng xử hòa quyện làm một thì mới có sức nặng lay chuyển và tác động đến người đời. Phan Hoàng là con người như vậy! Ngồi ngẫm ngợi về thân phận con người trong sự bề bộn, xô bồ, thăng trầm, quay cuồng của cuộc sống hiện tại, khi bị thế lực vô hình của đồng tiền bủa vây, lúc đó ta mới nhận ra rằng: Một Phan Hoàng đã từng lên rừng xuống biển, lăn lộn với cuộc đời, từng ở địa vị thứ trưởng, từng giữ trọng trách ở hai cơ quan báo chí lớn, là nghị sĩ, chính khách… mà vẫn giữ được tấm lòng lương thiện, tình nghĩa sáng trong, nhân cách, tài năng đến phút cuối cùng, mới là điều khiến bao người nể trọng, ngưỡng mộ!

Mỗi trang viết Từ bến sông Nhùng của Phạm Quốc Toàn đã đưa người đọc vào cuộc hành trình cùng tác giả, mà không hề thấy nhàm chán. Do đó, có thể tiếp nhận cuốn sách ở bất cứ lúc nào, trang nào, có thể đọc từ đầu, đọc giữa, đọc cuối, đọc theo các chương… dù đọc bất kỳ đâu, người đọc cũng nhận thấy sự thú vị mà nhà báo, nhà văn trao gửi. Xin được ngoại đề một chút, khi Triêu Dương hẹn lão tướng Phan Hoàng tới nhà khách La Thành hàn huyên, trò chuyện, cách kể, cách khắc họa, cách thể hiện thật tuyệt: “Ông ngồi đó, mực thước đẹp lão, vừng trán cao, đôi mắt sáng đằm thắm, phúc hậu, tựa như ông tiên... Ông kể với Triêu Dương sự thăng trầm của cuộc đời, cả những góc khuất chuyện không vui, những khoảng khắc bay bổng đầy kiêu hãnh và tự hào về sự nghiệp cầm bút, bắt đầu từ nơi ông sinh ra và trưởng thành bên bờ con sông Nhùng”... Tôi có cảm tưởng câu chuyện bỗng nhiên như chùng xuống, quanh bàn trà không khí như ngưng đọng lại, ông hướng về cái đích nào đó xa xăm, hoặc tiếc nuối một điều gì đó không muốn nó tuột khỏi tay mình!

Tôi chỉ là một giọt nước trong biển nước mênh mông làm sao biết hết được hướng đi của dòng chảy lớn; làm sao biết hết được tâm hồn và trí tuệ đang dạt dào tuôn chảy trong tác giả và nhà báo gạo cội Phan Hoàng?

Qua tác phẩm, người đọc bắt gặp những nhà báo lão thành như Hoàng Bách, Phan Hoàng không những đạo cao, đức trọng, thông tuệ Đông Tây Kim Cổ, không gì là không biết; những nhà báo thành danh như: Tuấn Minh, Nguyễn Xuân, Hồ Quang, Nguyễn Duy, Nguyễn Đỗ, Duy Râu, Hoài Thu... cả một đời đau đáu, thao thức với nghề, nghĩa tình sâu nặng. Và thấp thoáng đâu đó ta bắt gặp những con người hổ danh là nhà báo như chàng X, một đời chỉ biết xu nịnh, tham vọng, háo danh, dốt nát mà hay nói chữ, sống nhỏ nhen, lặt vặt, chia bè kéo cánh, cố xoay xở tấm thẻ nhà báo để khoe mẽ! Loại nhà báo này, tiếc thay thời nay lại không ít, nó vẫn nhởn nhơ đâu đó quanh ta, bên cạnh đấy thôi. Và “Từ bến sông Nhùng”, ta cũng gặp những nhà báo mang danh là “thầy” như giảng viên Trần về đạo đức suy đồi đến tệ hại và còn khá nhiều con sâu trong làng báo! Với loại “người” này, tác giả Phạm Quốc Toàn dùng những lời nhắc nhở nhẹ nhàng, dí dỏm mà sâu sắc; không đao to búa lớn, nhưng những thói quen xấu hay thấy lợi trước mắt mà người đời hay mắc phải được bày ra. Ở góc độ nào đó, nó mang tính phản biện xã hội, tính công dân cao; đưa ra vấn đề được nhìn nhận dưới nhiều khía cạnh, qua cách dùng nhiều hình thức phản ánh, tạo nên không khí khách quan, thoải mái. Những trang viết của tác giả khá nhuần nhuyễn về nghề, về đời sống động đã chạm đến cái đích cần đến là trái tim người đọc. Bạn đọc cảm nhận thú vị và nhận ra được từng nghĩa sâu sắc từ bên trong!

Để hiểu, cảm nhân báo chí đương đại - nền báo chí cách mạng nối liền hai thế kỷ XX và XXI không thể không đọc Từ bến sông Nhùng. Tiểu thuyết Từ bến sông Nhùng tồn tại trong lòng công chúng, bởi cái nhìn sắc sảo, bút pháp đa dạng và nội dung phản ánh, bởi ngọn lửa rực cháy ở cái TÂM, cái TẦM thôi thúc góp phần thanh lọc tâm hồn, giúp bạn đọc vươn tới một tình cảm nhân văn cao đẹp!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảm nhận 'Từ bến sông Nhùng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO