Cấm xe máy: Còn nhiều ý kiến khác nhau

Tuệ Phương 21/06/2017 09:45

Việc cấm xe máy hoạt động tại các quận nội thành là cần thiết nhưng các phương tiện công cộng phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân. Đó là chia sẻ của nhiều đại biểu tại Hội nghị phản biện xã hội đối với tờ trình và dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội về Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm tải ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến 2030”, do Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức.

Hà Nội ngày càng có thêm các điểm ùn tắc giao thông.

Cấm xe máy hoạt động ở nội thành

Năm 2016, Hà Nội có 41 điểm ùn tắc và có nguy cơ ùn tắc giao thông, giảm 3 điểm so với năm 2015. Trong đó, đã xử lý 20 điểm trong năm 2016 nhưng phát sinh trở lại 4 điểm và phát sinh mới 13 điểm. Hầu hết các điểm ùn tắc giao thông tập trung chủ yếu trong vành đai 3 và các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm.

Theo tờ trình của HĐND thành phố Hà Nội, toàn thành phố hiện có 5.255.245 xe máy, 485.955 xe ô tô các loại, trên 11.000 xe đạp điện và xe máy điện, chưa kể khoảng 10 – 15% các phương tiện ngoại tỉnh đang hoạt động. Theo đó, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 – 2016 là 10,2% đối với ô tô và 6,7% đối với xe máy, trong khi tốc độ tăng trưởng bình quân chiều dài đường bộ là 30,5%. Sự phát triển nhanh phương tiện giao thông đã tạo áp lực lớn lên kết cấu hạ tầng giao thông làm gia tăng tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Trong bối cảnh giao thông Thủ đô khủng hoảng bởi tình trạng ùn tắc, môi trường ô nhiễm bởi khói bụi và tiếng ồn, giấc mơ về một thành phố xanh, sạch, đẹp của người dân ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Theo GS.TS Bùi Xuân Cậy, nguyên Trưởng bộ môn Công trình (ĐH Giao thông Vận tải): Việc dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030 cần phải thảo luận thêm. Các quận nội thành nhiều ngõ chỉ rộng từ 1,5 – 2,0m. Với những đoạn đường đó chỉ có xe máy hoặc xe đạp mới có thể đi được trong khi mạng lưới xe bus không thể bao phủ hết mọi nơi.

Việc cấm xe máy cũng đã có nơi làm nhưng đa phần họ vẫn sử dụng. Ví dụ, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia… thu nhập bình quân đầu người gấp đôi chúng ta hiện nay nhưng họ vẫn sử dụng xe máy. Liệu đến năm 2030 thu nhập đầu người của chúng ta đạt được như các nước nêu trên hay không? Theo ông Cậy, đến năm 2030 chỉ nên đưa ra mục tiêu giảm được khoảng 50% số lượng xe máy lưu thông trên đường ở các quận nội thành.

Đưa ra việc không có cơ sở lý thuyết và thực tiễn nào để quy “tội” cho xe máy hay taxi, ông Trần Danh Lợi, Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cho rằng, trên thực tế, sự phát thải ra môi trường của xe máy ít hơn ô tô con, chiếm chỗ trên đường cũng ít hơn, chi phí cho một chuyến đi cũng thấp hơn… có chăng là người đi xe máy kém an toàn hơn, chịu khổ dầm mưa giãi nắng hơn.

“Khi một loại hình giao thông còn chiếm đến 70 -80% thì thực tế khó có thể cấm và dừng được nó. Việc hạn chế xe máy là việc làm đúng về lâu dài nhưng nếu cấm trong tương lai gần là không thể, vì người dân dù yêu hay ghét vẫn phải dùng nó. Cho nên thay từ cấm bằng từ hạn chế để không gây bức xúc xã hội”, ông Lợi chia sẻ.

Cần phát triển giao thông công cộng

Để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, thành phố Hà Nội đưa ra lộ trình thực hiện. Theo đó, nhóm giải pháp này được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn từ nay đến năm 2018, sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý phương tiện tham gia giao thông và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải; giai đoạn đến năm 2020, tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng; giai đoạn đến năm 2030, triển khai thực hiện các giải pháp tổng thể nhằm đảm bảo các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn quận.

Trước việc giảm tải các phương tiện tham gia giao thông tại các quận nội thành, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội cho biết, bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, thành phố cũng tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống, chăm lo đời sống lâu dài của đại bộ phận nhân dân chứ không phải của một nhóm người. Đây là mục tiêu cao nhất mà thành phố đang hướng tới.

Ông Vũ Hồng Khanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cho biết, đề án này đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến thống nhất, có ý kiến đối lập cách tiếp cận tài liệu cũng có một số khác nhau. Về chủ trương, chủ đề xuyên suốt của đề án là tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội.

Qua khảo sát và nghiên cứu tờ trình, đồng tình với chủ trương của thành phố, Mặt trận Hà Nội đã và sẽ tập trung bàn và nghiên cứu sâu vào quản lý các phương tiện giao thông nhằm giảm tải tình trạng ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Khảo sát nội dung chi, mức chi phục vụ hoạt động giám sát và phản biện xã hội

Đoàn công tác của Thường trực Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội cùng thành viên các Hội đồng tư vấn đã đi khảo sát thực tế đối với “Một số nội dung chi, mức chi phục vụ hoạt động giám sát, phản biện xã hội” tại Ủy ban MTTQ huyện Sóc Sơn. Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ huyện Sóc Sơn, từ năm 2014 đến nay, MTTQ phối hợp với UBND huyện và các ngành chức năng đã tổ chức nhiều hội nghị phản biện xã hội về các vấn đề phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, việc tuân thủ theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự, giám sát công tác xây dựng Nông thôn mới, giám sát công tác quản lý đất đai, tài nguyên…

Tuy nhiên, khó khăn mà huyện Sóc Sơn gặp phải là thời gian dành cho công tác kiểm tra, giám sát chưa nhiều, việc chia sẻ thông tin trên các lĩnh vực có tính chất nhạy cảm còn hạn chế, chưa phát huy được hết vai trò trong công tác thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng…

N.P

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cấm xe máy: Còn nhiều ý kiến khác nhau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO