Căn cơ giải cứu nông sản

Nam Việt 02/03/2021 06:30

Những ngày qua, nhiều nơi diễn ra chiến dịch giải cứu nông sản rất rầm rộ: Mua giúp nông sản của người ở vùng có dịch Hải Dương.

Nhiều ngày qua nông sản của người Hải Dương khó tiêu thụ.

Trước đó, áp dụng những biện pháp chặt chẽ phòng chống lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng, việc lưu thông hàng hóa (đặc biệt là nông sản) ra vào Hải Dương rất khó khăn. Vì thế, tại phiên họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo: quyết liệt phòng chống Covid-19 nhưng không được cực đoan “ngăn sông, cấm chợ”. Các bộ liên quan trực tiếp (Công thương, Giao thông vận tải, Y tế…) phải thống nhất giải pháp để hàng hóa được lưu thông một cách an toàn. Trong bối cảnh ấy, Bộ Công thương cũng đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc lưu thông hàng hóa trong thời điểm có dịch; trong đó có vấn đề nông sản của Hải Dương, cũng như thông đường hàng hóa tới được cảng để xuất khẩu.

Trong chiến dịch giải cứu nông sản vừa qua, một lần nữa chúng ta lại chứng kiến tình tương thân tương ái, đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Người trong vùng có dịch bắt buộc phải áp dụng những biện pháp mạnh, cuộc sống sinh hoạt không khỏi gặp nhiều bất tiện. Việc hàng hóa khó lưu thông lại càng tăng thêm khó khăn. Những cánh đồng su hào, cải bắp, cà chua, cà rốt… của bà con nông dân Hải Dương vào mùa thu hoạch nhưng rất khó vận chuyển ra ngoài. Kể cả những nơi chăn nuôi lớn, trong đó có gia cầm, cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Chia sẻ với người vùng có dịch, nhiều nơi, nhiều người đã chủ động vận chuyển, thu mua và bán lại với giá cực rẻ nông phẩm của bà con. Đó là điều rất đáng hoan nghênh.

Nhưng cũng từ việc này chúng ta thấy đã đến lúc phải đặt ra việc “giải cứu nông sản” một cách căn cơ.

Trước nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều “chiến dịch giải cứu” nông sản. Nào là thanh long, dưa hấu, kể cả tỏi, cá da trơn... Vựa lúa lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long cũng từng khó khăn khi lặp lại điệp khúc “được mùa rớt giá”. Đã từng diễn ra cảnh nông dân “treo ruộng”, “treo vườn”, “treo ao” chỉ vì nông sản làm ra không tiêu thụ được, thương lái “lật kèo”, có bán được thì giá quá thấp khiến người nông dân thiệt hại.

Tuy “chiến dịch giải cứu” nông sản của người vùng có dịch Hải Dương là bất ngờ, nhưng dẫu thế thì cũng cho thấy việc thu mua nông sản phải có chính sách căn cơ hơn để không bị bất ngờ, không để sản phảm của bà con tồn đọng, hư hỏng, phải đổ bỏ. Vì rằng, khi điều đó xảy ra người nông dân sẽ bị đẩy vào tình thế khó khăn. Một năm có hai, ba vụ mà mất một vụ thì coi như năm đó thất bát.

Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những giải pháp quan trọng nhất để không dẫn tới việc “được mùa rớt giá” phải giải cứu chính là việc quy hoạch lại vùng chuyên canh. Càng ngày sản xuất càng lớn, càng tập trung, không thể giữ mãi cách trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ. Khi đã tạo thành những vùng chuyên canh thì không còn lối “chạy theo phong trào” dẫn đến ế thừa sản phẩm nào đó, trong khi lại thiếu những sản phẩm khác. Khi đã hình thành vùng chuyên canh cũng có nghĩa là hình thành vùng nguyên liệu, chất lượng sẽ bảo đảm theo quy chuẩn, từ đó sẽ có những hợp đồng sản xuất, thu mua hàng hóa ổn định từ các doanh nghiệp.

Một giải pháp nữa cần phải được thúc đẩy. Đó là hợp đồng kinh tế giữa đại diện người sản xuất với doanh nghiệp. Chúng ta vẫn hay nói đến “mối liên kết 4 nhà”, tuy nhiên trong đó liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp quan trọng nhất, cụ thể nhất, thiết thực nhất thì lại chưa chú ý đúng mức. Vì thế mới dẫn đến chuyện doanh nghiệp, thương lái “lật kèo”; hay là “bỏ của chạy lấy người” - bỏ tiền đặt cọc - khi giá mặt hàng nào đó giảm sâu. Trong trường hợp này doanh nghiệp bị thiệt, nhưng thiệt hại nặng nhất vẫn là người nông dân.

Vì thế mới có chuyện giải cứu. Nhưng cứ giải cứu hết đợt này đến đợt khác thì sẽ vẫn chỉ là một vòng luẩn quẩn, không tìm được sự ổn định cho sản xuất lẫn kinh doanh.

Một điều rất quan trọng nữa là chất lượng nông sản. Điều này chỉ có người nông dân quyết định được. Càng ngày thị trường càng đòi hỏi chất lượng hàng hóa cao hơn, sản phẩm sạch. Tuy nhiên không phải ai, nơi nào cũng hiểu rõ điều đó. Vẫn còn việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng cho cả cây trồng lẫn vật nuôi. Có thể năng suất sẽ cao hơn hẳn nhưng dư lượng hóa chất trong sản phẩm sẽ rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng. Tới nay, câu chuyện “rau hai luống, lợn hai chuồng” đã dần qua đi nhưng không phải ai cũng mặn mà với trồng trọt, chăn nuôi nông sản sạch. Mà điều đó không thể tồn tại, phải đổi mới cả tư duy, nhận thức lẫn cách làm.

Cuối cùng, theo giới chuyên gia, là việc bảo quản, chế biến nông sản. Nông sản hầu hết là sản phẩm dễ hỏng, vì thế nếu không tiêu thụ được ngay thì dễ dẫn tới hư hỏng, phải bỏ đi rất lãng phí. Việc đầu tư để hình thành hệ thống bảo quản, chế biến nông sản là rất cần thiết, nhất là đối với những vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung.

Trở lại việc giải cứu nông sản, tinh thần cũng như tấm lòng của người “giải cứu” là rất đáng trân trọng, Nhưng mặt khác, đòi hỏi phải có những bước đi căn cơ, chắc khỏe với nông sản, vì đó mới là phát triển bền vững. Đặc biệt với nước ta có tới gần 70% người dân sống ở vùng nông thôn, trong đó đa số là người làm nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căn cơ giải cứu nông sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO