Cần có sự đồng hành từ địa phương

Phạm Sỹ (thực hiện) 25/06/2022 08:00

Du lịch cộng đồng đã khẳng định được vai trò quan trọng trong phát triển du lịch nước ta; đồng thời góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, loại hình du lịch này đã có sự đối lập khi phát triển ở các vùng.

Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh đã chia sẻ quan điểm với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá như nào về xu hướng phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam?

Ông Phạm Hải Quỳnh.

Ông Phạm Hải Quỳnh: Du lịch cộng đồng Việt Nam những năm gần đây đã có những bước phát triển cơ bản, trong đó có những làng thật sự là làng du lịch cộng đồng đúng nghĩa. Ngoài ra nhiều làng, nhiều địa phương đang phát triển theo xu hướng tự phát, đơn lẻ, lấy dịch vụ homestay để coi là du lịch cộng đồng. Nhiều địa phương chưa hiểu rõ thế nào là du lịch cộng đồng mà làm theo các địa phương khác, dẫn đến việc nhiều giá trị văn hóa, giá trị khác biệt của địa phương bị mất đi.

Vậy để phát triển du lịch cộng đồng ở nước ta, ngành du lịch đã có những quy chuẩn và hướng dẫn cụ thể nào, thưa ông?

- Khi Việt Nam đang phấn đấu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì cũng đã có những tiêu chí, tiêu chuẩn, những nghị quyết riêng biệt của từng địa phương, nhưng vướng mắc lớn nhất lại là quy chế tài chính dành cho việc xây dựng làng du lịch cộng đồng. Đây chính là rào cản khiến các địa phương khó khăn trong việc triển khai thực hiện.

Hiện nay, nhiều địa phương vẫn đang làm theo phong trào, làm theo cảm tính nên việc đưa cộng đồng vào tham gia du lịch hay đảm bảo sinh kế, đảm bảo cảnh quan môi trường còn thấp. Đặc biệt, thiếu sự tham gia của các chuyên gia về du lịch cộng đồng nên rất khó thành công.

Ông có thể nói cụ thể hơn về những khó khăn trong việc phát triển du lịch cộng đồng mà các địa phương đang gặp phải?

- Vướng mắc lớn nhất chính là tư duy và cách nghĩ đơn lẻ, chưa có kế hoạch rõ ràng về việc tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương để từ đó đưa cộng đồng vào tham gia du lịch và chuyển đổi nghề bền vững.

Bên cạnh đó, định hình bản sắc để xây dựng sản phẩm du lịch còn khác biệt. Hiện nay, các địa phương muốn phát triển du lịch cộng đồng đều cho người dân đi học tập kinh nghiệm của các địa phương khác, nhưng họ chỉ áp dụng theo những điều mắt thấy, tai nghe mà không có sự tìm hiểu sâu để khai thác tối đa các giá trị đặc sắc riêng có nhằm tạo nên sự khác biệt so với các cộng đồng khác. Từ đó dẫn tới hiện tượng trùng lặp sản phẩm ở nhiều nơi.

Vậy để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, theo ông các địa phương cần phải làm gì?

- Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững các địa phương cần có kế hoạch phát triển từng sản phẩm cốt lõi để đưa cộng đồng vào tham gia du lịch. Đặc biệt, cần có sự song hành của các chuyên gia và hướng dẫn địa phương xây dựng mô hình mẫu. Cần giải quyết triệt để mâu thuẫn cộng đồng từ đó tạo quy chế, hành lang trong việc phát triển bản làng hay phát triển cộng đồng một cách bền vững.

Bên cạnh đó, ngành Du lịch cần hoàn thiện quy chế, quy chuẩn, hướng dẫn chi tiết cho từng mô hình phát triển của địa phương, có đề xuất để có quy chế tài chính dành riêng cho phát triển du lịch cộng đồng, từ đó có thêm các nguồn ngân sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Thưa ông Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) đã đồng hành và hỗ trợ các địa phương phát triển du lịch cộng đồng ra sao?

- Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã trực tiếp tham gia hỗ trợ cộng đồng từ các khâu tư vấn, lựa chọn giá trị văn hóa khác biệt, lên kế hoạch xây dựng làng một cách quy chuẩn cũng như đẩy mạnh được các thế mạnh địa phương từ đó bắt tay vào xây dựng. Cùng với đó là giải quyết các mâu thuẫn của cộng đồng và tạo sinh kế cho những cộng đồng chưa tham gia du lịch. Từ đó tạo liên kết, kết nối thị trường và phát triển một cách bền vững. Song hành cùng từng địa phương và dạy bà con để tự chủ động phát triển...

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần có sự đồng hành từ địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO