'Căn cước' nhận diện người Việt

Văn Hà 25/11/2021 14:00

Gần 2 năm qua dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia trẻ không được đến trường mà học trực tuyến, càng làm cho việc dạy tiếng Việt cho các em khó khăn hơn. Nhưng khó không có nghĩa là không làm được, ngược lại, những lớp học trực tuyến lại đang phát huy sức mạnh, kết nối nhiều hơn nữa trẻ em người Việt ở các nước.

Lớp học tiếng Việt ở Ekaterinburg (Nga.) Ảnh: Dương Trí.

1. Lớp tập huấn thứ nhất dành cho giáo viên kiều bào ở địa bàn châu Á – Australia trong khuôn khổ Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa kết thúc tốt đẹp. Đây không phải là lần đầu tiên những lớp dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức, mà từ nhiều năm qua công tác này được triển khai thường xuyên.

Ông Đinh Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thông tin - Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Sau gần một tháng làm việc tích cực, 150 học viên đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đã hoàn thành xuất sắc nội dung tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài năm 2021. Các học viên đã được trang bị những kỹ năng sư phạm, phương pháp giảng dạy tiếng Việt chính quy và chuyên nghiệp. Thông qua các bài giảng, học viên được trang bị, trau dồi thêm nhiều kiến thức bổ ích về văn hóa, lịch sử Việt Nam cũng như hiểu sâu hơn về sự giàu đẹp của ngôn ngữ dân tộc.

Trước đó, gần 130 giáo viên kiều bào từ các quốc gia (Áo, Ba Lan, Bỉ, Belarus, Mỹ, Canada, Đức…) cũng đã tham gia Lễ khai mạc trực tuyến Lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở châu Âu - Bắc Mỹ. Đây là nỗ lực rất lớn vì hầu hết các quốc gia vẫn đang phải đương đầu với đại dịch Covid-19, vì thế việc tổ chức được những khóa học như vậy, dù là lớp trực tuyến, là rất khó khăn.

Nói như ông Nguyễn Văn Sơn, giáo viên dạy tiếng Việt tại Cộng hòa Séc, thì học viên cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng với nỗ lực của các giáo viên tình nguyện, với sự ủng hộ của Đại sứ quán và các hội đoàn, cộng đồng người Việt tại Séc đã duy trì rất tốt việc truyền bá tiếng Việt cho con em. Vì cũng như những giáo viên dạy tiếng Việt, ông Sơn nhận thấy các thế hệ trẻ phải hiểu và thường xuyên được bồi đắp tiếng Việt để thêm yêu và hướng về quê hương, đất nước.

Ông Sơn cũng cho rằng, cùng với việc mở các khóa tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài thì việc tổ chức các tọa đàm thực trạng dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và các biện pháp thúc đẩy là rất cần thiết.

2. Để dạy tiếng Việt cho các em nhỏ gốc Việt đang sinh sống cùng cha mẹ ở nước ngoài là khá khó khăn. Do bận công việc làm ăn, không phải cha mẹ nào cũng có thời gian chăm lo dạy tiếng mẹ đẻ cho con em mình. Trong khi các cháu bé hòa nhập vào môi trường nơi mình sinh sống, nói, giao tiếp và học bằng ngôn ngữ bản địa. Cùng đó, nhiều cháu còn học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha với tư cách là “công cụ hỗ trợ” khi trưởng thành. Vì vậy, thầy cô phải là người có tâm thiện nguyện, có tình yêu sâu đậm với văn hóa Việt Nam và phải kiên trì, kiên nhẫn giàu đức hy sinh.

Trong khi đó, gần 2 năm qua dịch Covid-19 bùng phát, nhiều quốc gia trẻ không được đến trường mà học trực tuyến, càng làm cho việc dạy tiếng Việt cho các em khó khăn hơn. Tuy nhiên, như tục ngữ Việt Nam có câu “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, không phải vì khó khăn vất vả mà người dạy tiếng Việt ở nước ngoài nản lòng, vì trong trái tim họ luôn vang vọng hai tiếng “quê hương”.

Nhiệm vụ gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước dành nhiều sự quan tâm và đặc biệt coi trọng. Trong đó, công tác dạy tiếng Việt cho các thế hệ kiều bào được xác định là khâu then chốt. Hiểu và sử dụng được tiếng Việt, dù ở xa quê hương, các thế hệ người Việt ở nước ngoài vẫn sẽ gắn kết, lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước. Chính vì thế, tiếng Việt vốn được xem là “căn cước” nhận diện người Việt Nam với thế giới.
Đối với cộng đồng trên 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, tiếng Việt là hồn cốt của người Việt, niềm tự hào dân tộc, góp phần tạo nên những giá trị trường tồn, nuôi dưỡng tinh thần, khí phách dân tộc, trở thành điểm tựa vững chắc giữ gìn văn hóa truyền thống.

3.Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt cho thế hệ trẻ đã trở thành phong trào phát triển rộng khắp trên thế giới, điển hình như Mỹ (với khoảng 200 trung tâm, cơ sở dạy tiếng Việt), Thái Lan (39 lớp học), Campuchia (33 điểm trường, lớp), Lào (13 trường, trung tâm dạy tiếng Việt)… Tại châu Âu, Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân tại Thủ đô Vacsava, Ba Lan được rất nhiều người biết đến.

Theo bà Nguyễn Việt Triều - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan, trường được thành lập năm 1999, xuất phát từ nguyện vọng con em sinh ra và lớn lên ở Ba Lan được học tiếng Việt, hiểu biết tiếng mẹ đẻ và giữ gìn văn hóa Việt Nam của một số phụ huynh. Những năm trước trường chỉ có vài chục học sinh, đến nay, mỗi năm đã có khoảng 180 học sinh người Việt, trong độ tuổi từ 6-14 tham gia học tiếng Việt. Đáng chú ý, trường đã hoàn thành biên soạn một bộ giáo trình riêng có tên gọi “Em học tiếng Việt” nhằm đảm bảo phù hợp với môi trường và điều kiện thời gian của con em cộng đồng người Việt tại Ba Lan.

Dịch Covid-19 kéo dài, không thể học trực tiếp, nhà trường tổ chức dạy trực tuyến. Bà Triều cho biết, học trực tuyến không phụ thuộc khoảng cách địa lý nên không chỉ học sinh ở Vacsava mà các em đến từ địa bàn khác, thậm chí các nước khác như Anh, Mỹ cũng tham gia học. “Đó là điều rất đáng mừng trong nỗ lực gìn giữ tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam”, bà Triều tâm sự.

Cùng với việc học tiếng Việt thông qua các lớp, thì việc các ông bố bà mẹ chủ động dạy cho con là điều rất quan trọng, trong đó vai trò của người mẹ có tính quyết định. Chị Quí Hà, hiện đang sống tại Los Angeles (Mỹ) kể rằng, năm 2012 chị đưa con trai sang Mỹ. Lúc đó, cháu chưa đầy 4 tuổi. Quyết tâm trau dồi tiếng Việt cho con, chị Hà tận dụng mọi lúc mọi nơi để nói tiếng Việt với thằng bé. Mỗi lần chở con đi học, chị lại tả cảnh cho con bằng các câu ngắn gọn, nhờ đó bé học tiếng Việt nhanh hơn.

“Trước khi đi ngủ mình lại đọc truyện cho cháu. Thế rồi dần dần con tự đọc được truyện bằng tiếng Việt lúc nào không biết. Mình mua cho con cuốn nhật ký có điền các chủ đề sẵn bằng tiếng Việt như “môn học yêu thích của bạn ở trường”, “một ngày lý tưởng của bạn là như thế nào”, để khuyến khích con viết nhật ký từ vài câu đến một đoạn văn. Nguyên tắc của mình là không viết quá 20 phút tránh gây nhàm chán và áp lực cho con” – chị Hà nói và cho biết thêm, luôn khuyến khích con trò chuyện trực tuyến với người thân ở Việt Nam để sợi dây liên hệ với quê cha đất tổ luôn gắn kết và con sẽ không bao giờ quên tiếng Việt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Căn cước' nhận diện người Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO