Cẩn thận khi bị chó nhà tấn công

P.V. 11/10/2018 06:45

Bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An ngày 8/10 trong tình trạng đa vết thương vùng mặt. Đây là bệnh nhân thứ hai bị chó nhà cắn trong mấy ngày qua tại địa phương này được bệnh viện tiếp nhận từ tuyến dưới chuyển lên.

Người thân của bệnh nhân cho biết, con chó becgie được nuôi để giữ nhà. Bé đang cầm bim bim ăn thì con chó cứ chạy quấn theo. Bé lấy tay xua đuổi chó, bất ngờ bị nó lao vào cào cắn. Người nhà vội vàng chạy lại ngăn cản nhưng bé đã bị chảy máu rất nhiều, trên mặt, mắt, cổ có nhiều vết thương.

Bác sĩ Hoàng Thị Thúy Vân, Khoa Răng Hàm Mặt - Mắt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết bệnh nhi có nhiều tổn thương ở cằm, má phải, cánh mũi phải. Đặc biệt mi trên và mi dưới mắt phải có nhiều vết rách rất phức tạp, nguy hiểm. Bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cắt lọc, rửa vết thương, phẫu thuật khâu vết thương và tạo hình vùng đầu mặt mắt cho bé. Sau mổ, bé đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa Răng hàm mặt - Mắt.

Để hạn chế tình trạng bị chó nhà tấn công, BS thú y Nguyễn Lại Khánh khuyên để an toàn cho chủ và chó nuôi, mọi người lưu ý quá trình chăm sóc nuôi dạy và thường xuyên kiểm tra sức khỏe của chúng. Điều này đặc biệt quan trọng trong phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây từ chó sang người và kịp thời điều chỉnh hành vi vật nuôi.

Chó nuôi cần tiêm vắcxin phòng 5 hoặc 7 bệnh truyền nhiễm: Care (bệnh sài sốt), pavo (viêm ruột truyền nhiễm), lepto (vàng da), parainfluenza (bệnh phó cúm), bệnh ho cũi chó, viêm gan truyền nhiễm, bệnh dại... Mỗi lần tiêm phải ghi thông tin nhãn thuốc, ngày tiêm và chữ ký người tiêm trong sổ sức khỏe của chó. Sau đó, chúng sẽ được phát một vòng đeo cổ để nhận biết là vật nuôi đã tiêm phòng.

Bác sĩ Khánh khuyên chủ nuôi nên tập luyện và chơi đùa với chó để giảm thiểu hành vi hung hãn của chúng như cắn xé đồ đạc trong nhà, nhai đồ vật, gầm gừ đe dọa tấn công người. “Nếu chó của bạn bỗng dưng hung dữ thì nên cẩn trọng. Có thể nó đang cảm thấy sợ hãi hay bị chọc giận và sẽ phản ứng trong lúc đang cần không gian riêng bằng hành vi cắn ngược lại”, bác sĩ Khánh nói.

Ngoài ra, chó bị xích nhốt lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng stress, căng thẳng. Chúng trở nên hung dữ, sủa nhiều, cào cấu chuồng. Khi thoát ra, con vật có thể cắn người gặp đầu tiên. Theo bác sĩ, nên nuôi chó từ nhỏ, hạn chế nuôi khi con vật đã trưởng thành, nhất là các giống chó dữ. Khi bị chó tấn công, người chủ cần bình tĩnh, không dùng gậy đuổi đánh chúng. Hành động này dễ làm tăng sự kích động. Điều cần thiết nhất là hãy tách nó ra nơi khác.

* Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương ghi nhận 9 tháng đầu năm có 67 người chết vì bệnh dại, ở 24 tỉnh thành. Nghệ An mỗi năm có hàng nghìn người bị chó cắn gây thương tích. 4 người Nghệ An chết vì bệnh dại, kề từ đầu năm đến nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn thận khi bị chó nhà tấn công

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO