Cẩn thận với... tiết canh

Phong Vân 15/01/2017 10:24

Mặc dù đã có nhiều cảnh báo việc ăn tiết canh, song theo PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì năm nào cũng thế, cứ vào trước và sau Tết Nguyên đán, số bệnh nhân phải nhập viện do ăn tiết canh lại gia tăng. Đáng chú ý, tỷ lệ ca nặng, biến chứng và tử vong rất cao.

Nguy hiểm tính mạng

Thông tin từ Bệnh viện (BV) bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: BV vừa tiếp nhận bệnh nhân N.H.T. (nam giới, 35 tuổi, được chuyển từ BV tỉnh Lai Châu xuống) trong tình trạng nhiễm khuẩn liên cầu lợn rất nặng.

Theo người nhà bệnh nhân, ngày 3/1, anh T. mua một con lợn của người dân trong bản để liên hoan. Anh T. trực tiếp giết mổ và chế biến, làm tiết canh mời khoảng 20 người ăn. Sau khi ăn 5 ngày, anh T. bị sốt cao, mệt lả, trên da xuất hiện các ban hoại tử. Bệnh nhân được đưa vào BVĐK tỉnh Lai Châu trong tình trạng sốc, được xử trí cấp cứu và chuyển xuống BV bệnh Nhiệt đới Trung ương.

BS Nguyễn Trung Cấp- Phó trưởng Khoa Cấp cứu, BV bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân đã được điều trị tích cực tại khoa trong tình trạng có ban hoại tử khắp toàn thân, tập trung ở mặt, chân tay, có tình trạng tắc mạch hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng…

Anh T. chỉ là một trong hàng trăm bệnh nhân ở khắp các địa phương bị nhiễm liên cầu lợn phải nhập BV bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nặng, đặc biệt là thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ thịt tăng cao. Bệnh thường để lại biến chứng nặng và có thể tiến triển nhanh thành suy đa tạng dẫn đến tử vong.

Trước đó, hồi tháng 10/2016, các bác sĩ BV Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng đã cứu sống một bệnh nhân bị hôn mê, suy đa tạng khiến các cơ quan trong cơ thể gần như ngừng hoạt động. Bệnh nhân là anh Đinh Văn K. (41 tuổi, trú tại xã Dân Chủ, Hoành Bồ, Quảng Ninh).

Gia đình anh K. cho biết, sau khi ăn tiết canh lợn anh bắt đầu thấy cơ thể có dấu hiệu khác lạ, sốt cao, tụt huyết áp, cứng cổ, không thể nói, không tự chủ hành vi và hôn mê... Anh K. được gia đình đưa vào BV Bãi Cháy. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ Khoa Hồi sức chống độc tích cực, BV Bãi Cháy đã làm các xét nghiệm, xác định bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn do nhiễm khuẩn máu. Đặc biệt, tuần hoàn tim, phổi, thận gan bị suy chức năng nghiêm trọng dẫn tới hoạt động kém hoặc ngừng hoạt động.

BS. Lê Kỳ Trường- Trưởng khoa Hồi sức chống độc tích cực cho biết, đây là ca nhiễm khuẩn liên cầu lợn do ăn tiết canh. Bệnh nhân được cho thở máy, siêu lọc máu (lọc máu liên tục), dùng kháng sinh loại mạnh, tích cực phục hồi chức năng các cơ quan trong cơ thể. Đặc biệt, trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã phải thay 10 lít huyết tương, làm mới máu, hồi sức cho gan, giảm yếu tố hôn mê cho não. Kết quả, sau 11 ngày điều trị liên tục bằng phác đồ hợp lý, bệnh nhân mới qua cơn nguy kịch.

Theo BS Trường, trước đó, tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp biến chứng suy đa tạng, hôn mê vào cấp cứu vì nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh. Có trường hợp đã tử vong sau khi ăn tiết canh 3 ngày.

Khỏi rồi, vẫn có thể mắc lại

Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, bệnh lây từ lợn sang người gồm ba thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nặng. Bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi người bệnh sốt cao (40-410C) xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ,... có thể khó thở, nên đến BV sớm, tránh nguy cơ tử vong.

Mới đây, tại Hội thảo Phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân, PGS.TS Trần Đắc Phu cùng các chuyên gia đã chỉ ra những hiểu lầm khiến bệnh liên cầu lợn thường tăng trước và sau Tết Nguyên đán. Theo PGS Phu, bệnh liên cầu lợn, có xu hướng tăng trong những năm gần đây một phần do đặc điểm dịch tễ, dịch bệnh trên đàn lợn nuôi di chuyển, bùng phát, dẫn đến vi khuẩn lưu hành trên đàn lợn nuôi chiếm tỷ lệ cao hơn. Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là nhiều người khoái khẩu ăn món tiết canh, rồi nghĩ uống ngụm rượu vào sẽ tiêu diệt vi khuẩn.

Trong khi đó, BS Nguyễn Trung Cấp thì phân tích: Liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn. Khi lợn đã nhiễm khuẩn này (kể cả lợn bệnh và lợn lành mang trùng không phát bệnh), trong máu (tiết) và thịt lợn sẽ chứa một lượng lớn vi khuẩn có khả năng sống được 10 phút ở nhiệt độ 60 độ C. Lúc đó, nếu không được nấu chín kỹ, những người ăn sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao.

BS Cấp cũng cho biết, người bị bệnh có biểu hiện đa dạng, nhưng hay gặp nhất là hai thể viêm màng não và sốc nhiễm khuẩn. Tính cảm nhiễm của mỗi người khác nhau, có thể cùng một lượng vi khuẩn nhưng có thể gây bệnh ở người này nhưng chưa biểu hiện bệnh ở người kia. Liên cầu lợn là bệnh do vi khuẩn gây ra, không có miễn dịch. Vì thế, đã mắc một lần vẫn có thể mắc lại.

Còn TS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc BV bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 1-2 ca liên cầu lợn. Riêng dịp giáp Tết số bệnh nhân tăng cao do ăn nhiều thịt lợn. Chỉ tính riêng tại Hà Nội năm 2016 ghi nhận hơn chục ca mắc với 1 ca tử vong, nhiều ca bị di chứng nặng, thời gian điều trị lâu dài, chi phí nằm viện cao.

Với nhiều người, tiết canh là món khoái khẩu nhưng lại tiềm ẩn lây truyền rất nhiều bệnh nguy hiểm, từ tiêu chảy, sán đến liên cầu lợn. Đặc biệt liên cầu lợn có thể gây bệnh trầm trọng cho người, bệnh diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng, tỷ lệ tử vong lên tới 7%. Có người chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng tùy vào cơ địa. Ban đầu bệnh thường không có dấu hiệu điển hình ngoài sốt cao, vì thế dễ chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời gian vừa qua, nước ta liên tục ghi nhận các trường hợp mắc liên cầu lợn ở người có liên quan đến ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín như tiết canh, thịt và nội tạng. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín, không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề… Người bệnh khi có các biểu hiện như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không bảo đảm vệ sinh,… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cẩn thận với... tiết canh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO