Cần theo dõi sức khoẻ hàng ngày, nhận biết các dấu hiệu đột quỵ sớm

Lan Anh (tổng hợp) 10/12/2020 16:32

Đột quỵ thường xuất hiện đột ngột, tỷ lệ tử vong cao và nhiều khi để lại hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, nếu nhận biết dấu hiệu sớm của bệnh sẽ giúp hạn chế được những tác hại đáng tiếc.

Có hai loại đột quỵ: Đọt quy do xuất huyết và đột quỵ do thiếu máu cục bộ. (Nguồn: Sưu tầm).

Bệnh đột quỵ là gì?

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) là bệnh lý tổn thương một phần não, xảy ra đột ngột do các nguyên nhân: tắc nghẽn các mạch máu trên não, gây thiếu máu đến nuôi não. Nó có thể khiến một người đang khỏe mạnh bỗng dưng gục xuống, hôn mê, liệt nửa người, thậm chí dẫn đến tử vong hoặc sống với các di chứng nặng nề.

Theo thống kê, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ ba (sau tim mạch và ung thư) và là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu. Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc đột quỵ đang tăng cao một cách báo động. Theo đó, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ não mới.

Những dấu hiệu sớm cảnh báo đột quỵ

Cơn đột quỵ xảy ra đột ngột, tuy nhiên, trước đó, một tuần đến vài tháng, cơ thể đã phát ra các tín hiệu cảnh báo. Song vì chủ quan hoặc thiếu hiểu biết về đột quỵ và các dấu hiệu mà chúng ta thường bỏ lỡ cơ hội tự cứu chính mình.

Dấu hiệu cảnh báo sớm và đặc trưng nhất của bệnh lý đột quỵ là cơn thiếu máu não thoáng qua. Tình trạng này xảy ra do sự ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não trong thời gian ngắn.

Các triệu chứng thiếu máu não thoáng qua là một cơn đột quỵ nhẹ, xảy ra nhanh chóng, chỉ một vài phút đến vài giờ. Bệnh nhân bất ngờ đau đầu, chóng mặt, tay chân tê bì, yếu nửa người, khó nói, khó đi lại, mặt rủ xuống một bên, miệng lệch... Sau đó, cơ thể tự hồi phục hoàn toàn trong 24 giờ. Vì sớm trở lại bình thường nên người bệnh nhầm lẫn với trúng gió hoặc hạ canxi.

Theo thống kê, khoảng 7% bệnh nhân bị cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ bị đột quỵ trong vòng 1 tuần và trên 14% những bệnh nhân khác bị đột quỵ trong vòng 3 tháng sau đó.

Dấu hiệu thứ hai cảnh báo sớm đột quỵ là hiện tượng tăng huyết áp. Nếu huyết áp một người ở mức 180 mmHg (người bình thường dưới 140/90 mmHg) là tình trạng sức khỏe ở mức “báo động đỏ"”. Hệ thần kinh, tim mạch, nội tạng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Người bệnh nếu xuất hiện các tổn thương cơ quan đích như đau ngực, khó thở, đau lưng, yếu liệt chi, suy giảm ý thức, nói khó, nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn thì đột quỵ đã cận kề. Đây được coi là tăng huyết áp cấp cứu, cần cấp cứu ngay trong 1-2 giờ. Nếu bỏ lỡ, nguy cơ tử vong rất cao.

Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây ra đột quỵ, tỷ lệ người đột quỵ ở Việt Nam có liên quan đến tăng huyết áp rất cao. Nếu bị tăng huyết áp mà không biết là sai lầm lớn nhất, nguy hiểm nhất của chúng ta.

Cần cấp cứu ngay trong vòng 1-2 giờ đồng hồ nếu xuất hiện các tổn thương như đau ngực, khó thở, đau lưng, yếu liệt chi,... (Ảnh minh hoạ).

Cách phòng tránh đột quỵ

- Thường xuyên kiểm soát và điều trị các bệnh lý làm tăng nguy cơ đột quỵ như tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, cao huyết áp…

- Có chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học với các thực phẩm có lợi, tránh những món ăn có thể khiến cho tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.

- Cân bằng cuộc sống, giảm bớt stress, nóng giận. Nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, không nên tắm đêm, thức quá khuya. Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, nhất là trong thời điểm giao mùa.

- Tập thể dục hằng ngày giúp tăng cường sức khỏe mà còn giúp giảm huyết áp và phòng ngừa đột quỵ. Lưu ý, không nên lựa chọn các bài tập nặng, vận động mạnh, có thể lựa chọn đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng hoặc tập dưỡng sinh, yoga.

- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng, 1 năm/1 lần để tầm soát bệnh kịp thời (tim mạch, tiểu đường…)

Chế độ ăn uống hàng ngày giúp làm giảm nguy cơ đột quỵ. (Nguồn: Sưu tầm)

Cách sơ cứu cho người bị đột quỵ

Khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách:

- Đỡ người bệnh để không bị té ngã chấn thương.

- Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói; móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.

- Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

- Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.

- Không để nằm chờ xem có khỏe lại không.

- Không cạo gió, cắt lễ, cúng vái…

- Phải đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang bị sưng, hoặc bị chèn ép.

Thời gian vàng cứu sống người bị đột quỵ

3 giờ đầu tiên sau đột quỵ được xem là “thời gian vàng” do lúc này các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện, khả năng hồi phục rất cao. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi. Do vậy khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Không nên áp dụng các phương pháp truyền miệng, dân gian hoặc sử dụng các loại thuốc không rõ tác dụng, những việc này sẽ làm chậm trễ thời gian vàng cho điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần theo dõi sức khoẻ hàng ngày, nhận biết các dấu hiệu đột quỵ sớm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO