Cảnh giác dịch bệnh mùa hè

Hải Vân 21/05/2017 09:05

Những ngày cuối tháng 5, nhiệt độ ngoài trời trên khắp các tỉnh thành cả nước, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh lên tới gần 40 độ C. Còn Hà Nội lại xuất hiện những ngày lạnh giữa mùa hè. Theo các chuyên gia y tế, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng, sốt do virus, đau mắt đỏ, tiêu chảy, thủy đậu ... là những bệnh truyền nhiễm cấp tính có xu hướng đe dọa sức khỏe người dân trong thời điểm này.

Mùa hè, trẻ em là đối tượng dễ bị bệnh nhất. (Ảnh minh họa).

Nhiều dịch bệnh nguy hiểm

TS Trương Đình Bắc- Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết 10 bệnh truyền nhiễm gồm: Cúm, tiêu chảy, tay chân miệng, sốt xuất huyết, lỵ trực trùng, thủy đậu, adeno vi rút, Lỵ amip, Rubella, Viêm não vi rút có số ca mắc cao nhất từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Theo TS Bắc, số mắc 4 tháng (từ tháng 5 - tháng 8) trong giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy, cúm đừng đầu với gần 400 nghìn ca mắc, trong đó gặp nhiều nhất ở miền Bắc với trên 258 nghìn ca. Sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng là những bệnh phổ biến trong ngày hè.

Ông Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện bệnh viêm não Nhật Bản và tay-chân-miệng đang xuất hiện rải rác ở một số địa phương, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh viêm não Nhật Bản, bệnh nhiễm virus cấp tính ở thần kinh trung ương, thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Đặc biệt, bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Khoảng 20-30% bệnh nhân viêm não Nhật Bản bị tử vong; khoảng 30-50% số người sống sót tiếp tục có biểu hiện rối loạn thần kinh, nhận thức hoặc triệu chứng tâm thần. Bệnh viêm não Nhật Bản để lại biến chứng rất nặng nề như viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn.

Bên cạnh viêm não Nhật Bản, tay-chân-miệng cũng là bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh vào dịp hè. Bệnh này lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh; thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và thường tăng mạnh vào các tháng hè, kéo dài đến tháng 9, 10. Điều nguy hiểm hơn là các biến chứng này rất khó phát hiện sớm nếu thầy thuốc không có kinh nghiệm và người nhà không chú ý.
Đặc biệt với bệnh đau mắt đỏ do adeno vi rút là căn bệnh vô cùng phổ biến trong ngày hè, với số mắc trung bình trong 4 tháng của giai đoạn 2011- 2015 là 7.500 ca, trong đó riêng khu vực miền Bắc đã chiếm đến hơn 5 nghìn ca.

BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trẻ có biến chứng não do mắc tay-chân-miệng thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc liên tục, hay giật mình. Triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng là: Sốt cao, nôn ói nhiều, da nổi bóng nước, mạch nhanh, yếu tay chân, méo miệng. Khi có biến chứng, nếu không điều trị đúng và kịp thời, trẻ có thể tử vong trong vài giờ.

Theo BS Dũng, do hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh tay-chân-miệng và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh này, nên biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Khi thấy trẻ sốt cao, cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

“Cơ bản để giảm lây truyền các bệnh truyền nhiễm thì việc giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống sạch sẽ, vệ sinh mũi họng, vệ sinh mắt và rửa tay xà phòng thường xuyên sẽ giảm nguy cơ lây bệnh. Bên cạnh đó khi mắc bệnh phải đảm bảo cách ly để phòng lây cho người khác. Dùng các thuốc bác sĩ chỉ định để chữa triệu chứng. Một chế độ ăn đủ dinh dưỡng cũng giúp cơ thể tăng sức đề kháng, phòng chống bệnh tật”- TS Trương Đình Bắc nói.

Các bác sĩ cho biết, mặc dù nắng nóng đầu mùa nhưng số trẻ bị mắc các bệnh do thời tiết nóng bức gây ra tới bệnh viện khám đã tăng khá cao. Tại Khoa Khám bệnh các bệnh viện lớn như Bệnh viện Nhi Trung ương Bệnh viện Bạch Mai, Xanh Pôn... số trẻ nhập viện vì nắng nóng tăng khoảng 20% so với thời điểm bình thường. Tình hình này sẽ nghiêm trọng hơn vào những ngày tới.

Bác sỹ Lê Ngọc Diệp- Trưởng phòng Khám Da liễu, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cho biết, dưới tác động của nắng nóng, người già, trẻ em dễ bị bệnh do sức đề kháng yếu. Còn người mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp có nguy cơ nặng hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Sốt xuất huyết và nguy cơ trở lại của Zika

Bộ Y tế cho biết những tháng đầu năm 2017, số người bị sốt xuất huyết gia tăng tại một số địa phương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Thừa Thiên Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Đắk Lắk... Bên cạnh đó, vẫn xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh do virus Zika tại một số tỉnh, thành phố phía Nam. Trong khi đó, đang bắt đầu vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và Zika phát triển mạnh.

Cũng theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước có trên 21.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), với 8 ca tử vong. Riêng tháng 4 có đến 6.895 trường hợp mắc mới, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.

Ông Trần Đắc Phu cho biết, hiện dịch sốt xuất huyết đang vào mùa, trong thời gian tới sẽ còn diễn biến rất phức tạp và có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam do đang là mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển mạnh và truyền bệnh. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vì có thể gây tử vong, tạo thành dịch lớn. Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là ngăn chặn muỗi đốt như diệt muỗi, bọ gậy…Tuy nhiên, ông Phu cũng nhận xét rằng nhiều người dân chưa hiểu hết sự nguy hiểm của căn bệnh này dẫn đến thờ ơ.

Để chủ động phòng chống bệnh dịch, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân khi đến, ở trong vùng dịch tại các nước đang có dịch zika, cần thực hiện các biện pháp phòng muỗi đốt và diệt muỗi, bọ gậy theo hướng dẫn của nước sở tại. Hành khách từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai hoặc chuẩn bị mang thai thực hiện các biện pháp tránh bị muỗi đốt, chủ động theo dõi sức khỏe, khám thai định kỳ; nếu có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ở quan y tế để được khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị kịp thời.

Bộ Y tế vừa đưa ra nhiều khuyến cáo đối với người dân trong việc chủ động phòng, chống dịch bệnh, cũng như việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm khi bước vào mùa hè. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức và chủ động phòng chống các loại dịch bệnh bằng những hoạt động thiết thực nhất. Đó là: Vệ sinh môi trường thường xuyên; diệt muỗi và loăng quăng/bọ gậy; ngủ màn; ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; đến cơ sở y tế gần nhất khi thấy các dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác dịch bệnh mùa hè

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO