Cảnh giác với “bác sĩ mạng”

Miên Thảo 22/01/2022 10:54

Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về những di chứng “hậu Covid”. Nhưng đáng nói là nhiều người vì quá hoang mang, lo lắng đã tự tìm cách chữa. Đánh vào tâm lý này, gần đây trên mạng xã hội đã xuất hiện rất nhiều địa chỉ tự nhận có thể chữa khỏi các di chứng của Covid-19.

Cũng có địa chỉ không phải với mục đích lôi kéo bệnh nhân, mà đơn giản chỉ là giới thiệu kinh nghiệm điều trị một cách “vô tư”. Nhưng cũng chính từ sự “vô tư” không một chút cơ sở khoa học như vậy chẳng những không giúp gì được người bệnh mà càng khiến bệnh tình họ nặng thêm.

Nguy hiểm nhất là một số tài khoản Facebook khẳng định chắc như đinh đóng cột loại thực phẩm chức năng này, loại thuốc kia sẽ chữa dứt điểm di chứng hậu Covid. Thực ra, chưa có một chỉ định chính thức nào từ giới y tế về bất cứ một loại thực phẩm chức năng hay thuốc đặc trị nào về vấn đề này. Vậy nhưng, những loại thuốc ấy vẫn được rao bán với giá không hề rẻ và cũng nhiều người tin tưởng đã mua.

“Bác sĩ mạng”, cụm từ tưởng như đùa nhưng lại là nơi “gửi gắm niềm tin” của khá nhiều người. Người này rỉ tai người kia, người này mách người kia, càng khiến cho thị trường thuốc hậu Covid sôi động. Khi đã tìm đến “bác sĩ mạng”, được tư vấn và nghe những lời cam kết chắc nịch, người ta rất dễ bị tin theo. Nhưng, tiền mất tật mang, vừa thoát khỏi Covid-19 thì lại tự mua lấy nỗi lo vào người, có trường hợp lại phát ra bệnh khác.

Từ lâu, các chuyên gia y tế đã nhiều lần khuyến cáo người bệnh cần đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Với thuốc, cần phải sử dụng theo đơn của bác sĩ, tuyệt đối không được tự mua, tự điều trị. Với Covid-19 thì càng không được tự ý mua thuốc điều trị bệnh theo những lời khuyên không có căn cứ khoa học.

Theo tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan - Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, hội chứng hậu Covid phần lớn là do suy nhược cơ thể, mỗi người một thể trạng sẽ có bài thuốc tương ứng khác nhau. Bác sĩ Lan cho biết, trong Đông y hiện nay không có bài thuốc nào điều trị chung cho tất cả các hội chứng hậu Covid.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Như Vinh - Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM thì có tới 200 triệu chứng khác nhau liên quan đến hậu Covid nên không có thuốc nào có thể chữa bách bệnh. Các loại thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thể thay thế thuốc. Mỗi đơn thuốc được chỉ dịnh cho một người, nếu truyền tay nhiều cho nhiều người cùng sử dụng sẽ rất nguy hiểm. Trong y khoa thì đó là điều cấm kỵ, bởi vì cùng một bệnh nhưng với người khác nhau thì mức độ nặng nhẹ, các bệnh lý đi kèm, giai đoạn bệnh... và thể trạng cũng khác nhau. Nên không thể sử dụng chung một đơn thuốc, hay một bài thuốc nào đó cụ thể.

Vẫn theo tiến sĩ Vinh, điều trị hội chứng hậu Covid không phải chỉ riêng việc dùng thuốc, mà phải kết hợp với vật lý trị liệu, chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó tập luyện thể dục thể thao đóng vai trò rất quan trọng, giúp cải thiện máu huyết lưu thông, tăng sức đề kháng.

Sức khỏe là điều hệ trọng, vậy nên nếu quá hồn nhiên, tin vào những quảng cáo, mách bảo trên mạng sẽ là điều nguy hiểm. Tổ chức Y tế thế giới coi hội chứng hậu Covid là một trong những “góc khuất” của đại dịch, và khuyến cáo cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Đó là những hội chứng về thần kinh, hô hấp, suy giảm trí nhớ... Tuy nhiên, đứng trước những biểu hiện ấy, mọi người cần bình tĩnh và đặc biệt là không nên tìm hiểu quá nhiều thông tin trên mạng, càng thêm hoang mang dẫn tới cách điều trị sai lệch, nguy hiểm tới tính mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với “bác sĩ mạng”