Cảnh giác với cúm AH5N1

V.Hà 09/09/2015 09:44

Sau một thời gian tạm lắng, dịch cúm A H5N1 lại có dấu hiệu quay trở lại khi mới đây, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng có ghi nhận một ổ dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm.

Cảnh giác với cúm AH5N1

Phun thuốc tiêu độc sát trùng chuồng trại phòng cúm A H5N1

Trước đó, ổ dịch cúm A(H5N1) ở gia cầm cũng được ghi nhận tại 1 hộ thuộc thôn Nhơn Phú, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng có công điện đề nghị Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ chỉ đạo tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm A(H5N1) sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao; phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm, xử lý kịp thời, triệt để không để lây lan sang các địa phương bên cạnh.

Trong các loại cúm thì cúm AH5N1 được quan tâm vì biến dị nhanh và cho thấy nó chứa các gen của các virút nhiễm từ các loài động vật khác nhau; Có tính sinh bệnh cao, có khả năng gây bệnh nặng ở người.

Bởi vậy, sau khi xuất hiện ổ dịch ở xã Tham Đôn, để chủ động phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao; phối hợp với cơ quan thú y và chính quyền địa phương giám sát dịch cúm trên gia cầm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch.

Bên cạnh đó, Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm ở người. Các bệnh viện sẵn sàng thu dung, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe các trường hợp phơi nhiễm và nghi ngờ nhiễm bệnh, điều trị bệnh nhân kịp thời theo phác đồ của Bộ Y tế và thông báo cho Trung tâm Y tế dự phòng để điều tra, xử lý ổ dịch.

Người bị nhiễm cúm gia cầm thường có những biểu hiện nặng ở đường hô hấp dẫn đến suy hô hấp và tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Hiện bệnh chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thuốc kháng virút nhưng chỉ có hiệu quả khi được điều trị sớm. Bởi vậy, người dân cần hết sức lưu ý về các biểu hiện của cúm A H5N1 với các triệu chứng:

- Về hô hấp như ho khan hoặc có đờm, tức ngực, thở nhanh, tím tái..., có thể có ran khi nghe phổi. Diễn biến nhanh chóng tới suy hô hấp.

- Triệu chứng tuần hoàn: nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, sốc.

- Một số các triệu chứng khác như: đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, suy đa tạng.

Để phòng bệnh, người dân cần đặc biệt lưu ý: Không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, sử dụng thịt và các sản phẩm của gia cầm, thủy cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm, thủy cầm ốm, chết phải thông báo ngay cho cán bộ thú y, y tế, chính quyền địa phương. Tuyệt đối không được vứt xác gia cầm, thủy cầm bừa bãi hoặc vứt ra đồng ruộng, ao hồ, sông suối.Không ăn tiết canh, thịt, trứng gia cầm, thủy cầm chưa nấu chín kỹ. Khi tiếp xúc, giết mổ gia cầm, thủy cầm phải đeo găng tay, khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo để phòng chống bệnh cúm A(H5N1), người dân phải thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh. Đặc biệt, khi có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở, đau ngực phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Đồng thời dùng Chloramin B, các chất khử khuẩn mạnh để diệt khuẩn, tẩy uế chuồng trại thường xuyên trong từng hộ gia đình và các khu vực có dịch cúm gia cầm. Các chất thải của bệnh nhân phải chứa trong bô có nắp đậy kín và khử khuẩn triệt để bằng Chloramin B.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác với cúm AH5N1

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO