Cạnh tranh huy động vốn: Chưa bao giờ hết nóng

Hồ Hương 04/05/2020 08:00

Với đa số người dân, gửi tiết kiệm ngân hàng luôn là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 thì tâm lý người dân cũng thay đổi, trong đó nổi lên câu hỏi: Liệu lúc này kênh gửi ngân hàng có thực sự hiệu quả?

Cạnh tranh huy động vốn: Chưa bao giờ hết nóng

Người gửi tiền tiết kiệm không chỉ quan tâm tới lãi suất mà còn là uy tín của ngân hàng. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều hình thức cạnh tranh

Để tăng sức cạnh tranh, nhiều ngân hàng ngoài việc đưa ra mức lãi suất huy động ấn tượng còn đưa ra các chương trình tặng quà, khuyến mãi hấp dẫn.

Ông Hồ Vân Long, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB cho biết, khách hàng gửi tiết kiệm đều mong muốn lựa chọn một ngân hàng uy tín và an toàn, có giá cả và ưu đãi cạnh tranh nhất, dịch vụ khách hàng tốt nhất để gửi tiền.

Khảo sát thị trường hiện nay cho thấy, đa phần các ngân hàng đang duy trì lãi suất tiết kiệm 12 tháng ở mức từ 6,8 -7,4% như Vietinbank (6,8%), ACB (7%),...

Dù lãi suất nhìn ở bề nổi có vẻ ổn định, nhưng trên thực tế, một số ngân hàng vẫn cạnh tranh bằng các hình thức khác nhau. Chẳng hạn có ngân hàng tung chiêu: cộng thêm lãi suất cho người già; hay các ngân hàng liên tục khuyên khách hàng tăng cường sử dụng dịch vụ gửi tiền online. Theo đó hách hàng gửi tiết kiệm online vừa an toàn mùa dịch lại có lãi suất cao hơn so với giao dịch tại quầy. Làn sóng tăng lãi suất không chỉ mang tính thời vụ, “cục bộ” mà kéo dài cả năm.

Giới chuyên gia phân tích, việc ngân hàng đồng loạt cạnh tranh lãi suất vừa qua không đơn thuần là yếu tố mùa vụ, mà còn có thể do thanh khoản của nhiều ngân hàng có vấn đề, bằng chứng là gần đây, nhiều ngân hàng đã tăng cả lãi suất kỳ hạn ngắn. Xu hướng tăng lãi suất ẩn ở phía trong.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, lãi suất năm 2020 nhiều khả năng ổn định, không tăng thêm so với cuối năm 2019. Nhưng mặt bằng lãi suất huy động nói chung vẫn duy trì ở mức như hiện tại, khó có khả năng giảm sâu tại các ngân hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vốn.

Người gửi tiền không chỉ quan tâm lãi suất

Đối với người dân, hệ thống ngân hàng là một kênh đầu tư, người gửi tiền có thể hưởng mức sinh lời lãi suất hàng năm. Đây cũng là khoản thu nhập thêm để tiêu dùng. Do vậy, những năm gần đây, nhu cầu gửi tiền của người dân rất lớn. Kể cả trong bối cảnh dịch Covid-19.

Với mức lãi suất phổ biến đang giao động quanh mốc 7%/ năm, khi trừ đi lạm phát 4% thì người gửi vẫn được lãi trên dưới 3%. Thậm chí, kể từ ngày 17/3, một số ngân hàng hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng còn 4,75%, nếu gửi kỳ hạn dưới 6 tháng thì vẫn có khoản dư nhất định. Do đó với tâm lý muốn an toàn tiết kiệm vẫn là kênh hấp dẫn, đầu tư có hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều người dân khi đi gửi tiền cho biết, một trong những yếu tố hàng đầu được quan tâm chính là vấn đề lãi suất. Thế nhưng bên cạnh đó còn có những yếu tố quyết định khác như thói quen, dịch vụ ngân hàng, uy tín ngân hàng.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, trong khi mặt bằng lãi suất không có sự chênh lệch quá lớn, thì uy tín của ngân hàng là một trong những yếu tố hàng đầu khi người dân lựa chọn nơi gửi tiền. Tiếp đó, chính sách chăm sóc khách hàng, chế độ hậu mãi và quà tặng hấp dẫn cũng là yếu tố thu hút khách hàng đến gửi tiền tại ngân hàng.

Như vậy, khi đi gửi tiền tiết kiệm lãi suất bao giờ cũng là yếu tố quan tâm nhất, nhưng việc lựa chọn ngân hàng cũng như chất lượng dịch vụ cũng là yếu tố quan trọng.

Theo TS Đặng Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính (Đại học Kinh tế quốc dân), đưa ra lời khuyên: “Nhiều khách hàng hiện nay đang gửi tiền quá nhiều ở một ngân hàng, nếu xảy ra rủi ro thì mất hết. Do đó, khách hàng cũng nên phân tán rủi ro, tránh gửi tiền vào một chỗ”- theo nguyên tắc “không bỏ trứng vào một giỏ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cạnh tranh huy động vốn: Chưa bao giờ hết nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO