Phát huy tinh thần sáng tạo của người dân trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng đã triển khai xây dựng các mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”, khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường. Qua thực tiễn triển khai những mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức và huy động được sự tham gia của người dân trong bảo vệ môi trường từ mỗi khu dân cư.
Từ năm 2020, xóm Bản Chang (xã Thành Công, huyện Nguyên Bình) được Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng lựa chọn để xây dựng mô hình điểm khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Xóm Bản Chang có 50 hộ dân với 220 nhân khẩu, đều là dân tộc Dao Tiền. Những năm trước đây, người dân trong xóm chỉ hiểu đơn giản, bảo vệ môi trường chỉ là không được phát rừng, làm rẫy. Hàng năm chỉ tiến hành phát cỏ ven đường, nạo vét kênh mương, khơi thông cống rãnh, xây dựng nhà vệ sinh, làm chuồng chăn nuôi xa nhà, xây dựng bể chứa nước sạch. Nhưng sau khi được tuyên truyền các nội dung, các bước xây dựng mô hình điểm khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường, nhân dân trong xóm đã nhận thức được trách nhiệm của mình, hạn chế sử dụng túi nilon, phân loại rác, không lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong trồng trọt; tích cực trồng rừng, không săn bắt thú rừng, thường xuyên quét dọn nhà cửa, đường làng, ngõ xóm.
Ông Bàn Văn Thắng - Trưởng xóm Bản Chang cho biết, mặc dù cả xóm là người dân tộc nhưng hàng tháng chúng tôi luôn vận động bà con phát cỏ, khơi thông cống rãnh, chuyển chuồng trại ra xa nhà dân… bà con nhân dân trong xóm đều có ý thức giữ gìn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực tuyên truyền để bà con không dùng thuốc trừ sâu, không chặt phá rừng, không vứt túi nilon bừa bãi.
Xác định công tác đảm bảo vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí trong xây dựng NTM, MTTQ xã Thành Công đã luôn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; đồng thời chỉ đạo Ban Công tác Mặt trận các thôn tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức và lồng ghép trong các buổi họp dân; trao đổi về ý nghĩa và các biện pháp bảo vệ môi trường. Từ chỗ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, phó mặc cho chính quyền, giờ đây nhận thức và ý thức của người dân về bảo vệ môi trường từng bước được nâng cao.
Bà Trần Thị Phương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thành Công cho biết, mỗi người, mỗi gia đình trong xã đã chủ động thực hiện cũng như nhắc nhở mọi người cùng thực hiện. Tại nhiều xóm, người dân đã có ý thức giữ gìn vệ sinh, đảm bảo nguồn nước sạch, bảo vệ rừng, giữ độ che phủ rừng đạt 70%. Hiện nay, xã có một tổ thu gom và xử lý rác thải, 224/226 nhà vệ sinh đạt chuẩn, 442/453 hộ di dời chuồng trâu bò… Trong những năm qua, MTTQ đã phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân bảo vệ môi trường sống tại chính nơi mình đang sinh sống. Trong sản xuất nông nghiệp thì hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Hàng năm, hưởng ứng ngày môi trường thế giới, xã cũng tổ chức ra quân thu gom rác thải, bảo vệ rừng và thực hiện việc trồng rừng khá tốt. Tới đây, MTTQ xã sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức thành viên vận động bà con tuyên truyền trong nhân dân thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, không xả thải ra môi trường...
Còn tại xóm Đồng Chúp (xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) trước cửa mỗi gia đình, đều có thùng rác để bà con tự phân loại. Người dân trong xóm đã phát huy vai trò chủ động, tự quản trong giữ gìn vệ sinh môi trường tại nơi cư trú. Các nội dung bảo vệ môi trường được Chi bộ xóm đưa vào Nghị quyết Chi bộ, là một chỉ tiêu đột phá để xóm phấn đấu hoàn thành hàng năm. Theo đó, 100% các hộ dân trong xóm ký cam kết bảo vệ môi trường.
Ông Đàm Thế Chinh - Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm Đồng Chúp cho biết, từ nhiều năm nay, ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường đã được nâng cao. Bà con thường xuyên tổ chức quét dọn đường làng, ngõ xóm nhằm giữ cho xóm làng, cảnh quan xanh - sạch - đẹp; đảm bảo môi trường sống được trong lành. Khi thực hiện việc này, bà con nhân dân trong xóm đều đồng tình hưởng ứng, tham gia tương đối đông đủ. Hàng tháng, chúng tôi cũng giao cho đoàn thanh niên và các tổ chức đoàn thể thường xuyên quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm nên ý thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường được nâng lên, bà con tự giác chấp hành tham gia.
Nhằm nhân rộng mô hình Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, hàng năm Ủy ban MTTQ tỉnh đã triển khai xuống các huyện lựa chọn và xây dựng 2 mô hình điểm khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để thực hiện việc này, các địa phương đã tiến hành khảo sát tình hình đời sống, phong tục tập quán, nhất là thực trạng ô nhiễm môi trường, những vấn đề cần phải khắc phục để từ đó xác định thời gian, lộ trình thực hiện hợp lý.
Để triển khai chỉ đạo từ MTTQ tỉnh đối với công tác bảo vệ môi trường, bà Nông Thị Bích Thủy - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Nguyên Bình cho biết, MTTQ huyện đã triển khai đến 17 xã, thị trấn trên địa bàn huyện và chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức chiến dịch ra quân trồng cây, chăm sóc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, thu gom xử lý rác thải... Để góp phần thực hiện tốt các hoạt động trên, MTTQ các xã, thị trấn đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phát động tuyên truyền, vận động trong nhân dân tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, các địa phương đã tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết bảo vệ môi trường và bảo vệ rừng. Cùng với đó, MTTQ huyện chỉ đạo MTTQ xã thực hiện mô hình điểm khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường. Qua đó, ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường đã được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Việc lấy khu dân cư làm địa bàn triển khai thực hiện các mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường đã trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng lớn trong cộng đồng. Từ những mô hình trên, đến nay công tác bảo vệ môi trường đã được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.