Cao điểm sốt xuất huyết

MAI HƯƠNG 25/09/2022 07:24

Số liệu thống kê cho thấy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 211.388 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 87 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc và tử vong đều tăng. Đáng ngại, khu vực miền Nam, Tây Nguyên tiếp tục có số mắc và tử vong cao.

Nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết nhập viện muộn do một số người dân có tâm lý chủ quan.

Ca bệnh tăng đột biến

Tại TP HCM , tính từ đầu năm đến nay đã có 21 trường hợp tử vong do SXH, tăng 17 trường hợp so với cùng kỳ năm 2021. Còn tại Hà Nội, đến nay đã ghi nhận 311 ổ dịch tại 28 quận, huyện. Hiện còn 118 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện. Đáng lưu ý trong số đó đã có 4 ca tử vong, ngoài type virus gây bệnh lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, đã phát hiện thêm chủng virus Dengue 4. Dự báo, số ca mắc SXH tại Hà Nội tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Tại Hội thảo về phòng chống SXH ngày 23/9, bác sĩ Lương Chấn Quang (Viện Pasteur TP HCM ) nhận định, dịch SXH năm nay cao nhất trong 25 năm qua, chỉ thấp sau năm 1998.

Về nguyên nhân, bác sĩ Quang phân tích: Đầu tiên, có những yếu tố không thể thay đổi như biến đổi khí hậu - gây tác động đến vector truyền bệnh là muỗi vằn, khiến nhiều vùng trước đây không có SXH nhưng hiện bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, số ca mắc tăng rất nhanh do tác động của việc giao thương đi lại, trong bối cảnh các địa phương bình thường hóa, mở cửa trở lại, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát tán nhanh, rộng. Ngoài ra, quá trình đô thị hóa thiếu kiểm soát cũng khiến dịch bùng phát nhanh. Nhiều vật chứa nước vô tình được tạo ra trong khu vực đô thị, với mật độ dân cư đông, tạo nên những ổ chứa lăng quăng - nơi sinh sống của muỗi, dẫn đến SXH cực kỳ khó kiểm soát. Tiếp đó, nguồn lực chống dịch của chúng ta không ổn định, thiếu kinh phí đầu tư cho giám sát. Sau khi hết chương trình quốc gia phòng chống SXH, rất nhiều địa phương không còn kinh phí để giám sát dịch.

Theo bác sĩ Quang, khu vực phía Nam thường chiếm khoảng 50% số ca mắc toàn quốc. Riêng từ đầu năm đến nay, số ca đã chiếm 80% cả nước, dự báo vẫn chưa giảm độ “nóng” do khí hậu nắng, ẩm, mưa nhiều, thuận lợi cho muỗi vằn phát triển.

Các dấu hiệu nguy hiểm

Theo các chuyên gia, bệnh SXH gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của SXH Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết, virus gây bệnh SXH có 4 chủng huyết thanh khác nhau là Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Ông Tuấn cũng lưu ý nguy cơ biến chứng do SXH do chưa có thuốc đặc trị nên điều trị SXH bằng kiểm soát triệu chứng, uống nhiều nước kết hợp nghỉ ngơi và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Những người sốt cao trên 38,5 độ C thì có thể hạ sốt và giảm triệu chứng đau bằng Paracetamol. Người mắc sốt xuất huyết không được lạm dụng các thuốc như Ibuprofen, Aspirin, Natri naproxen, Analgin... do các thuốc này có thể gây tác dụng phụ là biến chứng xuất huyết.

Trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng và nôn ói nhiều, không ăn uống được, đã giảm hoặc hết sốt nhưng vẫn còn cảm giác khó chịu; chân tay ẩm, lạnh; chảy máu mũi miệng, xuất huyết âm đạo… thì cần khẩn trương nhập viện.

Về nguyên nhân tử vong gia tăng, theo TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), do người dân còn khá chủ quan, khi hết sốt thì sang giai đoạn nguy hiểm nhưng người nhà thường bỏ qua. Bệnh nhân vào viện muộn, chuyển lên tuyến trên cũng muộn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hiện nay đang bước vào cao điểm dịch SXH. Trong khi đó, nhận thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ bọ gậy/lăng quăng còn chưa cao; tình trạng di biến động dân cư, giao lưu giữa các vùng, miền liên tục tăng; có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị đang trong quá trình xây dựng; thói quen tích trữ nước trong các lu, khạp của người dân... là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và bệnh SXH lan rộng. Bộ Y tế dự báo số mắc SXH thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cao điểm sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO