‘Cát tặc’ vẫn lộng hành miền Tây

TRUNG KIÊN 08/05/2022 08:45

Dù được giới chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm qua nhưng tình trạng khai thác cát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn ra ồ ạt, tinh vi đe dọa nghiêm trọng đời sống người dân, làm suy giảm sự đa dạng, phong phú của các loài cá và thay đổi thảm thực vật ven sông, gia tăng rủi ro xâm nhập mặn… và các công trình giao thông. Điều đáng lo ngại là lực lượng chức năng lại kêu khó trong xử lý và để “cát tặc” ngang nhiên lộng hành.

Một ghe khai thác cát lậu ở khu vực sông Tiền (đoạn Vĩnh Long với Tiền Giang).

Người dân kêu cứu

Theo ghi nhận, tại khu vực Cồn Sơn (nằm giữa lòng sông Hậu) thuộc quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ, nhiều gia đình sinh sống ở khu vực cồn, nhất là những hộ dân sống ven bờ sông Hậu buộc phải dời nhà nhiều lần vì sạt lở, có gia đình tính toán khoảng gần 30 năm qua sạt lở mất hàng ngàn mét vuông đất. Theo lý giải của người dân, nguyên nhân chính vẫn là tình trạng khai thác cát, nhất là “cát tặc” khai thác vô tội vạ.

Sống trong mối đe dọa nơi ở có thể sạt lở bất cứ lúc nào, đã rất nhiều lần các hộ dân ở khu vực này đã tập trung phản đối “cát tặc” bằng cách báo với chính quyền. Thậm chí nhiều hộ dân còn dùng ghe, xuồng kéo nhau ra tận nơi những đối tượng khai thác cát để phản đối. Bà Bảy Muôn, một người dân sống ở Cồn Sơn bức xúc nói: Đất đai ở cồn đang bị mất dần, rồi con cháu chúng tôi không biết còn được bao nhiêu đất ở cồn này.

Từ những bức xúc của người dân chúng tôi có mặt tại đoạn sông Tiền giáp ranh giữa khu vực Vĩnh Long và huyện Cái Bè, Tiền Giang. Ở đây thường xuyên xuất hiện đội xà lan được ngụy trang rất tinh vi, các đối tượng này cho 2 đến 3 xà lan trống nổi lềnh bềnh trên mặt nước bao bọc các hướng, phía trong là tàu hút cát hoạt động hòng che tầm quan sát của người dân và lực lượng chức năng, các xà lan sau khi được bơm đầy cát chỉ khoảng hơn 30 phút di chuyển đã rẽ vào các nhánh sông và mất hút khỏi sông Tiền khiến lực lượng chức năng khó xác định được đường đi của các đối tượng khai thác cát.

“Cát tặc” bất chấp pháp luật

Ghi nhận từ lực lượng Công an và cơ quan chức năng tại các địa phương như: An Giang, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang. Việc đối phó với đối tượng khai thác cát lậu rất vất vả khi hoạt động của chúng ngày càng tinh vi. Công an các địa phương đã xử lý công khai nhiều trường hợp nhưng vì nguồn lợi quá lớn nên các đối tượng đã bất chấp quy định của pháp luật khai thác rầm rộ và có tổ chức.

Phó giám đốc Sở TNMT TP Cần Thơ Nguyễn Chí Kiên bức xúc: Hiện nay còn có nhiều vụ vi phạm khai thác lấn qua địa phận giáp ranh giữa các địa phương gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý các đối tượng. Chưa kể khai thác cát lậu thường hoạt động vào ban đêm mà muốn xử lý vi phạm cơ quan chức năng phải bắt được quả tang.

Cũng theo ông Kiên, những trường hợp người dân phát hiện cần cẩu múc cát từ Vĩnh Long lấn sang khai thác lậu phía TP Cần Thơ và báo cho lực lượng chức năng, khi cơ quan chức năng tới hiện trường thì cần cẩu múc cát đã chạy về phía Vĩnh Long, điều này rất khó khăn cho lực lượng bắt quả tang xử lý...

Thống kê của các địa phương cho thấy tình trạng khai thác cát lậu vẫn bất chấp pháp luật, mặc dù ngành chức năng đã xử phạt răn đe nhiều trường hợp. Cụ thể, đầu tháng 4/2022 Tòa án Nhân dân tỉnh Vĩnh Long xử phạt đối tượng Nguyễn Phúc Sơn ngụ tỉnh Vĩnh Long 6 tháng tù vì tội hút trộm cát trên sông Tiền khu vực tỉnh Vĩnh Long.

Trước đó, tháng 10/2020 Sơn từng bị cơ quan chức năng xử phạt 15 triệu đồng vì khai thác cát trái phép. Đầu tháng 3/2022 trong khi tổ tuần tra công tác tỉnh Vĩnh Long đi làm nhiệm vụ thì phát hiện nhóm 4 người đang cho phương tiện bơm, hút cát lòng sông khu vực sông Cổ Chiên đoạn huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Tại hiện trường lực lượng phát hiện các đối tượng này đã khai thác trên 81m3 cát, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt tổng trên 1,5 tỷ đồng đối với các đối tượng này… Tuy nhiên, tình trạng hút cát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Sạt lở bờ sông Hậu khu vực Bình Minh của tỉnh Vĩnh Long.

Lo cát không về

Chuyên gia độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, vùng được phù sa và cát bồi đắp hình thành từ hàng ngàn năm trước. Giờ đây, sạt lở xảy ra khắp đồng bằng là bởi thiếu lượng phù sa và cát bồi đắp. Đó là hậu quả của việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn và khai thác cát trên sông Mê Kông, nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam.

Còn theo số liệu của Ủy hội sông Mê Kông so sánh năm 1992 và 2014 cho thấy, tải lượng phù sa mịn của sông Mê Kông đã giảm từ 160 triệu tấn/năm (1992) xuống còn 85 triệu tấn/năm (2014). Khi có thêm 11 đập dòng chính Mê Kông ở Lào và Campuchia thì tải lượng phù sa mịn ước tính sẽ giảm còn khoảng 42 triệu tấn/năm.

“Đáng lo là gần như toàn bộ cát sẽ bị thủy điện chặn lại, không còn về Đồng bằng sông Cửu Long nữa. Điều này có nghĩa là lượng cát hiện nay có được ở đáy sông Tiền, sông Hậu sẽ không còn được bổ sung trong tương lai…”, ông Thiện nhận định.

Về tình trạng khai thác cát ở các địa phương, theo ông Thiện, ngay ở Đồng bằng sông Cửu Long, cùng một dòng sông nhưng các địa phương chưa có tiếng nói chung. Mỗi nơi đều xem cát là nguồn lợi tài nguyên và cấp phép tận thu dù tác động môi trường ảnh hưởng đến cả hệ thống sông ở đồng bằng. Chẳng hạn trong cấp phép khai thác, Cần Thơ hiện chỉ còn 3 mỏ khai thác thì Vĩnh Long có 37 mỏ, Đồng Tháp 19 mỏ, An Giang 11 mỏ và 7 khu vực nạo vét… Chưa kể hoạt động khai thác cát lậu diễn ra tại nhiều tỉnh, thành.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện lo ngại: Hiện nay, cát chỉ được xem là vật liệu xây dựng và cấp phép theo địa giới hành chính là cách nhìn hạn hẹp. Nhưng cần hiểu rằng cát còn có vai trò duy trì lãnh thổ. Việc quản lý khai thác cát nên theo tinh thần “liên kết vùng”, xem xét ảnh hưởng trên bình diện toàn đồng bằng, kể cả bờ sông và bờ biển.

“Nếu mỗi địa phương cứ tiếp tục khai thác cát theo kiểu tận thu như hiện nay thì tương lai bản đồ địa lý Đồng bằng sông Cửu Long có thể thay đổi bởi bờ sông sạt lở biến dạng, bờ biển sạt lở thụt lùi”, ông Thiện cảnh báo.

Cục Quản lý đường bộ IV vừa có văn bản gửi tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang về việc hỗ trợ kiểm tra, xử lý tình trạng hút cát lòng sông Tiền trong phạm vi quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng cầu, gây nguy hiểm đến an toàn cầu Mỹ Thuận (nối 2 tỉnh Vĩnh Long – Tiền Giang). Cục Quản lý đường bộ IV đề nghị UBND 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra xử lý nghiêm, triệt để hành vi của chủ các phương tiện xà lan khai thác, hút cát lòng sông Tiền.

Trước đó tháng 10/2021 sau nhiều lần kiểm tra tại khu vực chân cầu Mỹ Thuận thường xuyên phát hiện lực lượng “cát tặc” hút cát trái phép vào ban đêm lòng sông Tiền, cách chân cầu chỉ khoảng 100m vi phạm quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng cầu Mỹ Thuận và tính an toàn của cầu, vì vậy Chi cục Quản lý đường bộ IV đề nghị Công an và Sở TNMT tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát lậu để bảo vệ an toàn cầu Mỹ Thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Cát tặc’ vẫn lộng hành miền Tây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO