'Chậm lớn' vì chậm đổi mới

Thanh Giang 25/10/2017 09:15

Mặc dù đóng góp khá nhiều cho tăng trưởng của cả nước, song kinh tế tư nhân đang bộc lộ hạn chế về việc áp dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động sản xuất. Đa phần doanh nghiệp (DN) được khảo sát chưa đầu tư nhiều vào bộ phận nghiên cứu và phát triển.


Thiếu vốn đổi mới công nghệ là thực trạng hiện nay của các doanh nghiệp.

Ông Sebastian Eckardt – Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhận định: “DN Việt Nam chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp. Cùng với nhiều lý do khác, việc chậm đổi mới về công nghệ đang là nguyên nhân chính của vấn đề trên”. Bàn về việc đổi mới công nghệ, WB tại Việt Nam cho hay, khu vực tư nhân của Việt Nam có hai luồng đầu tư, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài có hiệu suất cao được lồng ghép vào các chuỗi giá trị và khu vực tư nhân trong nước.

Hiện nay, sự đóng góp của DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 70% tổng giá trị xuất khẩu. DN trong nước, chỉ có 20% DN thực hiện xuất khẩu. Các DN nhỏ và vừa – đại diện cho phần lớn khu vực tư nhân trong nước kinh doanh nhỏ lẻ, đơn giản, thiếu công nghệ cần thiết để tăng năng suất mở rộng thị trường. Theo chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu, năm 2016, Việt Nam xếp hạng 100 trong số 138 nền kinh tế về trụ cột “mức độ phức tạp trong kinh doanh” và đứng thứ 112 về “áp dụng công nghệ”

Tại Hội nghị Trung ương 5 cũng nhận định, phần lớn doanh nghiệp tư nhân (DNTN) có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, chậm đổi mới, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh yếu… Hiện máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở khu vực DNTN chỉ có 10% là hiện đại, 38% trung bình, 52% lạc hậu và rất lạc hậu. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao rất thấp so với các nước trong khu vực, chỉ đạt 2%.

Nhận định về bất cập trên, ông Nguyễn Văn Kích – nguyên cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “TP HCM là đơn vị mở đầu và dẫn đầu về phát triển khu chế xuất – khu công nghiệp nhưng có chưa đến 10 DN có giấy chứng nhận công nghệ cao. Tỷ lệ công nghệ cao của các khu chế xuất – khu công nghiệp vẫn ở mức thấp, khoảng trên 10%. Các sở ngành liên quan nên xem xét lại vấn đề này”.

Lý giải tình trạng chậm đổi mới công nghệ của DN thì nguyên nhân thiếu vốn được đưa lên hàng đầu. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ chỉ khoảng 0,2 – 0,3% tổng doanh thu. Hầu hết DN than phiền, tìm được vốn để xoay vòng đã khó lấy đâu ra tiền để đầu tư trang thiết bị hiện đại. Chính vì vậy mà nỗ lực nghiên cứu và phát triển của các DN Việt Nam chỉ ở mức trung bình (1,6% doanh thu hàng năm), thấp hơn cả Lào (14,5%).

Để cộng đồng DN phát triển bền vững, ông Nguyễn Hoàng Năng – Trưởng Ban Quản lý Khu chế xuất – khu công nghiệp TP HCM cho rằng, phải khuyến khích DN đầu tư vào các ngành nghề công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ cơ bản của cách mạng công nghiệp 4.0 và các ngành công nghệp hỗ trợ, dịch vụ phục vụ công nghiệp tạo các sản phẩm giá trị gia tăng cao.

Theo các chuyên gia kinh tế, hội nhập không cho phép DN đứng ngoài cuộc chơi, phải chủ động làm mới mình bằng công nghệ hiện đại, sản phẩm chất lượng, mẫu mã bắt mắt nhằm gia tăng khả năng cạnh tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Chậm lớn' vì chậm đổi mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO