Chặn đà tăng nợ xấu

H.Hương – M.Sang 24/05/2022 08:08

Thời điểm này, các ngân hàng đã phát đi hàng chục thông báo về việc bán đấu giá và lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản, khoản nợ để thu hồi và xử lý nợ xấu. Cho dù “chợ” mua bán nợ xấu đã hoạt động, nhưng xem chừng nợ xấu vẫn… ế.

Ảnh minh họa.

Rao bán nợ "khủng"

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) vừa có thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH XD và KD nhà Bách Giang và Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên với giá khởi điểm gần 253 tỷ đồng, không thay đổi so với lần rao bán trước. Đây là lần thứ 8, BIDV đấu giá khoản nợ này. Trước đó, BIDV cũng đấu giá lần thứ 10 khoản nợ của Công ty TNHH Thép Việt Nga với giá khởi điểm gần 269 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ so với mức chào bán lần đầu tiên hồi tháng 7 (475 tỷ đồng).

Chưa hết, BIDV thông báo tìm doanh nghiệp đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH GAC Việt Nam. Toàn bộ dư nợ gốc, lãi và phí tạm tính đến ngày 11/1 là 123 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 104 tỷ đồng, dư nợ lãi là 18,4 tỷ đồng. Tháng 6/2020, BIDV cũng từng rao bán khoản nợ này với giá khởi điểm 112,2 tỷ đồng.

Cũng trong thông báo mới nhất từ Vietinbank, ngân hàng cho biết muốn chuyển nhượng toàn bộ khoản nợ (gốc, lãi, phí...) phát sinh với Công ty TNHH Thương mại và Vận tải dầu khí Đại Lộc tại Chi nhánh Thủ Đức để xử lý thu hồi nợ vay.

Tổng dư nợ của khoản vay này đến ngày 13/5 là hơn 119 tỷ đồng, bao gồm 80,4 tỷ đồng nợ gốc và 38,6 tỷ đồng nợ lãi. Khoản vay có tài sản đảm bảo là lô đất tại địa chỉ 336 Nguyễn Chí Thanh, phường 5, quận 10, TPHCM cùng một số tài sản khác.

Tương tự, ngân hàng rao bán toàn bộ khoản nợ phát sinh tại Công ty TNHH Hải Phú Ngọc ở VietinBank Chi nhánh Phúc Yên. Trong đó, giá trị nợ đến ngày 13/5 là 55,2 tỷ đồng, được đảm bảo bằng một lô đất tại xã Cao Minh, huyện Mê Linh (nay là thành phố Phúc Yên), tỉnh Vĩnh Phúc thuộc sở hữu của Công ty Hải Phú Ngọc.

Theo các ngân hàng, 2 năm dịch Covid -19 bùng phát đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, các doanh nghiệp cố gắng cầm cự duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh chứ không mở rộng quy mô. Vì vậy, việc tìm nhà đầu tư để mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.

Nợ xấu luôn ám ảnh ngân hàng và tiếp tục xu hướng tăng khá mạnh, song đáng lo ngại hơn tất cả nợ xấu còn có thể “xấu” hơn bởi đang tiềm ẩn trong nhiều khoản nợ được cơ cấu lại theo các thông tư về hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước. Đặc biệt, Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng Covid-19 hết hạn vào ngày 30/6/2022 tới đây. Nếu không được gia hạn thì khả năng, nợ xấu sẽ càng gia tăng. Do vậy các ngân hàng cũng đang tích cực rao bán nợ để chặn đà tăng nợ xấu.

Khó đẩy nợ xấu

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại tư nhân cũng bày tỏ băn khoăn, thanh khoản trên thị trường tài sản đã quay trở lại, nhưng các ngân hàng chưa hẳn đã dễ dàng rao bán tài sản là nợ xấu do các quy định liên quan đến đất đai, dự án bất động sản khá phức tạp.

Các ngân hàng cũng gặp khó trong việc bán đấu giá bất động sản là tài sản thế chấp do có nhiều thủ tục pháp lý liên quan đến việc giải chấp, định giá tài sản. Ngoài ra, còn cần sự đồng thuận của chủ tài sản và các cơ sở pháp lý về quyền mua và quyền bán của ngân hàng. Có nhiều mảnh đất là tài sản đảm bảo của các khoản nợ liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân nên việc sang tên sở hữu mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến 31/12/2021, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của hệ thống các tổ chức tín dụng là 2.076.700 tỷ đồng (trong đó bao gồm dư nợ tín dụng tiêu dùng để mua nhà ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở), chiếm 19,89% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu đối với lĩnh vực bất động sản là 34.700 tỷ đồng, chiếm 18,4% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 1,67%.

Với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán, tổng nợ xấu là 2.140,5 tỷ đồng, chiếm 1,13% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 19,57%.

Tổng dư nợ tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng cấp cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu là 892,5 tỷ đồng, chiếm 0,01% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế. Tổng nợ xấu là 28,2 tỷ đồng, chiếm 0,01% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 2,87%.

Cũng tính đến 31/12/2021, tổng nợ xấu đối với các dự án BOT, BT là 7.400 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,92% nợ xấu toàn hệ thống; tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 6,48%.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), những tài sản giá trị lớn hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng không dễ rao bán, thường phải mất nhiều lần, nhiều thời gian rao bán, hạ giá thì mới có thể thanh lý được. Dịch bệnh cũng khiến tài sản đấu giá khó thu hồi tiền bán do khách hàng gặp khó khăn về tài chính, bàn giao tài sản và hoàn tất thủ tục sau đấu giá bị đình trệ.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng, trong những năm trước đây, nhiều ngân hàng cho vay với tài sản bảo đảm được định giá cao. Qua thời gian nếu ngân hàng không chấp nhận lỗ thì khó có thể đẩy được nợ xấu đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn đà tăng nợ xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO