Chặn dịch từ sớm, từ xa

Minh Thủy 04/10/2022 06:00

Thông tin từ Bộ Y tế, ngày 2/10 ghi nhận 490 ca mắc Covid-19, là mức thấp nhất trong 4 tháng qua. Thống kê cấp độ dịch mới nhất của Bộ Y tế cũng cho biết, hết tháng 9 cơ bản cả nước đã là vùng xanh (nguy cơ dịch thấp). Toàn quốc có 50/63 tỉnh, thành có 100% xã phường thuộc vùng xanh. Như vậy, cuộc chiến gian nan chống đại dịch Covid-19 ở nước ta cơ bản đã kết thúc, tuy nhiên trong bối cảnh một số dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp thì không thể chủ quan.

Trong đại dịch Covid-19, nước ta đã phải trải qua 4 lần dịch bùng phát. Đặc biệt từ giữa năm 2020 đến tháng 9/2021, dịch bệnh lan rộng. Bằng nhiều biện pháp quyết liệt, những nỗ lực không ngừng nghỉ, cả nước chung cuộc chiến dập dịch. Cùng với ngành Y tế, nhiều lực lượng khác cũng được huy động lên tuyến đầu, thực hiện truy vết, khoanh vùng, giãn cách xã hội, phong tỏa, “thần tốc vaccine” để dập dịch. Chúng ta đã làm tất cả nhưng dịch bệnh quá khốc liệt, hơn 43.000 đồng bào ta đã không qua khỏi...

Theo sát với diễn biến của dịch, từ đó Đảng, Nhà nước đã có những quyết sách phù hợp. Khi dịch bệnh đã được kiểm soát, đẩy lùi, ca nhiễm mới ít, số bệnh nhân nặng phải điều trị cũng như số ca tử vong giảm mạnh, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế từ ngày 30/9/2021 tùy tình hình cụ thể quyết định nới lỏng hoặc tiếp tục kiểm soát dịch. Đến giữa tháng 10/2021, Chính phủ quyết định chuyển sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa mở cửa phát triển kinh tế - xã hội. Từ quyết định sáng suốt đó, nền kinh tế bật dậy, đời sống người dân khởi sắc.

Tới ngày 8/9/2022, Bộ Y tế đã chuyển phương thức phòng, chống dịch Covid-19 từ 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) sang 2 K (Khẩu trang + Khử khuẩn). Từ đó đến nay, sự thay đổi đó đã cho thấy là chính xác, khi tình hình dịch Covid-19 ở tất cả các địa phương trên cả nước ngày một lắng xuống. Thực tế Covid-19 đã không còn là mối đe dọa đối với chúng ta.

Tuy nhiên, vẫn không thể một chút lơ là, chủ quan với dịch bệnh vì Covid-19 đã lắng xuống nhưng nguy cơ lây lan một số dịch bệnh khác vẫn còn đó.

Ngày 3/10/2022, TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận ca nghi mắc đậu mùa khỉ đầu tiên. Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết ca nghi mắc đậu mùa khỉ này phát hiện qua quá trình giám sát dịch tễ. Cũng cần nhắc lại, ngày 23/7/2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức công bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế. Tới nay, thế giới ghi nhận gần 36.000 ca mắc tại 93 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, nhiều quốc gia, lãnh thổ gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập.

Trong khi đó, dịch sốt xuất hiện vẫn tiếp tục gia tăng tại Hà Nội và một số địa phương phía Bắc. Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, dịch vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt đáng lo ngại là sau bão số 4 (Noru), nhiều địa phương bị ngập úng cũng dễ phát sinh dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết. Từ nay đến cuối năm, dự báo miền Trung có thể vẫn còn bão, dịch bệnh theo bão phát sinh cũng là điều cần phải được cảnh báo.

Sốt xuất huyết không phải là dịch bệnh mới, nhưng mức độ lây lan nhanh, thể trạng của người bệnh suy giảm nhanh, phục hồi lâu.

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, đến ngày 29/9/2022, cả nước ghi nhận gần 225.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 92 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc và tử vong đều tăng. Trong khi đó, các chuyên gia y tế cảnh báo tái nhiễm virus dengue có thể làm sốt xuất huyết nghiêm trọng hơn; thời gian tới số mắc và tử vong tiếp tục diễn biến phức tạp và số mắc ở mức cao do cao điểm mùa dịch hàng năm từ tháng 7 đến tháng 11. Do đó, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.

Hơn hai năm rưỡi qua với 4 đợt bùng phát dịch Covid-19, chúng ta thấm thía sự nguy hại của dịch bệnh, và cũng rút ra được nhiều bài học quan trọng trong phòng, chống dịch. Trước hết, đó là phải củng cố và tăng cường y tế dự phòng, lực lượng y tế tuyến cơ sở; khoanh vùng dập dịch ngay từ đầu để ngặn nguồn lây lan ra cộng đồng. Cùng đó ngành y tế, chính quyền địa phương và người dân phải hết sức cảnh giác theo phương châm “chặn dịch từ sớm, từ xa”; với tinh thần sức khỏe của người dân là trước hết, trên hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn dịch từ sớm, từ xa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO