Chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng

Thanh Vân 12/04/2020 07:00

Vừa qua, việc cơ quan chức năng công bố một nam bệnh nhân 47 tuổi ở huyện Mê Linh, Hà Nội (BN 243) dương tính với SARS-CoV-2 sau 23 ngày đến ổ dịch BV Bạch Mai đã khiến mối lo ngại về nguồn lây nhiễm trong cộng đồng tăng lên. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh về nguy cơ này tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng với virus Corona.

Chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng

Thôn Hạ Lôi (Mê Linh, Hà Nội) trong những ngày thực hiện phong tỏa. Ảnh: Quang Vinh.

Nguy cơ lây lan trong cộng đồng

Được biết bệnh nhân 243 có thể bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 qua việc tiếp xúc với người bệnh trong quá trình đi lại. Ngoài ra, bệnh nhân 251, 64 tuổi, trú tại Bình Nghĩa, Bình Lục, Hà Nam cũng được cho là ca bệnh rất phức tạp, mất dấu F0. Trước đó là bệnh nhân 237, người Thụy Điển ung thư máu, nhập cảnh từ tháng 12/2019, vừa được phát hiện nhiễm nCoV, có lịch sử di chuyển phức tạp. Hiện giới chức y tế chưa xác định được nguồn lây của bệnh nhân này là từ nước ngoài hay tại Việt Nam; và nếu lây tại Việt Nam thì cụ thể là từ nguồn nào… Vì vậy, hiện nhiều khu vực đã bị phong tỏa và những người tiếp xúc với các bệnh nhân này đã được cách ly, song thực tế nguy cơ lây lan trong cộng đồng là rất lớn.

Trao đổi với báo chí về nguy cơ ủ bệnh dài ngày, TS.BS. Nguyễn Thu Anh - Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Trường Đại học Sydney phân tích: Y văn trên thế giới có đề cập đến vấn đề ủ bệnh của bệnh nhân mắc COVID-19, trong đó thời gian ủ bệnh thường từ 5-6 ngày và có thể kéo dài tới 14 ngày. Một số nước trên thế giới đã báo cáo 2 ca bệnh có thời gian ủ bệnh kéo dài tới 19 hoặc 24 ngày, tuy nhiên đây là những trường hợp rất hiếm. Ngoài ra, việc xác định chính xác thời gian ủ bệnh là rất khó, vì thường chúng ta không biết chính xác thời điểm nhiễm virus và thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên, nhất là ở người có triệu chứng nhẹ, nên thông tin người bệnh kê khai có thể bị sai sót.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, qua một số ca bệnh số 243, 247, 251 chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho thấy có sự lây lan trong cộng đồng. Vừa qua, một số ý kiến “quy ngay” nguồn lây nhiễm một số ca bệnh mới phát hiện liên quan đến các ổ dịch cũ, đơn cử như bệnh nhân số 243 được cho là lây từ ổ dịch BV Bạch Mai, đó là trường hợp dễ nhất, nhưng phải đặt trường hợp bệnh nhân không lây nhiễm từ đó mà từ cộng đồng. Và qua thực tế, ông Phu khẳng định có khả năng trường hợp bệnh nhân số 243 không lây nhiễm từ BV Bạch Mai vì xét nghiệm kháng thể cho thấy người này mới lây nhiễm. Điều tra dịch tễ cũng cho thấy bệnh nhân số 243 di chuyển nhiều nơi, nên phải đặt vấn đề có thể nguồn lây là từ cộng đồng.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thì giai đoạn này có những diễn biến về dịch tễ khác với giai đoạn đầu, và số ca, nhất là ca nhiễm trong cộng đồng, tăng nhanh. Bây giờ mối quan tâm chính là các ca trong cộng đồng. Ông Phu cũng cho rằng Việt Nam đã làm “sớm và quyết liệt”. Tuy nhiên, ông Phu lấy ví dụ Singapore, lúc đầu họ đã kiềm chế tốt dịch bệnh nhờ kiểm soát được người nhập cảnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Nhưng đến giai đoạn sau, khi việc này không thực hiện tốt, dịch lại lan nhanh. Ở giai đoạn này, ông Phu đánh giá Việt Nam đã kiểm soát và xét nghiệm người nhập cảnh nhiều, nhưng xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng chưa nhiều.

Nên tiếp tục giãn cách xã hội

Việt Nam vẫn đang chống dịch theo phương châm “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng và dập dịch”. Những ổ dịnh như Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bar Buddha (TPHCM) đã được khoanh vùng xử lý tốt nhưng chưa thể triệt để nên nguy cơ dịch không bùng phát rất cao. “Giai đoạn hai có những diễn biến về dịch tễ khác với giai đoạn đầu, và số ca, nhất là ca nhiễm trong cộng đồng, tăng nhanh. Chúng ta phải quyết liệt, nếu không toàn bộ công sức của giai đoạn một sẽ đổ sông đổ biển”- ông Trần Đắc Phu chia sẻ.

Ông Phu khuyến cáo giai đoạn này người dân không được chủ quan, đặc biệt tuân thủ giãn cách xã hội, thực chất là không cho người bệnh tiếp xúc người lành và ngược lại. Người này không lây người kia, gia đình này không lây gia đình khác, xã này không lây xã... như vậy mới tiến tới khống chế được dịch. Trong thời gian tới, ông Trần Đắc Phu đề nghị quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội, không để người nhiễm tiếp xúc với người lành, phát hiện sớm trong cộng đồng các ổ dịch nhỏ để xử lý kịp thời.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Hiện chiến lược phòng, chống dịch của Việt Nam là rất hiệu quả, hoàn toàn khác các nước phương Tây. Một mặt chúng ta theo dõi, nghiên cứu các kinh nghiệm trên thế giới nhưng điều quan trọng là phải kiên trì các nguyên tắc chống dịch từ ban đầu là: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị. Đặc biệt trong giai đoạn này phải rất chú ý đến việc phát hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng, coi đây là ổ dịch tiềm năng (F0) để tiến hành ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng với các đối tượng F1, F2 . Tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập ngay, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện.

Hoàn thiện các phác đồ điều trị hiệu quả nhất

Tại hầu hết các cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng với Covid-19 đều thống nhất phải kiên định nguyên tắc từ đầu: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Đây là chiến lược không thay đổi.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro. Hiện chúng ta vẫn đang kiểm soát dịch bệnh theo kịch bản dự báo và tới đây sẽ xuất hiện thêm các ca nhiễm cộng đồng. Tất cả các ca nhiễm này đều phải coi là ổ dịch tiềm năng, cùng với việc xác định nguồn lây, quan trọng hơn là phải thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Về tình hình điều trị các ca bệnh Covid-19 ở Việt Nam, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho biết đến nay tỷ lệ người được chữa khỏi so với tổng ca nhiễm đã vượt quá 50%. “Điều quan trọng hàng đầu là chúng tôi chỉ đạo tập trung xây dựng, hoàn thiện các phác đồ điều trị hiệu quả nhất, không để người nhiễm bệnh nhẹ chuyển sang nặng, hạn chế tối đa người tử vong”. Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tổ chức lại hệ thống trong bệnh viện, nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO