Chặn thực phẩm “bẩn”

Minh Thủy 07/12/2022 07:00

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023, cao điểm từ ngày 15/12/2022 đến hết 12/3/2023; với 6 đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố. Đây là việc rất cần thiết khi tình hình mất an toàn thực phẩm vẫn luôn rình rập, mà mới nhất là vụ ngộ độc tập thể tại Trường ISchool Nha Trang (ngày 17/11) khiến 665 người phải nhập viện, 1 học sinh tử vong.

Tết Nguyên đán năm nay có thời gian nghỉ dài ngày, ngay sau đó lại là mùa lễ hội với rất đông người tham dự. Đó là khoảng thời gian tiêu thụ thực phẩm, các loại nước giải khát lớn nhất trong năm. Việc trà trộn thực phẩm “bẩn” nhằm trục lợi dễ xảy ra.

Theo kế hoạch, các đoàn kiểm tra liên ngành sẽ kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm. Cùng đó là tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đợt này sẽ kiểm tra từ Trung ương đến cấp xã, trong đó tập trung vào các nhóm sản phẩm có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu và các thành phố lớn, đông dân.

Nhìn vào các đoàn kiểm tra liên ngành có thể thấy đợt “ra quân” này rất hùng hậu, bao gồm các cơ quan chức năng của các bộ Y tế, Công an, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Viện Kiểm nghiệm an toàn ATTP Quốc gia, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những đoàn kiểm tra này sẽ phối hợp với địa phương nơi đến kiểm tra.

Thực tế thì năm nào trước Tết Nguyên đán các cơ quan chức năng cũng đều tổ chức những đoàn kiểm tra như vậy, đã hạn chế được nhiều vụ mất ATTP. Nhưng không làm xuể, hoặc còn do kiểm tra sơ sài, hình thức, kiểm tra cho có nên ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra. Lần này, hy vọng không chỉ những đoàn kiểm tra làm gắt tại những địa phương đoàn đến, mà ngay cả những địa phương không có đoàn kiểm tra thì việc kiểm soát mất vệ sinh ATTP cũng cần tự giác làm chặt.

Nhưng, cần phải nói ngay rằng, để mất ATTP, ngộ độc ở đâu thì trước tiên địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Các đoàn kiểm tra chỉ là để ngăn chặn, phát hiện… chứ không thể thường trực 24/24 tại từng nơi và cũng không thể nắm rõ tình hình bằng người địa phương. Không lý gì chính quyền cơ sở, công an địa bàn, y tế xã/phường lại không biết nơi “gần gũi thân thương” của mình đang tồn tại điểm sản xuất, buôn bán thực phẩm không đúng quy cách, không bảo đảm chất lượng. Địa phương không nên chỉ báo cáo, phối hợp với đoàn kiểm tra những vụ lớn, rất quan trọng là phải nắm chắc, xử lý ngay cả những vụ nhỏ từ lúc manh nha. Mà việc đó thì chỉ có lực lượng tại chỗ mới có thể biết được, làm được.

Nói như vậy không phải để phủ nhận vai trò của các đoàn kiểm tra ATTP liên ngành, mà muốn nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền cơ sở. Tất nhiên muốn để họ hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn thì rất cần sự đôn đốc của đoàn kiểm tra, cũng như trang bị thêm cho họ kiến thức để phát hiện thực phẩm, các loại nước uống… có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân.

Khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, thường thì trách nhiệm chỉ được xem xét ở nơi cung cấp và nơi tiêu thụ. Như vậy là vẫn để lại lỗ hổng: đó là trách nhiệm của chính quyền cơ sở. Vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương làm 32 người chết (ngày 6/9/2022), không chỉ chủ quán bị khởi tố, bắt giam mà 2 cựu cán bộ công an cũng bị khởi tố bị can để làm rõ về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng - đã cho thấy đó là việc cần thiết. Vì vậy, với việc mất vệ sinh ATTP, xảy ra ngộ độc thì cũng không chỉ xử lý người sản xuất, kinh doanh mà còn phải làm rõ trách nhiệm liên đới của y tế, quản lý thị trường, của nơi cấp phép kinh doanh.

Đồng tình với việc tăng cường kiểm tra ATTP dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân, người dân cũng mong muốn có những đoàn kiểm tra liên ngành về giá cả. Trong đó vai trò chính thuộc về quản lý thị trường, công an. Đây là khoảng thời gian nhiều mặt hàng đua nhau lên giá, người kinh doanh bắt chẹt khách một cách cực kỳ vô lý, nhất là với khách du lịch. Những thành phố du lịch, những điểm du lịch, điểm tổ chức lễ hội… cần được kiểm tra thường xuyên để tránh việc “chặt chém”, bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Cao điểm mua bán, tiêu thụ sản phẩm, đi lại… người dân không chỉ mong muốn an toàn, sức khỏe được bảo đảm mà còn không muốn những đồng tiền chắt chiu của mình bị lấy mất một cách vô lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn thực phẩm “bẩn”

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO