Nhiều vụ việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm dù liên quan trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người dân, nhưng khi xử lý, ngành chức năng lại khá nhẹ tay. Người tiêu dùng không khỏi bất an khi thực phẩm bẩn vẫn còn đất sống.
Thực phẩm bẩn vẫn tràn lan
Gần 50% số mẫu rau quả, trái cây ở các chợ đầu mối xét nghiệm có dư lượng hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản phát hiện kim loại nặng, trong đó có nhiều mẫu vượt giới hạn cho phép, cá biệt có sản phẩm phát hiện dư lượng của 7 hoạt chất. Đó là những con số vừa được đưa ra tại hội nghị tổng kết 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM.
Trong đó ghi nhận còn có các mẫu sản phẩm tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc bảo vệ thực vật nằm ngoài danh mục được phép sử dụng. Cụ thể, phát hiện hoạt chất carbendazim (trị nấm) trên cải bó xôi, cà chua, cải ngọt, cải thìa, cải xanh...; phát hiện hoạt chất permethrine (thuốc trừ sâu) trên cải bó xôi, cải ngọt, cải thảo, cải thìa, rau muống; hoạt chất cypermethrine trên cải dún, cải ngọt, cải xanh, củ cải trắng...; hoạt chất imidacloprid trên cải ngọt, cà chua; hoạt chất chloramphenicol, ciprofloxacin và enrofloxacin trên sản phẩm thủy sản.
Đối với hải sản đánh bắt, về kim loại nặng có 42/100 mẫu (tỉ lệ 42%) phát hiện nhiễm cadimi vượt mức cho phép, trong đó 36 mẫu mực và 6 mẫu bạch tuộc. Với thủy sản nuôi, tồn dư kháng sinh cấm sử dụng ciprofloxacin 37/100 mẫu (chiếm tỉ lệ 37%); enrofloxacin 49/100 mẫu; trifluralin 5/100 mẫu... Việc đưa ra con số về tỉ lệ thực phẩm nhiễm chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật được Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM xác định không thể để buông xuôi, thả nổi chất lượng. Phải lấy mẫu kiểm nghiệm, phải công bố để biết thực trạng đang ở đâu để giải quyết.
Còn tại Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, báo cáo của Sở Y tế cho biết: Có 699 đoàn thanh tra, kiểm tra đã kiểm tra được 16.294 cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn đường phố, số cơ sở đạt tiêu chuẩn là 13.328 (chiếm tỉ lệ 81,8%), đã phát hiện 2.966 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.140 cơ sở với số tiền phạt là hơn 3,2 tỉ đồng. Đồng thời, tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của 39 cơ sở, đình chỉ 66 cơ sở và tiêu hủy 64 loại sản phẩm vi phạm của 524 cơ sở…
Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội cho biết: Các cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải đóng cửa, yêu cầu buộc phải đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sau khi đã hoàn thành mới được mở cửa trở lại dưới sự giám sát của địa phương.
Những thông tin trên đã khiến người tiêu dùng giật mình, vì không ít người tin tưởng vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm đã được thắt chặt trong thời gian qua.
Ai chịu trách nhiệm?
Liên quan tới tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm và thực phẩm bẩn, nhiều ý kiến phân tích chỉ rõ, việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm đã được tăng cường trong thời gian qua với nhiều hình thức đa dạng. Dù vậy, công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục về an toàn chưa thường xuyên, kết quả còn hạn chế. Vẫn còn tình trạng nội dung thông tin không chính xác hoặc chưa được kiểm chứng, thiếu căn cứ khoa học, gây ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân đối với công tác quản lý an toàn thực phẩm. Hơn nữa, truyền thông tư vấn trực tiếp của cán bộ có chuyên môn y tế, nông nghiệp hầu như chưa được quan tâm, kiến thức và hiểu biết về vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân còn rất hạn chế…
Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm cũng quy định rõ trách nhiệm của 3 Bộ trực tiếp liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm là Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương. Tuy nhiên, việc để trách nhiệm chung, liên ngành cũng dễ dẫn tới tình trạng “cha chung không ai khóc” nên vẫn cần có những phân cấp cụ thể với những chế tài đi kèm chi tiết và nghiêm khắc hơn thì tính răn đe trong xử phạt vi phạm mới cao và mang tính giải quyết triệt để.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội Nguyễn Minh Hùng, việc 3 bộ cùng tham gia quản lý dẫn đến việc thiếu phân định rõ trách nhiệm của từng ngành nên dễ rơi vào tình trạng chồng lấn hoặc bỏ sót trách nhiệm trong quá trình kiểm tra kiểm soát. Ông Hùng dẫn chứng về việc đơn giản như quản lý chất lượng bún, hiện cả 3 bộ cùng chịu trách nhiệm. Bột gạo, nguyên liệu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm tinh bột thuộc Bộ Công Thương, sản phẩm bún bán trên thị trường nếu chứa chất tinopal gây hậu quả người tiêu dùng thì lại thuộc trách nhiệm Bộ Y tế.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc 3 bộ cùng quản lý khiến quá trình xử lý thực phẩm bẩn hoặc hậu kiểm doanh nghiệp sản xuất mất rất nhiều thời gian. Mặt khác, hiện nay thông tin công khai về thực phẩm vi phạm chất lượng ngoài website của Cục An toàn thực phẩm thì rất ít cơ quan khác có thông tin, dù có thêm 2 Bộ cùng tham gia quản lý. Điều này dẫn đến có những trường hợp sai phạm về chất lượng thực phẩm, người dân không biết tìm đọc ở đâu và thường chỉ biết thông tin khi có người sử dụng thực phẩm đã ngộ độc và phải nhập viện do báo chí đăng tải. Do đó, để có thể ngăn chặn thực phẩm bẩn đòi hỏi lấp lỗ hổng trong quản lý an toàn thực phẩm, cần một “nhạc trưởng” điều phối hoạt động, chịu trách nhiệm chính.
Thực tế cũng cho thấy, không chỉ ở cấp Trung ương mà theo luật định, trách nhiệm cũng được chỉ rõ ở quản lý cấp địa phương nhưng việc xử lý còn lỏng lẻo, thiếu kiên quyết. Do đó, hơn bao giờ hết, cũng cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương từ cấp phường, xã cho đến quận huyện khi xảy ra vi phạm an toàn thực phẩm.
Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NNPTNT) vừa có văn bản yêu cầu Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM rà soát thông tin, tính toán lại tỉ lệ mẫu rau quả, thủy sản vi phạm, tránh gây hoang mang dư luận.
Phía Cục khẳng định: chất lượng thực phẩm nông lâm thuỷ sản trong những năm qua đang được nâng lên. Đơn cử trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ NNPTNT đã tổ chức lấy 843 mẫu thuỷ sản giám sát vệ sinh, an toàn thực phẩm thì chỉ phát hiện 12 mẫu vi phạm, chiếm 1,4%, giảm so với cùng kỳ 2021 là 2,3%. Các địa phương cũng thực hiện lấy 8.492 mẫu nông lâm thuỷ sản, phát hiện 346 mẫu vi phạm, chiếm 4,07%; giảm so với 5,65% cùng kỳ năm 2021.