Chặn thực phẩm bẩn trà trộn vào siêu thị

Quốc Định 17/10/2022 07:00

Nhiều ý kiến cho rằng, việc kiểm soát thực phẩm, nhất là rau, quả vào các hệ thống phân phối hiện nay chưa được chặt chẽ, dẫn đến tình trạng sản phẩm không chất lượng, không rõ nguồn gốc trà trộn vào các siêu thị, cửa hàng, gây mất niềm tin đối với người tiêu dùng, ảnh hưởng đến những đơn vị làm ăn chân chính.

Để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp thực phẩm sạch còn rất nhiều việc phải làm.

“Thiếu thông tin, thừa sự nghi ngờ”

Những ngày qua, nhiều hội nhóm đã chia sẻ những thông tin liên quan tới thực trạng rau chợ đội lốt rau VietGAP để vào một số hệ thống bán lẻ. Điều này cho thấy, mọi người đang ngày càng quan tâm hơn tới nguồn gốc, an toàn thực phẩm của các loại rau quả, thực phẩm lưu thông trên thị trường, nhất là với thực phẩm trong các siêu thị, nơi mà lâu nay vẫn được coi là đáng tin cậy hơn so với hàng bán ở chợ.

TS. Nguyễn Thị Hồng Minh - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch (AFT) cho rằng, vấn nạn này diễn ra từ lâu, có điều chưa được đưa ra ánh sáng mà thôi. Hiện nay, doanh nghiệp (DN), cơ sở nào cũng quảng cáo thực phẩm an toàn. Ngay cả lãnh đạo cơ quan quản lý của ngành cũng nói là hướng đến rau an toàn, thực phẩm an toàn. Nhưng thực tế cho thấy, thực phẩm của chúng ta vẫn chưa thực sự an toàn. Theo bà Minh, ở nhiều nước tiên tiến, các DN quảng cáo sản phẩm của mình thường họ chỉ đề cập đến thành phần dinh dưỡng của sản phẩm và giá trị của nó, chứ họ ít nhắc đến từ “an toàn” vì bản thân thực phẩm đã an toàn.

Bà Minh đặt vấn đề, sản phẩm Việt Nam, nhất là hàng nông sản vào các chợ đầu mối (nơi tập trung phân phối đi khắp nơi) hầu hết bao bì trắng thì làm sao mà kiểm soát được thông tin? Trong khi đó, nhiều mặt hàng có xuất xứ từ nước ngoài chưa biết chất lượng thế nào nhưng hàng của họ thường có đóng gói, trên bao bì ghi thông tin rất rõ ràng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bình Phương - Phó Giám đốc Kinh doanh tiếp thị, Công ty CP Quản lý & Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, cơ sở chuyên cung cấp hàng nông sản có quy mô hàng đầu miền Nam cũng phải thừa nhận, mỗi ngày chợ tiếp nhận hàng ngàn tấn hàng hóa các loại từ nhiều địa phương khác nhau thì làm sao có đủ lực lượng kiểm soát được hết.

Theo ông Phương, khi các chuyến hàng vào chợ, lực lượng quản lý chỉ có thể kiểm tra đăng ký nguồn hàng, mã hàng, số điện thoại người cung cấp hàng… tất cả ghi vào để khi có cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra thì cung cấp thông tin để truy xuất ngược lại. Còn “Việc kiểm tra chất lượng, nguồn gốc, đóng gói, thông tin nhãn mác, bao bì trước khi đưa hàng lên xe là trách nhiệm của quản lý các địa phương nơi xuất xứ hàng, hoặc trách nhiệm ở các trạm kiểm dịch động thực vật… Ngay cả việc test nhanh dư lượng độc tố, nếu làm cho đúng cũng phải mất từ 2-3 ngày, mà đợi có kết quả thì có hai hướng xảy ra. Một là, sản phẩm đã hư hết; hai là, hàng đã phân phối và người tiêu dùng đã ăn xong” - ông Phương nhấn mạnh.

Còn bà Phạm Phương Thảo - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Organica cho biết, Công ty làm sản phẩm sạch từ năm 2013 đến nay nhưng gặp rất nhiều khó khăn, nhất là sự cạnh tranh không lành mạnh của các cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm không minh bạch. Có quá nhiều người hỏi sản phẩm của công ty có thực sự sạch không? “Đó là áp lực nhưng cũng là cơ hội để chúng tôi biết mình phải làm gì. Nhưng không thể phủ nhận một điều, hiện nay người tiêu dùng thiếu thông tin, thừa sự nghi ngờ” - bà Thảo nói.

Phải nói thật với người tiêu dùng

Ông Lý Hoàng Hải - đại diện một DN chuyên cung cấp các thiết bị test thực phẩm cho biết, hiện nay thiết bị test nhanh (2-3 giờ ra kết quả), thường chỉ cho ra kết quả có dư lượng cao, còn việc test cho kết quả tốt nhất thường mất vài ngày và chi phí rất tốn kém. Vì vậy, ông Hải cho rằng, chúng ta không thể kiểm soát được sản phẩm cuối cùng mà chỉ có cách giám sát, kiểm tra ở quy trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển.

Nhiều người đặt câu hỏi, lỗ hổng lớn nhất mà thực phẩm bẩn đội lốt thực phẩm sạch vào siêu thị nằm ở đâu? Chủ tịch AFT Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng, có nguyên nhân từ chính sách. Vì vậy, theo bà Minh, cần phải sửa, bổ sung cho đầy đủ, lúc đó bắt buộc rau củ quả phải có nhãn mác, nguồn gốc; phải làm sao để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Làm sao sản phẩm không an toàn là bị gạt ra ngay từ đầu. Đồng thời, Nhà nước cần phải hỗ trợ sản phẩm sạch, minh bạch, hỗ trợ DN làm ăn chân chính tiếp cận được thị trường.

Về trách nhiệm của DN, ông Nguyễn Diệp Pháp - đại diện Công ty Cổ phần Thực phẩm G.C cho rằng, DN kinh doanh phải thực hiện đúng tiêu chuẩn sản xuất: Từ con giống, quản lý dữ liệu nhật ký trồng trọt…. dữ liệu hóa hết các thông tin trồng trọt từ gieo giống đến lúc thu hoạch, giúp cho người tiêu dùng dễ dàng truy xuất được nguồn gốc.

Hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng nông sản, giờ đây đang trở thành một trong những kênh mua sắm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, sau vụ việc rau ở chợ “biến” thành rau sạch đi thẳng vào siêu thị bị phanh phui, khiến người dân đặt câu hỏi: Vì sao “rau bẩn” vẫn vào được siêu thị dù đã qua kiểm định của của các cơ quan chức năng?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chặn thực phẩm bẩn trà trộn vào siêu thị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO