Thời gian vừa qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể ở trường học đã xảy ra do sử dụng thực phẩm thiếu an toàn, không đảm bảo yêu cầu chất lượng, khiến không ít người lo lắng. Bởi khi thực phẩm kém chất lượng có cơ hội trà trộn vào bữa ăn hằng ngày không chỉ ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân mà còn để lại nhiều hệ luỵ khó lường.
Thực tế cho thấy, hiện nay thực phẩm bẩn đã và đang trở thành mối lo ngại lớn đối với nhiều người dân khi liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm với quy mô lớn tại các bếp ăn tập thể và trong các trường học đã xảy ra.
Theo thống kê, TP Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2 triệu học sinh, trong đó, số trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú là khoảng 1.600 trường. Theo TS.BS Trương Hồng Sơn- Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hằng năm. Tuy nhiên, ở các vụ ngộ độc tại trường học, số trẻ bị mắc khá đông, hơn nữa do các em còn nhỏ, sức đề kháng yếu nếu bị ngộ độc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ, hậu quả gây ra sẽ nghiêm trọng nên đã gây lo lắng, bức xúc cho nhiều người.
Bên cạnh đó, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể dành cho công nhân, người lao động cũng liên tiếp xảy ra khiến người dân bất an vì thực phẩm bẩn...
Với thông điệp “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5. Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2019 hướng tới mục tiêu tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nâng cao nhận thức, kiến thức của người tiêu dùng, ngoài các hoạt động thường xuyên để bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Trong dịp này, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các phương tiện truyền thông,… để phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm; tác hại của thực phẩm không an toàn, giả, kém chất lượng. Đồng thời giám sát, hướng dẫn các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tuyên truyền, vận động nhân dân tố giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn đến các cơ quan chức năng.
Đặc biệt 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành sẽ được thành lập, thực hiện nhiệm vụ thanh, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố gồm: TP HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Nam, Đà Nẵng.