Chất vấn: Không đánh trống bỏ dùi

T.Dương 15/07/2015 06:00

Trước vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Chúng ta sẽ chọn ra các nội dung để chất vấn đi đến cùng, không đánh trống bỏ dùi.

Đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13. (Ảnh: Hoàng Long).

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến về Kế hoạch triển khai việc Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, diễn ra vào ngày 14/7. Trước vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 10, Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Chúng ta sẽ chọn ra các nội dung để chất vấn đi đến cùng, không đánh trống bỏ dùi.

Không đọc bài viết sẵn, tăng tranh luận

Cho ý kiến về kỳ họp thứ 9, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị, cần khắc phục việc đọc bài phát biểu viết sẵn của ĐBQH để làm tăng tính tranh luận. Bởi phiên họp nào có tranh luận thì phiên họp đó đều rất hay, cuốn hút. “Tôi đánh giá cao những ĐBQH phát biểu trực tiếp không đọc bài phát biểu viết sẵn. Tuy nhiên đáng tiếc là không phải phiên họp nào chúng ta cũng làm được điều này”-bà Mai bày tỏ quan điểm.

Trước vấn đề trả lời chất vấn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, việc trả lời chất vấn có nhiều vấn đề lặp đi lặp lại nhưng câu trả lời chưa rõ. Theo ông thì người trả lời chất vấn còn chưa nắm rõ thực trạng, hiệu quả và trách nhiệm trước các vấn đề mà trước đó ĐBQH chất vấn. Có trường hợp trả lời chất vấn rất hay, nhưng cuối cùng giải quyết vấn đề đó như thế nào thì không rõ.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, hoạt động chất vấn tuy tiếp tục được cải tiến nhưng vẫn còn hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, chú trọng nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của đại biểu và cử tri.

Theo ông Phúc, thời gian chất vấn còn ít so với nội dung, nhiều đại biểu chưa có thời gian đặt câu hỏi, thời gian trả lời chưa thỏa đáng. Một số đại biểu nêu câu hỏi chưa cô đọng, dài dòng, mang tính cung cấp thông tin, chất vấn chưa rõ về trách nhiệm, nghĩa vụ. Trả lời chất vấn của một số nội dung chưa đúng trọng tâm, đưa ra giải pháp còn chung chung, chưa cụ thể, chưa nêu bật được trách nhiệm trong lĩnh vực quản lý.

Chọn nội dung chất vấn để đi đến cùng

Cho ý kiến về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến tại kỳ họp này Quốc hội làm việc 28 ngày, khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào ngày 25/11.

Theo ông Phúc tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015. Đồng thời, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014.

Trước vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, kỳ họp thứ 10 sẽ đổi mới, chất vấn toàn bộ việc thực hiện Nghị quyết chất vấn từ kỳ họp thứ 2 đến kỳ họp thứ 9. Có thể sẽ chất vấn tổng thể, chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ chứ không chất vấn từng vị.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cần chọn khoảng 40-50 vấn đề từ đầu nhiệm kỳ đến nay để tập trung chất vấn xem từ khi được chất vấn đến thời điểm kỳ họp thứ 10 đã làm những gì? cái gì còn tồn tại? hướng giải quyết thế nào và trách nhiệm đến đâu? “Ví dụ như đảm bảo an toàn cho hồ đập thủy điện như thế nào? Làm thế nào để rà soát đảm bảo an toàn? Trồng rừng thay thế ra sao? Tái cơ cấu kinh tế đến giờ ra sao? Câu hỏi này phiên chất vấn nào cũng được đặt ra nhưng đến giờ vẫn chưa đâu vào đâu nên kỳ họp tới sẽ chất vấn xem việc thực hiện như thế nào? Đây là đổi mới, chúng ta sẽ chọn ra các nội dung để chất vấn đi đến cùng, không đánh trống bỏ dùi”- Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.

Giữ nguyên tiền lương, phụ cấp

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc thành lập Tòa án Nhân dân một số huyện, thị xã thuộc tỉnh; Tờ trình của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về chế độ phụ cấp lãnh đạo, quản lý; bổ sung biên chế, chế độ tiền lương và phụ cấp của chức danh pháp lý; chế độ cấp phát và sử dụng trang phục của Viện kiểm sát nhân dân; việc thành lập Viện Kiểm sát Nhân dân ở một số đơn vị hành chính cấp huyện vừa được chia tách, thành lập mới.

Trước vấn đề xin tăng thêm tiền lương và phụ cấp đối với các chức danh mới như: Kiểm sát viên cao cấp, thẩm phán cao cấp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Về chủ trương hiện nay chúng ta đang làm Đề án tổng thể về cải cách chế độ tiền lương nên không thể phá vỡ tiền lương trong hệ thống chính trị. Do vậy tiền lương và phụ cấp phải phù hợp với mặt bằng chung và chờ Đề án tổng thể chung để không phá vỡ mặt bằng chính sách.

Giải trình về vấn đề này, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Chế độ tiền lương và phụ cấp vẫn giữ như hiện hành, chỉ xin bổ sung đối với các chức danh mới được thành lập.

“Chúng tôi có đặt ra lương và phụ cấp của các chức danh mới cao hơn vì do chế độ đặc thù nên cao hơn ngạch thông thường. Vì vậy nên để Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Còn tiền lương tổng thể toàn ngành, Viện đã xây dựng và báo cáo với Bộ Nội vụ để trình ra mức tiền lương chung của ngành. Về biên chế thì ngành đã gửi Bộ Nội vụ và Chính phủ. Hiện biên chế vẫn như thế, không tăng thêm biên chế nào”-ông Bình cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Tiền lương, phụ cấp hiện chưa có Đề án tổng thể về cải cách chế độ tiền lương thì cần giữ nguyên như hiện hành. Những chức danh mới thì lấy mặt bằng hiện tại để áp dụng. Còn tất cả đều phải chờ theo Đề án chung.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Về bố trí sắp xếp biên chế thì cần áp dụng theo tổng biên chế đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, không tăng thêm biên chế. Còn phân bổ trong ngành như thế nào là do Viện trưởng và Chánh án quyết định. Lương, phụ cấp đối với những chức danh mới như: Kiểm sát viên cao cấp, thẩm phán cao cấp, điều tra viên cao cấp thì phải chờ Đề án chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chất vấn: Không đánh trống bỏ dùi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO