ChatGPT có thể là ‘lò’ phát tán tin giả

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật là chuyên gia nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào báo chí, hiện anh đang giữ vị trí Phó Tổng biên tập Báo điện tử VietnamPlus. Vừa qua, anh tham gia chương trình chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong báo chí, phối hợp giữa Cục Báo chí (Bộ TTTT) và Công ty Google.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật.  
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật.  

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ: “Thật ra với người làm báo, sử dụng chatbot nói riêng hay trí tuệ nhân tạo (AI) nói chung không còn là điều mới mẻ. Trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng trong mọi công đoạn của hoạt động sản xuất báo chí, từ thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cho tới viết bài hay phân phối tin tức.

Chẳng nói đâu xa, sản phẩm chatbot của Báo điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) đã từng đạt giải thưởng của Hiệp hội các hãng thông tấn châu Á OANA cách đây vài năm.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, ChatGPT vượt trội hơn so với các thế hệ chatbot trước đây. Và sở dĩ nó gây hiệu ứng lớn là vì bất cứ ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng ChatGPT, chưa kể những hiệu ứng truyền thông trên nền tảng mạng xã hội  được chống lưng bởi những người rất giỏi “thổi” vấn đề như Elon Musk”.

Theo nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, hiện nay, nhiều chuyên gia đang lo ngại ChatGPT có thể là “lò” phát tán tin giả, trong khi tin giả vẫn được coi là một trong những thách thức lớn nhất của kỷ nguyên số: “Ngay từ năm 2019, Hiệp hội Báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới WAN-IFRA đã đưa ra những cảnh báo về việc các ứng dụng AI có thể làm trầm trọng thêm vấn đề lan truyền tin giả, chẳng hạn như các video sử dụng công nghệ deepfake. Rồi giờ thì bất cứ ai cũng có thể vô tình trở thành người phát tán những thông tin sai lệch khi lan truyền các câu trả lời mà ChatGPT cung cấp.

Chuyên gia Francesco Marconi, tác giả của cuốn sách “Trí tuệ nhân tạo và tương lai của báo chí” từng đưa ra nhận định rằng: “AI do con người tạo ra nên nó cũng có thể mắc sai sót. Và các sai sót đó thường xuất phát từ các sai lệch trong việc thiết kế các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo, cũng như từ các dữ liệu được sử dụng để huấn luyện nó. Nghĩa là đầu vào sẽ quyết định đầu ra.”

Từ những vấn đề đó, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật nhận định, chúng ta cần cẩn trọng với những hệ luỵ từ việc lạm dụng trí tuệ nhân tạo, song không vì thế mà chúng ta quay lưng lại với nó: “Trên thực tế, AI không hề lấy mất việc của các nhà báo như nhiều người từng lo ngại, mà trái lại, nó tạo ra nhiều việc làm hơn, đồng thời góp phần tạo ra nhiều sản phẩm báo chí mới mẻ, tăng cường trải nghiệm cho người dùng.

Tôi lấy một ví dụ, trước đây các tòa soạn nhỏ thường gặp nhiều khó khăn khi triển khai các sản phẩm báo chí đa phương tiện, vì phải đứng trước bài toán về nhân lực cũng như vật lực. Nhưng giờ đây, nhờ có trí tuệ nhân tạo, người ta dễ dàng sản xuất các bản tin video, bản tin podcast đầy hấp dẫn, chỉ với 1 - 2 biên tập viên nhờ vào các ứng dụng AI với chi phí cực thấp. Các phóng viên cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian khi đi tác nghiệp, chẳng hạn như việc bóc băng, chỉnh sửa ảnh, dựng video. Một khi những công đoạn đó được rút ngắn, chúng ta có thể dành thời gian cho những sản phẩm báo chí sáng tạo hơn trước.

Tôi vẫn cho rằng dù AI có “viết bài” hay đến thế nào đi chăng nữa thì nó cũng không thể thay thế được trí óc của con người, ít nhất ở khía cạnh cảm xúc. Nhưng cũng phải thừa nhận, ChatGPT hầu như không sai chính tả, ngữ pháp, văn phong đều ổn vì nó được huấn luyện quá tốt.

Tôi cũng đã từng thử cho một sinh viên thực tập (loại khá) biên dịch một bài báo thời sự tiếng Anh và đem so sánh với bản dịch của Google Translate thì thấy rằng máy còn dịch tốt hơn con người. Dĩ nhiên đó cũng chỉ là trường hợp cá biệt và tôi không có ý quá đề cao AI khi đem so với lao động trí óc của con người”.

Theo quan điểm của nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, nhiều người cảm thấy hào hứng khi sử dụng AI, nhưng cá nhân anh lại cảm thấy băn khoăn: “Chúng ta cũng chưa lường trước được nó sẽ đi xa đến đâu nữa, liệu có vượt ngoài tầm kiểm soát hay không. Nhưng việc soạn thảo các hành lang pháp lý, vạch ra những lằn ranh rõ ràng về mặt đạo đức là điều vô cùng cần thiết. Dĩ nhiên chúng ta cần tỉnh táo để đón đầu những ngọn sóng công nghệ đang ùa tới”.

Tin liên quan

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Điện ảnh dẫn lối cho du lịch

Điện ảnh dẫn lối cho du lịch

Ở các nước có nền điện ảnh phát triển, sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch đã mang lại những hiệu quả bất ngờ.
Đi tìm cội nguồn múa sạp

Đi tìm cội nguồn múa sạp

Tại Việt Nam, điệu múa dân gian nổi tiếng nhất, phổ biến nhất chắc chắn là múa sạp. Múa sạp một thời được nhiều người tin có gốc Mường.
Văn học trong kỷ nguyên số

Văn học trong kỷ nguyên số

Với sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới và công nghệ mới, những thay đổi lớn đã diễn ra trong cách sáng tác và đọc văn học.
Những mùa rau muống

Những mùa rau muống

Ở làng ngày ấy, có lẽ, không nhà nào có nhiều ao ruộng rau muống như nhà tôi.

Tin nóng

Bỗng nhớ… Sơn Nam

Bỗng nhớ… Sơn Nam

Tháng trước, một người bạn gửi tặng tôi cuốn “Hương rừng Cà Mau” của nhà văn Sơn Nam. Đó là bản in kỷ niệm 60 năm tác phẩm “Hương rừng Cà Mau” lần đầu ra mắt.

Xem nhiều nhất