Châu Âu không kiệt sức

Thanh Đức 20/12/2021 06:30

Lễ Giáng sinh đã đến gần. Nhưng trước sự hoành hành của biến thể Delta cộng với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, nhiều quốc gia buộc phải hạn chế các hoạt động đón Giáng sinh cũng như đón năm mới 2022.

Tại Pháp, người ta đang phải đối mặt với bài toán dịch bệnh khi cùng một lúc biến thể Delta và biến thể Omicron tấn công. Chính quyền sở tại cho biết, ước tính đến Giáng sinh sẽ có tới 4.000 bệnh nhân Covid-19 phải điều trị hồi sức tích cực.

Ruxandra Divan, bác sĩ gây mê Khoa hồi sức tích cực tại một bệnh viện nhỏ ở thành phố Colmar (Pháp) cho biết, ở khoa này tất cả 13 giường bệnh đều đã có bệnh nhân Covid-19. Trong số này, 11 trường hợp chưa được tiêm phòng. Tất cả đều còn khá trẻ và hiện đều phải đặt nội khí quản.

“Chúng tôi làm việc trong điều kiện khó khăn vì nhiều người trong lực lượng y tế nghỉ ốm, cũng có người bỏ việc, nhiều người ở lại thì rơi vào tình trạng kiệt sức và kiệt quệ về tinh thần. Chúng tôi thực sự mệt mỏi. Xin mọi người hãy đi tiêm chủng, để giúp chúng tôi, cũng là để giúp chính các bạn và những người khác nữa” - bác sĩ Ruxandra nói.

Cũng không riêng gì bệnh viện này mà nhìn chung hệ thống y tế trên khắp nước Pháp đang phải chịu đựng sự căng thẳng chồng chất sau gần 2 năm đại dịch. Tỷ lệ lây nhiễm tăng cao khi Delta quay trở lại cùng với sự xuất hiện của biến thể Omicron tiếp tục đẩy các bệnh viện vào tình trạng quá tải. Ngày cao điểm nhất của đợt dịch này Pháp đã ghi nhận tới 63.000 người dương tính với SARS-CoV-2.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế lại cảnh báo, biến thể Omicron có thể sẽ trở thành chủng lây nhiễm chủ đạo tại châu Âu vào tháng 1 tới. Theo bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, trong vòng 10 ngày qua, cứ sau 2 - 3 ngày, số ca mắc mới lại tăng gấp đôi. Với tốc độ này, đến giữa tháng 1/2022, chủng lây nhiễm chính tại châu Âu sẽ là Omicron.

“Tuy nhiên, chúng ta luôn có đủ vaccine với khoảng 300 triệu liều mỗi tháng. Vì thế số ca bệnh nặng cũng sẽ được kìm chế. Châu Âu sẽ không kiệt sức” - bà Leyen nói đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ làm mọi thứ có thể để khắc phục tình trạng hoài nghi vaccine, bởi cái giá chúng ta phải trả sẽ rất cao nếu vẫn còn nhiều người không tiêm chủng “.

Nhưng dẫu vậy thì các biện pháp phòng ngừa khác vẫn hết sức cần thiết. Các nước EU đang thực hiện nhiều bước để chống lại, hoặc ít nhất là làm chậm sóng lây nhiễm do Omicron. Italy đã áp đặt quy tắc mới yêu cầu tất cả du khách, trong đó có những người đến từ các quốc gia EU khác, phải xuất trình xét nghiệm âm tính với Covid-19 trước khi nhập cảnh. Phần Lan cũng đang có kế hoạch thắt chặt quy định đi lại, yêu cầu người từ bên ngoài khối phải xuất trình xét nghiệm âm tính. Còn Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã gọi biến thể Omicron là “tình huống nghiêm trọng”.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu, 25 quốc gia châu lục này đã ghi nhận ca nhiễm Omicron. Phân tích sơ bộ về các ca ban đầu cho thấy khoảng 70% trong số đó được ghi nhận trong nước, không liên quan đi lại từ châu Phi, nơi biến chủng mới lần đầu được xác định.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, biến thể Omicron tấn công nhiều vào người trẻ, vì thế các nước đã đẩy mạnh việc tiêm vaccine cho trẻ em. Tại Madrid (Tây Ban Nha), các bậc cha mẹ xếp hàng dài trước cổng các bệnh viện chờ con mình đến lượt tiêm. Tương tự, tại Roma (Italy), các điểm tiêm chủng cho trẻ em cũng rất đông người đến tiêm. Các em từ 5-11 tuổi được tiêm vaccine Pfizer/Biontech với liều bằng 1/3 so với người lớn. Lọ vaccine dành cho đối tượng trẻ em có nắp màu cam để phân biệt với loại nắp tím dành cho người nhiều tuổi hơn.

Kế hoạch tiêm chủng cho trẻ em 5 -11 tuổi cũng được triển khai tại Đức, Hy Lạp và Hungary... sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu thông qua việc sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho nhóm trẻ này.

Còn theo tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu thì hiện số ca mắc Covid-19 đã tăng ở tất cả các nhóm độ tuổi với tỷ lệ cao nhất nằm trong nhóm các em từ 4-15 tuổi, cao gấp 2 - 3 lần so với tỷ lệ ở trung bình. Ông Kluge nhận định, việc lây nhiễm ở trẻ em tăng 2 - 3 lần so với tỷ lệ lây nhiễm trung bình trong dân số đã không còn là diễn biến bất thường như nhiều người nghĩ. Vì thế, trẻ em cũng cần phải được tiêm phòng trước khi quá muộn.

Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - bà Maria Van Kerkhove - cho rằng thế giới có đủ công cụ để chiến thắng hoàn toàn đại dịch Covid-19 trong năm 2022. “2022 là năm chúng ta có thể kết thúc đại dịch Covid-19. Hiện chúng ta đã có các công cụ. Chúng ta có thể khiến Covid-19 không còn gây chết chóc nữa”- bà Kerkhove nói. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của biến thể Omicron, đại diện WHO vẫn tiếp tục khuyến cáo các nước cần nhanh chóng có hành động để hạn chế sự lây lan, bảo vệ hệ thống y tế, tránh tâm lý chủ quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu không kiệt sức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO