Châu Âu lâm khủng hoảng khí đốt: Nga có lỗi?

Hà Anh (theo AP) 18/11/2021 14:10

Moscow đang bị cáo buộc lợi dụng tình hình khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng đang diễn ra ở châu Âu, đặc biệt là khi mùa đông lạnh giá đang đến gần, để thúc đẩy việc khởi động nhanh đường ống mới được xây dựng của Nga dưới Biển Baltic: Nord Stream 2. Dự án đang chờ các cơ quan quản lý của Đức phê duyệt và đã bị Ukraine, Mỹ và cùng nhiều nước châu Âu khác chỉ trích. Tuy nhiên cần xem xét nhiều yếu tố để làm rõ vấn đề này.

Tòa tháp Trung tâm Lakhta đang được xây dựng, trụ sở của Tập đoàn khí đốt Gazprom ở St.Petersburg, Nga.

Châu Âu đang thiếu khí đốt tự nhiên, tình trạng thiếu hụt được đánh giá là nguy hiểm. Một mùa đông lạnh giá có thể đồng nghĩa với một đợt khủng hoảng nghiêm trọng với các hóa đơn tiền điện tăng cao, tạo gánh nặng cho người dân và đè nặng lên sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hứa sẽ lấp đầy các kho dự trữ khí đốt của châu Âu kể cả khi giá năng lượng tăng cao - nhưng tình trạng thiếu hụt nguồn cung và căng thẳng chính trị đã tiếp tục làm chao đảo thị trường năng lượng, khiến giá năng lượng luôn ở mức cao.

Điều đó đã gây sức ép với các doanh nghiệp và buộc họ phải tính vào chi phí cho những khách hàng đang phải đối mặt với các hóa đơn cao hơn trong nước.

Trước tình thế này, Moscow bị cáo buộc lợi dụng tình hình biến động để thúc đẩy việc khởi động nhanh đường ống mới được xây dựng của Nga dưới Biển Baltic: Nord Stream 2, dự án đang chờ các cơ quan quản lý của Đức phê duyệt và đã bị Ukraine, Mỹ và các nước châu Âu khác chỉ trích.

Với việc châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt nhập khẩu và Nga cung cấp từ 40% trở lên trong số hàng nhập khẩu đó, thì Tổng thống Putin được cho là có “động cơ”.

Trong khi đó, ông Putin cho biết, đường ống mới đã được chứa đầy khí đốt và có thể ngay lập tức tăng nguồn cung cho châu Âu khi đường ống Nord Stream 2 được phê duyệt.

Các kỹ sư của FGSZ Ltd, công ty vận chuyển khí đốt tự nhiên của Hungary, vặn van một đường ống dẫn khí đốt chuyển tiếp khí đốt tự nhiên từ các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất đến thủ đô của đất nước tại một trạm tiếp nhận khí đốt ở Vecses, Hungary.

Tại sao châu Âu thiếu năng lượng?

Có rất nhiều lý do khiến châu Âu rơi vào tình trạng hiện nay. Trước tiên là việc nguồn năng lượng dự trữ thường được bổ sung vào mùa hè tại châu Âu đã không có trong năm nay, trong khi mùa đông lạnh giá làm cạn kiệt lượng khí dự trữ, được sử dụng để tạo ra năng lượng điện.

Bên cạnh đó, thời tiết nắng nóng khiến lượng tiêu hao khí gas nhiều hơn bình thường do nhu cầu sử dụng máy lạnh tăng. Ít gió hơn có nghĩa là ít điện tái tạo hơn, dẫn đến việc các máy phát điện hao tốn nhiên liệu khí đốt.

Thứ nữa, việc các quốc gia châu Á đang săn đón, chấp nhận lựa chọn phương án tốn kém hơn để nhập khẩu khí đốt bằng đường biển thay vì đường ống cũng khiến nguồn cung cho châu Âu bị giảm sút.

Nhưng trên hết các lý do, châu Âu trong nhiều năm luôn thúc đẩy việc định giá theo ngày, thay vì các thỏa thuận dài hạn. Trong khi đó, Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga chỉ thực hiện các thỏa thuận dài hạn của họ và không bơm thêm khí đốt vượt quá mức đó.

Tổng thống Putin cho biết, những khách hàng có thỏa thuận dài hạn phải trả tiền khí đốt ít hơn nhiều so với những khách hàng khác.

So với đầu năm nay, giá khí đốt trong tháng 10 đã cao hơn 7 lần và gần đây đã giảm xuống chỉ cao hơn khoảng 4 lần.

Đường ống dẫn khí Nord Stream của Nga trong lễ khởi công xây dựng ở Vịnh Portovaya, cách St.Petersburg, Nga.

Nord Stream 2 có thể khởi động?

Tập đoàn Gazprom đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc xây dựng đường ống dài 1.234 km (765 dặm) tới Đức. Nó sẽ cho phép Nga bán khí đốt trực tiếp cho một khách hàng lớn và vô hiệu hóa một đường ống dẫn qua Ukraine, vốn đã phải đối mặt với áp lực không ngừng từ Nga sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Ngay cả trước khi xảy ra các cuộc chiến năm 2014, Moscow đã thực hiện các nỗ lực đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu.

Nếu Nord Stream 2 được phê duyệt, Ukraine sẽ mất 2 tỷ USD phí vận chuyển hàng năm. Nước này và Ba Lan - nước cũng có một đường ống dẫn khí chạy qua nhưng giờ không còn hoạt động - đang phản đối gay gắt Nord Stream 2. Mỹ và một số quốc gia khác cũng đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ và cảnh báo rằng, dự án này sẽ làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, ông hy vọng "các nước châu Âu khác có thể nhận ra rằng họ sắp phải lựa chọn giữa việc được cung cấp ngày càng nhiều khí đốt từ Nga thông qua các đường ống khổng lồ hoặc gắn bó với Ukraine và ủng hộ sự nghiệp hòa bình, ổn định".

Một số nhà phân tích cho biết, họ không mong đợi Nord Stream 2 sẽ đi vào hoạt động vào mùa đông này, mặc dù đã có suy đoán, châu Âu có thể cho phép dòng khí bắt đầu chảy trong khi các nhà quản lý vẫn cân nhắc việc gửi nhiều khí đốt hơn qua Ukraine.

Đường ống Nord Stream 2.

Nga có sẵn sàng cung cấp khí đốt?

Theo Gazprom thì là không. Elena Burmistrova, người đứng đầu chi nhánh xuất khẩu của tập đoàn cho biết: “Chúng tôi không quan tâm đến việc giá khí đốt thấp kỷ lục hay cao kỷ lục. Chúng tôi muốn thấy một thị trường cân bằng và có thể dự đoán được”.

Ít nhất một số nhà phân tích đã đồng ý với ý kiến này.

Ông Thomas O’Donnell, một nhà phân tích năng lượng và địa chính trị tại trường Đại học Hertie School ở Berlin, cho rằng, bản thân Nga cũng phải lấp đầy kho dự trữ khí đốt của chính mình - giống như EU - sau một mùa đông lạnh giá.

“Có một thực tế trần trụi là Nga không thể xuất khẩu khí đốt cho đến khi nước này hoàn thành việc lấp đầy kho dự trữ khí đốt của mình”, ông O’Donnell nói.

Ông O’Donnell cho biết, cách duy nhất để châu Âu được bù đắp lượng khí đốt thiếu hụt trong mùa đông này là Nga bơm thêm khí đốt qua Ukraine, tất nhiên là trong trường hợp Gazprom sẵn sàng làm điều đó.

Tổng thống Putin đã cho phép Gazprom bơm khí đốt vào kho chứa ở châu Âu sau khi Nga hoàn tất việc nạp khí vào tuần trước, nhưng “số lượng chỉcó hạn”. "Ông ấy (Tổng thống Putin) có thể làm được nhiều hơn thế nữa", ông O’Donnell nói.

Các quan chức Mỹ đồng ý với điều này.

“Nga có thể và nên cung cấp thêm nguồn cung cấp thông qua Ukraine, quốc gia có đủ năng lực đường ống. Và nếu Nga không làm được điều đó, rõ ràng điều đó sẽ gây tổn hại đến an ninh năng lượng của châu Âu và đặt ra câu hỏi về động cơ của Nga khi giữ lại những nguồn cung cấp đó”, bà Karen Donfried, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Âu, cho biết vào tuần trước.

Bằng cách nhấn mạnh sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga, Tổng thống Putin và Gazprom có ​​thể hy vọng vào sự khoan nhượng hơn về quy tắc thị trường của EU đối với Nord Stream 2, bà Donfried cho biết.

Nord Stream 2 đã bị trì hoãn vào ngày 16/11 khi các cơ quan quản lý của Đức đình chỉ quá trình phê duyệt do có vấn đề với tình trạng của nhà điều hành đường ống theo luật pháp của Đức.

Trạm đường ống dẫn khí đốt tự nhiên ở làng Primda, miền Tây Cộng hòa Séc.

Mùa đông châu Âu sẽ đi đến đâu?

Giá khí đốt tự nhiên sớm hay muộn sẽ được phản ánh trong chi phí điện và khí đốt của các hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh.

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, cho biết, chi phí năng lượng tăng theo chiều xoắn ốc là lực cản đối với sự phục hồi sau đại dịch vì các hóa đơn đắt đỏ hơn sẽ lấy đi của người tiêu dùng tiền chi tiêu cũng như đầu tư kinh doanh.

Các nhà phân tích cho rằng, rất khó để dự đoán về mùa đông sắp tới tại châu Âu. Mọi người đều hy vọng sẽ không có một cơn bão lớn cuối mùa đông đe dọa nguồn cung cấp nhiên liệu đang cạn kiệt.

Các nhà phân tích đã suy đoán, nguồn cung điện có thể được phân bổ nếu mọi thứ trở nên thực sự tồi tệ. Một “ngày tận thế” năng lượng có thể sẽ gây ra cái chết cho những người nghèo và dễ bị tổn thương, giống như những gì đã xảy ra ở Texas năm nay.

Các nhà phân tích đánh giá: “Các quyết định được đưa ra ở Moscow, không phải ở Minsk. Tổng thống Belarus Lukashenko muốn khiến EU sợ hãi và lôi kéo Tổng thống Putin vào cuộc đối đầu, cố gắng kích động Điện Kremlin thực hiện một hành động cấp tiến hơn”.

Ba Lan và các quốc gia EU khác đã cáo buộc Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko là độc tài khi sử dụng những người di cư cố gắng đến EU qua biên giới của Belarus với Ba Lan như những con tốt để trả thù cho các lệnh trừng phạt mà chính phủ của ông phải nhận do đàn áp các cuộc biểu tình.

Với việc EU đe dọa sẽ có thêm các biện pháp trừng phạt, Tổng thống Lukashenko đã đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu đi qua một đường ống ở Belarus.

Mặc dù tuyên bố của ông ấy tiếp tục gây chấn động thị trường, nhưng không chắc ông Lukashenko có thể thực hiện được lời đe dọa của mình, do sự phụ thuộc chính trị của ông ấy vào Nga và mong muốn duy trì danh tiếng của một nhà cung cấp đáng tin cậy của Moscow.

Ông Valery Karbalevich, một nhà phân tích chính trị độc lập người Belarus, đã bác bỏ lời đe dọa của ông Lukashenko và cho đây chỉ là cách tung hỏa mù.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu lâm khủng hoảng khí đốt: Nga có lỗi?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO