Châu Âu vượt lạm phát

Hà Anh 16/02/2023 06:36

Để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra, chính phủ các nước châu Âu đã không ngần ngại chi mạnh tay để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua “cơn bão” lạm phát giá cả. Tin vui là dự báo tăng trưởng của khu vực đã tăng so với những tháng cuối cùng của năm 2022.

Nền kinh tế châu Âu đang đón nhận tín hiệu lạc quan. Ảnh: Reuters.

Chi mạnh tay

Các nước châu Âu đã dành 800 tỷ euro nhằm bảo vệ các hộ gia đình và doanh nghiệp khỏi chi phí năng lượng tăng vọt. Không dừng ở đó, họ tiếp tục thúc giục các nước có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo phân tích của tổ chức tư vấn Bruegel, hiện các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã dành hoặc phân bổ 681 tỷ euro để ngăn tăng tốc khủng hoảng năng lượng. Trong đó, Anh phân bổ 103 tỷ euro và Na Uy là 8,1 tỷ euro kể từ tháng 9/2021.

Hiện nay, tổng số tiền đã lên đến 792 tỷ euro so với 706 tỷ euro trong đánh giá cuối cùng của Bruegel vào tháng 11/2021, khi các quốc gia tiếp tục trải qua mùa đông lạnh giá trong bối cảnh Nga cắt hầu hết việc cung cấp khí đốt cho châu Âu trong năm 2022.

Đức đứng đầu bảng xếp hạng chi tiêu khi phân bổ gần 270 tỷ euro - một khoản tiền vượt trội so với tất cả các quốc gia khác. Anh, Italy và Pháp là những nước có mức chi cao tiếp theo, mặc dù mỗi nước chi chưa đến 150 tỷ euro. Hầu hết các quốc gia EU đã chi một phần nhỏ trong tổng số tiền gần 800 tỷ euro. Như vậy, tính bình quân đầu người, Luxembourg, Đan Mạch và Đức là những nước chi tiêu nhiều nhất.

Khoản chi tiêu mà các quốc gia dành cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện ngang bằng với quỹ phục hồi Covid-19 trị giá 750 tỷ euro của EU.

Bản cập nhật chi tiêu năng lượng được đưa ra khi các quốc gia tranh luận về các đề xuất của EU nhằm nới lỏng hơn nữa các quy tắc viện trợ của chính phủ cho các dự án công nghệ xanh, khi châu Âu tìm cách cạnh tranh với các khoản trợ cấp ở Mỹ và Trung Quốc. Những kế hoạch đó đã làm dấy lên mối lo ngại ở một số thủ đô của EU rằng, việc khuyến khích viện trợ từ chính phủ nhiều hơn sẽ làm xáo trộn thị trường nội bộ của khối. Đức đã phải đối mặt với những lời chỉ trích về gói viện trợ năng lượng khổng lồ của mình, vượt xa những gì các quốc gia EU khác có thể chi trả.

Tổ chức tư vấn Bruegel cho biết, các chính phủ đã tập trung hầu hết sự hỗ trợ vào các biện pháp phi mục tiêu nhằm hạn chế giá bán lẻ mà người tiêu dùng phải trả cho năng lượng, chẳng hạn như cắt giảm thuế VAT đối với xăng dầu hoặc trần giá điện bán lẻ. Theo tổ chức tư vấn, động lực đó cần phải thay đổi, vì các bang đang cạn kiệt không gian tài khóa để duy trì nguồn tài trợ rộng rãi như vậy.

Nhà nghiên cứu Giovanni Sgaravatti cho biết: “Thay vì các biện pháp giảm giá thực chất là trợ cấp nhiên liệu hóa thạch, giờ đây các chính phủ nên thúc đẩy nhiều chính sách hỗ trợ thu nhập hơn nhắm vào hai nhóm thu nhập thấp nhất trong phân phối thu nhập và hướng tới các lĩnh vực chiến lược của nền kinh tế”.

Kỳ vọng lạm phát giảm

Theo dự báo của Ủy ban châu Âu (EC), kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm 2023 sẽ tăng trưởng cao hơn dự báo đưa ra trước đó khi cuộc khủng hoảng năng lượng có dấu hiệu lắng dịu và kinh tế khu vực Eurozone tránh được kịch bản suy thoái trong mùa Đông. Tuy nhiên, EC cũng cảnh báo, giá cả neo cao sẽ tiếp tục gây khó khăn cho người tiêu dùng và kìm hãm nền kinh tế trong nhiều tháng tới.

Báo cáo của EC công bố hôm 14/2 cho biết, những tín hiệu kinh tế tích cực đã giúp Eurozone vượt qua giai đoạn căng thẳng nhất do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Tăng trưởng của 20 nước thành viên Erozone dự báo sẽ đạt 0,9% trong năm 2023 thay vì mức 0,3% dự báo trước đó.

Lạm phát cũng được dự báo sẽ giảm hơn so với thời điểm xung đột nổ ra, đẩy giá xăng dầu và khí đốt “phi mã” hồi năm ngoái. EC cho biết: “Việc tiếp tục đa dạng hóa các nguồn cung và mức tiêu thụ giảm mạnh đã khiến dự trữ khí đốt cao hơn mức trung bình theo mùa của những năm trước và giá khí đốt đã giảm xuống dưới mức trước khi xảy ra xung đột”. Bên cạnh đó, thị trường lao động EU tiếp tục có nhiều dấu hiệu tích cực.

Lạm phát ở Eurozone được dự báo tăng lên 5,6% trong năm nay. Theo EC, đỉnh lạm phát dường như đã đi qua sau khi chạm mức kỷ lục 10,6% trong tháng 10/2023.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các ngân hàng trên khắp thế giới đã tung ra hàng loạt đợt tăng lãi suất vào năm ngoái trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, EC cảnh báo rằng: “Những cơn gió ngược về kinh tế vẫn còn mạnh”. Người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với chi phí năng lượng cao và lạm phát cơ bản (lạm phát toàn phần không bao gồm năng lượng và thực phẩm chưa chế biến) vẫn tăng trong tháng 1/2023. Theo báo cáo của EC, khi áp lực lạm phát vẫn còn, việc thắt chặt tiền tệ sẽ tiếp tục, gây áp lực lên hoạt động kinh doanh và gây trở ngại cho đầu tư.

Theo báo cáo của EC, nhu cầu nội khối có thể tăng cao hơn dự báo nếu giá khí đốt giảm gần đây tác động đến giá tiêu dùng mạnh hơn và tiêu dùng chứng minh được khả năng phục hồi tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn không thể loại trừ khả năng đảo ngược xu hướng này trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa chấm dứt.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết, về tổng thể, nền kinh tế đã chứng tỏ khả năng phục hồi tốt hơn dự báo, nhưng ECB có thể duy trì lộ trình tăng lãi suất vào tháng 3 tới. Nhiều dấu hiệu cho thấy, khu vực Eurozone có thể đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cú sốc kinh tế, với lạm phát chậm lại từ mức đỉnh trong tháng 10/2022 và đạt tăng trưởng vào cuối năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Âu vượt lạm phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO