Châu Phi 'hút' bác sĩ trở về

Hà Anh 26/01/2022 12:01

Trong đại dịch, Vương quốc Anh và các quốc gia giàu có khác đã dựa vào lực lượng bác sĩ và y tá người châu Phi để tăng cường các dịch vụ y tế của họ. Giờ đây, châu Phi lại hy vọng có thể đảo ngược tình trạng “chảy máu” chất xám bằng một kế hoạch thuyết phục người châu Phi ở nước ngoài quay trở lại.

Bệnh nhân Covid-19 được chăm sóc tại một bệnh viện ở Nam Phi. Ảnh: Reuters

Nhu cầu cấp bách

Tiến sĩ John Nkengasong- người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi), cho biết, khu vực này đang lên kế hoạch cho một chương trình thu hút các nhà khoa học, bác sĩ và y tá từ nước ngoài trở về cộng đồng. Theo ông Nkengasong, cần có các bác sĩ và y tá để tăng cường ứng phó với đại dịch tại địa phương

“Các nhà lãnh đạo của lục địa phải đầu tư vào việc tăng cường hệ thống y tế. Chúng tôi cần một chương trình được bàn thảo kỹ lưỡng để tạo điều kiện cho người châu Phi ở hải ngoại quay trở lại lục địa và thực hiện một cuộc luân chuyển”- ông Nkengasong nói trong một cuộc phỏng vấn với Observer.

“Một người Ghana hoặc Nigeria ở London không thể chỉ nghĩ đơn giản rằng tôi sẽ đến Nigeria trong một năm. Người đó cần có chỗ ở, phương tiện đi lại cơ bản. Họ cần được gắn trách nhiệm và có công việc”.

Theo ông Nkengasong, CDC châu Phi sẽ sớm trình Ủy ban Liên minh châu Phi một gói các biện pháp để tạo ra một hiệp ước y tế khu vực nhằm điều chỉnh ứng phó với đại dịch, trong đó sẽ bao gồm cả việc hỗ trợ cho các nhân sự đang ở nước ngoài.

Nghiên cứu của thư viện Hạ viện Anh vào năm ngoái cho thấy, 2,5% trong số 1,35 triệu nhân viên của Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) England là người châu Phi. Tỷ lệ lớn nhất là 10.494 người từ Nigeria, 4.780 người từ Zimbabwe, 3.395 người từ Ghana và 2.895 người từ Ai Cập. Theo ông Abba Moro- Thượng nghị sĩ Nigeria, nước này có khoảng 72.000 bác sĩ đã đăng ký, nhưng chỉ có 35.000 người hành nghề trong nước vào năm 2021.

CDC Châu Phi đã thành lập 7 nhóm làm việc, cho phép các bác sĩ và nhà khoa học làm việc ở các nước giàu hơn thường xuyên đưa ra lời khuyên từ xa. Ông Nkengasong nói: “Phương pháp này cực kỳ hữu ích trong đại dịch. Chúng tôi cần chính thức hóa nó và tạo điều kiện cho việc quay trở lại lục địa của đội ngũ y, bác sĩ và nhà khoa học để hỗ trợ nhu cầu của người dân ở châu Phi”.

Tiến sĩ Nkengasong cho biết, châu Phi dường như ít bị hoành hành bởi Covid-19 và các biến thể của nó hơn các lục địa khác. Khoảng 10 triệu người đã bị nhiễm bệnh và khoảng 220.000 người đã chết, nhưng đó có lẽ là một con số quá thấp.

“Đó là mức tương đối thấp đối với lục địa 1,3 tỷ dân. Chúng tôi đã thấy Ấn Độ bị Covid-19 áp đảo vào tháng 5/2021. Nhưng ở châu Phi, chưa từng có người nào chết trên đường phố”- Tiến sĩ Nkengasong nói.

Điều này đặt ra một câu hỏi lớn rằng, tại sao châu Phi có nhiều người bị nhiễm bệnh hơn, nhưng lại không có nhiều trường hợp tử vong? Đây là vấn đề cần được nghiên cứu để làm rõ xem có bao nhiêu người chết mà chúng ta không biết. “Chúng tôi phải chuẩn bị thật tốt để đối phó với các biến thể tiếp theo, khó khăn hơn những gì chúng tôi đang đối phó”.

Sẵn sàng nguồn lực

CDC châu Phi đã có công trong việc tạo ra mạng lưới phòng thí nghiệm Sentinel để theo dõi virus bằng cách sử dụng giải trình tự bộ gen dẫn đến việc phát hiện ra biến thể Omicron ở Botswana vào tháng 11/2021.

Ông Nkengasong nói: “Chúng tôi có sẵn cơ sở hạ tầng để phát hiện sớm, ngăn chặn và ứng phó. Hãy đến Tây Phi, có rất nhiều tài sản y tế công cộng ở đó. Viện Nghiên cứu Y khoa Noguchi ở Nigeria là một cơ sở hiện đại. Viện Pasteur ở Cote d’Ivoire, Viện Pasteur ở Senegal, Hội đồng Nghiên cứu Y khoa ở Gambia, tuy nhiên họ không liên kết với nhau. Khái niệm chung của mạng lưới y tế công cộng mới này là sử dụng càng nhiều tiềm lực trong khu vực càng tốt”.

Ông Nkengasong chia sẻ, vào năm 2018, ông đã được các quan chức y tế công cộng ở Sierra Leone cho biết về một trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa ở khỉ, họ muốn nhờ tìm một người nào đó tại CDC Mỹ để xét nghiệm căn bệnh này. “Tôi đã nói không, nếu bạn gửi cái đó cho Cote d’Ivoire, tôi biết họ có sẵn những điều kiện cần thiết để giúp bạn làm điều đó”- ông Nkengasong nói và thêm rằng, có một “lối mòn” đã quá phổ biến trong suy nghĩ của người châu Phi, luôn cần sự giúp đỡ từ các quốc gia giàu có hơn ở phương Tây. “Mọi người coi lục địa là một nơi đến để thực hiện một vài dự án, thu thập dữ liệu, phát hành nó, thực hiện một vài thử nghiệm lâm sàng và rời đi. Điều này không giống như một hoạt động vì sức khỏe toàn cầu. Nó phải là một quan hệ đối tác bình đẳng”.

Vẫn theo ông Nkengasong, đại dịch đã cho thấy một ví dụ về giới hạn của sự trợ giúp từ phương Tây thông qua chương trình WHO’s Covax. Liên minh Gavi, đơn vị chỉ đạo chương trình, đã cam kết cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho 144 quốc gia nghèo hơn vào năm 2021, nhưng đến nay mới chỉ cung cấp được khoảng 900 triệu liều. Đầu tháng này, các quốc gia nghèo hơn đã từ chối 100 triệu liều vaccine sắp hết hạn sử dụng. Đã có những cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu các nước phương Tây có tích trữ vaccine hay không?.

“Covax đại diện cho các cơ chế hợp tác toàn cầu tốt nhất, nhưng hãy nhìn vào những gì đã xảy ra. Đó là một ví dụ điển hình về việc ý định tốt không phù hợp với thực tế”, ông Nkengasong nói và lưu ý rằng, các nước châu Phi đã không được tiêm vaccine cùng lúc với các khu vực khác.

“Cuối cùng chúng tôi cũng tự hành động, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nam Phi Ramaphosa, chúng tôi đã thành lập Nhóm đặc nhiệm thu mua vaccine châu Phi và đã thu mua được 400 triệu liều vaccine của Johnson & Johnson”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Phi 'hút' bác sĩ trở về

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO