Châu Phi và tương lai thoát khỏi đại dịch

Hà Anh 12/02/2022 08:58

Dù sự xuất hiện của biến thể có khả năng lây lan nhanh chóng Omicron đang làm nhiều nước và khu vực phải đau đầu nghĩ cách ứng phó, nhưng WHO vẫn đưa ra những nhận định khá lạc quan về tương lai của đại dịch, đặc biệt tại châu Phi.

Châu Phi được đánh giá là đang thoát khỏi giai đoạn đại dịch bùng phát. Ảnh: Reuters

Dấu hiệu khả quan

Tiến sĩ Matshidiso Moeti, người đứng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi, cho biết, châu Phi đang thoát khỏi giai đoạn đại dịch bùng phát và tiến tới giai đoạn kiểm soát virus lâu dài.

“Đại dịch đang chuyển sang một giai đoạn khác. Hiện tại chúng tôi coi virus SARS-CoV-2 là một loại sinh vật đặc hữu và sẵn sàng sống chung với nó, đặc biệt là với việc tiêm chủng dự kiến ​​sẽ tăng lên trong thời gian tới” – ông Matshidiso Moeti nói đồng thời cho biết, số ca mắc Covid-19 ở châu Phi có thể cao gấp 7 lần và số ca tử vong cao hơn 2 đến 3 lần so với dữ liệu chính thức được công bố.

“Chúng tôi nhận thức rất rõ rằng, các vấn đề về hệ thống giám sát của mang tính lục địa mà chúng tôi đang vướng phải, chẳng hạn như việc nguồn cung cấp dụng cụ xét nghiệm hạn chế, đã dẫn đến việc kiểm đếm không chính xác số lượng người nhiễm bệnh”.

Một số ý kiến ​​khác cho rằng, dân số trẻ ở các quốc gia trên lục địa châu Phi có thể góp phần tạo nên sức mạnh, nhưng sự yếu kém xoay quanh tình trạng thiếu hụt đáng kể vật tư, nguồn lực y tế ở các quốc gia đã không xử lý được cả ca nhiễm và tử vong trong 2 năm qua.

Theo một cuộc kiểm đếm của Đại học Johns Hopkins, các ca nhiễm được ghi nhận trên khắp châu Phi là hơn 11 triệu tính đến ngày 10/2 và số ca tử vong là 250.000. Nếu ước tính của WHO là chính xác, con số thực có thể còn lớn hơn rất nhiều.

Một số nghiên cứu và khảo sát huyết thanh học - đặc biệt là ở Nam Phi, nơi có một trong những trung tâm giám sát dịch bệnh phức tạp nhất của lục địa cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm cao hơn những gì đã thống kê trước đây.

Tuy nhiên, châu Phi là khu vực mới nhất mà WHO cho rằng có thể đang chuyển đổi ra khỏi giai đoạn đại dịch và hướng tới một trạng thái ổn định hơn.

Tuần trước, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Kluge cho biết, châu lục này có thể sớm bước vào “thời kỳ dài yên bình” dẫn đến ngừng hẳn đại dịch nhờ vào việc biến thể Omicron ít nghiêm trọng hơn, mức độ miễn dịch cao và tình hình thời tiết mùa xuân thuận lợi.

Đánh giá tích cực của ông Hans Kluge cho thấy, khu vực 53 quốc gia, bao gồm cả Vương quốc Anh, ở vị trí được bảo vệ cao hơn có thể mang lại sự yên bình lâu dài, ngay cả khi một biến thể mới, độc hại hơn Omicron xuất hiện trong tương lai. Ông cho biết, hiện châu Âu đã ghi nhận 12 triệu ca mắc mới trong một tuần.

Dự báo khả năng chấm dứt Covid-19

Ngày 11/2, Tổng giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nêu điều kiện để thế giới có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm nay. “Khoa học đã cho chúng ta các công cụ để chống lại Covid-19; nếu chúng được chia sẻ trên toàn cầu với sự đoàn kết, chúng ta có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp của Covid-19 trong năm nay”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Ông Tedros kêu gọi các nước giàu đóng góp 16 tỷ USD cho kế hoạch chống Covid-19. WHO cho rằng việc “bơm tiền” nhanh chóng cho chương trình “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19” (ACT-A) có thể giúp chấm dứt tình trạng khẩn cấp của Covid-19 trong năm 2022.

Chương trình ACT-A do WHO dẫn đầu nhằm phát triển, sản xuất, mua sắm và phân phối các công cụ để đối phó với đại dịch Covid-19, gồm vaccine, xét nghiệm, phương pháp điều trị và trang thiết bị bảo hộ cá nhân.

ACT-A cần 23,4 tỷ USD để triển khai hoạt động từ tháng 10/2021 đến tháng 9/2022, nhưng cho đến nay mới chỉ huy động được 800 triệu USD. Do vậy, WHO muốn các quốc gia giàu có đóng góp 16 tỷ USD “để thu hẹp khoảng cách tài chính ngay lập tức”, phần còn lại sẽ do các quốc gia có thu nhập trung bình đóng góp.

Theo ông Tedros, sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron khiến tình hình phân phối công bằng các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine càng trở nên cấp thiết. “Nếu các quốc gia có thu nhập cao hơn đóng góp phần của họ cho ACT-A, điều đó có thể hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khắc phục tình trạng yếu kém về tiêm chủng Covid-19, xét nghiệm và thiếu thuốc men”, ông Ghebreyesus nhấn mạnh.

Chỉ 0,4% trong số 4,7 tỷ xét nghiệm Covid-19 trên toàn cầu được tiến hành ở các quốc gia thu nhập thấp. Chỉ 10% người dân ở các quốc gia này được tiêm ít nhất một liều vaccine.

WHO cho biết, sự bất bình đẳng về phân phối vaccine không chỉ gây thiệt hại về sinh mạng và làm tổn thương các nền kinh tế, mà còn có nguy cơ làm xuất hiện các biến chủng mới, nguy hiểm hơn.

Hơn 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thế giới vẫn đang chật vật đối phó với đợt bùng phát mới do sự xuất hiện của các biến chủng mới. Biến chủng Omicron được phát hiện hồi cuối năm 2021 ở châu Phi đang khiến số ca nhiễm mới ở nhiều nơi trên thế giới tăng đột biến, kéo theo thách thức lớn cho hệ thống y tế.

Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu trong năm 2022, hay nói cách khác là không còn gây mối đe dọa đáng kể cho thế giới. Vì Omicron dường như ít có nguy cơ gây bệnh nghiêm trọng hơn so với Delta, nên sự xuất hiện của biến chủng này đã làm dấy lên hy vọng rằng, đây sẽ là khởi đầu của xu hướng virus trở nên nhẹ hơn, trở thành bệnh đặc hữu như cảm lạnh thông thường và dịch bệnh sẽ không còn nguy hiểm nữa.

Ngày 10/2, Somalia và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đã ký một thỏa thuận viện trợ trị giá 1,07 triệu USD để giúp giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 ở quốc gia thuộc vùng châu Phi này. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Thủy lợi Somalia Hussein Iid, nước này hiện đang trải qua một đợt gia tăng số ca mắc mới Covid-19 cùng với tình hình thiên tai đang diễn biến xấu, do vậy các hỗ trợ của IFAD thông qua dự án RLAC-19 sẽ giúp giảm thiểu tác động của những vấn đề trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Châu Phi và tương lai thoát khỏi đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO