'Chạy đua' hàng hóa cho thị trường Tết

THANH GIANG 09/11/2022 07:00

Mặc dù còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, song thời điểm hiện nay nhiều doanh nghiệp đã sản xuất hàng Tết Nguyên đán 2023. Ngoài đảm bảo nguồn hàng, vấn đề giá cả cũng sẽ được doanh nghiệp kìm cương, tránh tăng đột biến.

Dự báo, sức mua hàng hóa Tết năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Nguyên Phương – Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM cho hay, thành phố đã có kế hoạch chuẩn bị đủ nguồn hàng đáp ứng thị trường lương thực, thực phẩm phục vụ Tết 2023. Theo đó, lương thực có 5.253 tấn, đường 2.031 tấn, dầu ăn 2.356 tấn, trứng gia cầm 54,4 triệu quả, thịt gia cầm 8.481 tấn, thịt gia súc 5.603 tấn,... Theo lãnh đạo Sở Công thương TPHCM, nhiều doanh nghiệp đang bắt tay sản xuất cho thị trường cuối năm. Đơn cử, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), chuẩn bị 710 tỷ đồng để sản xuất và dự trữ hàng tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, các công ty cung ứng thịt tươi sống, doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh trứng gia cầm cũng đã “chạy” dây chuyền sản xuất hàng Tết. Trong đó, chú trọng kết nối với những trại chăn nuôi nhằm đảm bảo nguồn hàng cho thị trường cuối năm.

Bà Phạm Thị Huân – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân cho hay, đơn vị tăng 20% sản lượng hàng hóa so với cùng kỳ năm ngoái để phục vụ thị trường Tết Quý Mão 2023. Tương tự, ông Trương Chí Thiện – Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt khẳng định, đủ sức cung ứng thị trường cuối năm với mức tăng 50% sản lượng. Hiện, lượng trứng gia cầm rất dồi dào.

Tại các kênh bán lẻ hiện đại, nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 được nhiều đơn vị quan tâm. Các hệ thống phân phối lớn như: Saigon Co.op, MM Mega Market, Lotte Mart, Winmart,... Ông Nguyễn Ngọc Thắng – Giám đốc vận hành chuỗi siêu thị Co.opmart (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị tăng lượng dự trữ từ 30 – 50%, tùy từng nhóm hàng. Trong khi mức dự trữ hàng Tết tại Saigon Co.op dao động trong khoảng 20 – 30%.

Song song việc chuẩn bị sản xuất và dự trữ hàng Tết 2023, nhiều doanh nghiệp tính đến chuyện xoay xở sao để kìm giá sản phẩm nhằm kích cầu mua sắm cuối năm. Một số doanh nghiệp cho rằng, người tiêu dùng không lo vấn đề tăng giá hàng hóa cuối năm, do có sự chuẩn bị trước về nguồn cung.

Sau 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức mua trên thị trường có phần giảm sút, thế nhưng các nhà sản xuất và đơn vị phân phối kỳ vọng nhiều vào thị trường cuối năm. Theo đó, một số nhà phân phối cho hay, dự kiến sức tiêu thụ dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng từ 40 – 50% so với ngày thường, tăng 20 – 30% so với Tết 2022. Các mặt hàng tươi sống, bánh kẹo tăng khoảng 100% so với các tháng bình thường.

Sở Công thương TPHCM cũng nhận định, sức tiêu thụ của người dân vào dịp cuối năm 2022 sẽ tăng cao so với cùng kỳ 2 năm trước. Kinh tế TPHCM đang phục hồi khá tốt sau đại dịch. Mặc dù đánh giá cao sức mua cuối năm, tuy nhiên Sở Công thương TPHCM cũng khẳng định sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường để thanh kiểm tra giá cả, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng làm rối loạn thị trường dịp cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Chạy đua' hàng hóa cho thị trường Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO