'Chảy máu' giáo viên vùng cao ở Quảng Ninh

Nguyễn Quý 20/12/2022 15:20

Dù rất yêu nghề, nhưng nhiều giáo viên vùng núi vẫn phải ngậm ngùi giã từ bục giảng. Con đường đến lớp ngày nào giờ chỉ còn là hoài niệm, thay vào đó là muôn nẻo mưu sinh. PV Báo Đại Đoàn Kết ghi nhận thực tế tại Quảng Ninh.

Cạn nguồn giáo viên vùng cao

“Cái thời hăng hái, rủ nhau thi vào sư phạm nay đã hết rồi. Đến con mình, khi hướng nó vào ngành sư phạm, nó còn trợn tròn mắt: “Bố mẹ vất vả thế chưa đủ sao?” – Anh Cường, một chuyên viên của Phòng Giáo dục huyện Ba Chẽ, nói. Đó là nỗi buồn từ trong sâu thẳm mà vợ chồng anh Cường khó có thể san sẻ với con, nhưng: “Ngẫm lại, nó chê giáo viên vất vả mà nghèo thì chẳng có gì sai cả”.

Tại trường Mầm non Đại Dực (Tiên Yên), các giáo viên phải đi lại khoảng 30 Km đường miền núi, nhưng không còn được hưởng các chế độ phụ cấp, hỗ trợ cho vùng 135 như trước đây nữa.

Hiện nay 100% các xã vùng núi, vùng dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Ninh, trong đó có Ba Chẽ đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn. Không còn các chế độ chính sách, ưu đãi, thu hút đối với giáo viên vùng núi trong điều kiện giáo viên thường xuyên phải luân chuyển và công tác tại các trường, điểm trường cách nhà từ 20 đến hơn 50 km; di chuyển hàng ngày giữa các điểm trường để dạy liên trường, liên điểm trường; đến các thôn bản để vận động học sinh ra lớp.

Giáo viên mới ra trường ở mức lương 4 triệu đồng/tháng. Lương thấp cùng với điều kiện làm việc vất vả, nhiều giáo viên đã nghỉ việc; vị trí thi tuyển mới không có giáo viên đăng ký. Huyện Ba Chẽ đang thiếu 41 giáo viên, đặc biệt là giáo viên văn hóa tiểu học, tin học, ngoại ngữ do không có nguồn tuyển. Riêng số giáo viên nghỉ việc từ năm 2020 đến nay đã lên tới 10 người.

Chị Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Ba Chẽ, ngậm ngùi tâm sự: “Mỗi lúc cầm tờ đơn xin nghỉ việc của giáo viên, tôi lại mất cả buổi thẫn thờ. Dẫu có muốn giữ chân đồng nghiệp đến mấy, động viên níu kéo đến mấy, thì tôi cũng hiểu rằng, đồng nghiệp đã suy nghĩ rất kỹ để đưa ra quyết định hệ trọng này”.

Tại huyện Bình Liêu, một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, hiện tại số giáo viên thiếu lên tới 33 người, số giáo viên bỏ nghề cũng rơi rớt theo từng năm học. Bất đắc dĩ, các phòng giáo dục phải ra sức thuyết phục giáo viên nghỉ hưu, ký hợp đồng để họ quay trở lại giảng dạy. Anh Vi Tiến Vượng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bình Liêu, cũng thừa nhận, nguyên nhân của tình trạng đội ngũ giáo viên thiếu hụt hiện nay là do thiếu nguồn tuyển và giáo viên bỏ nghề.

Một buổi sáng đến lớp, vượt qua 40 Km từ Thị trấn Ba Chẽ đến Trường Tiểu học Đạp Thanh của các giáo viên vùng cao Ba Chẽ.

Trước tình trạng này, một số địa phương miền núi tại Quảng Ninh như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên phải thực hiện "dồn" lớp. Ở bộ môn tin học, việc dồn các lớp gặp khó khăn khi trang thiết bị, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, nếu dồn các lớp ngoại ngữ thì học sinh phải học liên tục 4-5 tiết, làm ảnh hưởng đến chất lượng bài giảng.

Chủ trương dồn lớp nhằm "tiết kiệm" nguồn giáo viên là phương án khả dĩ nhất, song việc thực hiện không phải dễ khi đặc thù các điểm trường ở đây cách xa hàng chục cây số. Nếu để các thầy cô trực tiếp xuống các điểm trường lẻ giảng dạy cũng không hiệu quả vì số lượng giáo viên không đủ.

Chị Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng Giáo dục huyện Ba Chẽ, nêu một thực tế: “Vấn đề giáo viên nghỉ việc không đáng lo ngại bằng thực trạng không có nguồn tuyển. Lớp trẻ ngày nay ra trường thực sự không còn hào hứng với nghề giáo nữa”.

Về đâu những giáo viên bỏ nghề?

23 năm gắn bó với các em học sinh miền núi, đến năm 2020, cô giáo A.T.H, Trường PTDT bán trú, tiểu học và THCS Thanh Sơn (Ba Chẽ) gạt nước mắt viết đơn xin nghỉ việc. Dù trong đơn cô viết vì lý do sức khỏe không đảm bảo giảng dạy, nhưng đồng nghiệp ai cũng biết rằng, cô nghỉ vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập ít ỏi từ nghề giáo khiến cô không thể gắng gượng được.

Nghỉ dạy được ít lâu, đồng nghiệp không thấy cô Hà xuất hiện ở Ba Chẽ nữa. Người quan tâm đến cô, hỏi thăm hàng xóm mới biết, cô đã đi Đài Loan xuất khẩu lao động.

Cũng tại Ba Chẽ, chị C.T.G từ một giáo viên mầm non gần chục năm kinh nghiệm, nay nghỉ hẳn về mở tiệm gội đầu tại nhà. Khi được hỏi lý do khiến chị từ bỏ nghề giáo, chị G. tâm sự: Những áp lực công việc nhưng lại thiếu đi sự cảm thông của xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh khiến chị quyết định “bỏ ngang”.

Giáo viên ngoại ngữ giờ đây trở thành "hàng hiếm" ở các lớp học vùng cao.

Tuy nhiên, đối với chị G, đó chỉ là “giọt nước tràn ly". Bởi loanh quanh luẩn quẩn vẫn là chuyện thu nhập, đồng lương cho giáo viên chưa tương xứng với khối lượng công việc và áp lực xã hội của nghề này. Chị G. nói, xã hội coi giáo viên là "nghề cao quý" và yêu cầu nhà giáo không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn phải là "tấm gương sáng, đạo đức mẫu mực", cần "làm việc bằng lòng yêu nghề vì nếu chỉ nhìn vào thu nhập, sẽ không trở thành giáo viên tốt được". Đó thực sự là một áp lực nặng nề!

Hàng chục giáo viên nghỉ việc khác ở các huyện miền núi như Tiên Yên, Bình Liêu cho rằng, sau khi nghỉ dạy đều không có công việc mang lại thu nhập chuyển biến lớn. Người chuyển sang làm nghề bán hàng tại nhà, người bán bảo hiểm, người đi làm nhân viên kế toán, tạp vụ tại các doanh nghiệp tư nhân…

Nhưng tại sao họ vẫn quyết định bỏ “nghề cao quý”? Khi giải thích về nguyên nhân nghỉ việc, một lãnh đạo phòng giáo dục tại Quảng Ninh nói "do lương của giáo viên chưa trang trải được cuộc sống". Ngoài ra, những giáo viên như cô H., cô G. còn phải đối diện với đủ loại áp lực và nỗi sợ như áp lực về chuyên môn với nhà trường; áp lực trước phụ huynh, học sinh.

Để chăm lo và đảm bảo đời sống của cán bộ, giáo viên, có điều kiện thuận lợi yên tâm hơn và dành thời gian cho công tác giảng dạy; thu hút giáo viên về các huyện vùng cao, nhiều giáo viên đề nghị tỉnh Quảng Ninh quan tâm nghiên cứu có các chế độ chính sách hỗ trợ, ưu đãi, thu hút phù hợp cho giáo viên tại các huyện miền núi có điều kiện công tác còn nhiều khó khăn, như chế độ xăng xe cho giáo viên phải dậy xa nhà, di chuyển nhiều điểm trường trong ngày...

Giáo viên các trường bán trú ở huyện vùng cao cũng đề nghị tỉnh nghiên cứu có chế độ hỗ trợ. Hiện nhiều trường bán trú còn duy trì chế độ dạy và trực bán trú đối với giáo viên. Học sinh vẫn được hưởng chế độ bán trú ăn nghỉ tại trường, giáo viên phải trực 24/24 để quản lý học sinh, nhưng không còn phụ cấp trách nhiệm trực, phụ cấp dạy của trường bán trú (Phụ cấp đứng lớp trường bán trú trước đây là 50%, hiện đang hưởng là 35% như các trường khác; phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ, giáo viên bán trú trước đây là 0,3 nhưng hiện không còn được hưởng).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Chảy máu' giáo viên vùng cao ở Quảng Ninh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO