Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa có Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, trong đó có thêm quy định về lương, phụ cấp đối với nhà giáo. Đây là mong mỏi bao lâu nay của đội ngũ nhà giáo cũng như những người quan tâm tới giáo dục giúp tạo cơ hội cho thầy cô yên tâm hoạt động nghề nghiệp, cống hiến.
Tin vui với nhà giáo
Thống kê Bộ GDĐT, tính đến năm học 2020-2021, tổng số nhà giáo trong cả nước là 1.402.469 người. Trong đó, nhà giáo các cấp học mầm non, phổ thông, đại học là 1.318.510 (biên chế 1059.729, hợp đồng 48.662, ngoài công lập 123.996). Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có 1.190.443 nhà giáo (công lập 1.108.391, ngoài công lập 82.052; biên chế 1.059.729, hợp đồng trong các trường công lập 48.662). Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có 83.959 nhà giáo (37.235 nhà giáo trong các trường cao đẳng, 13.295 nhà giáo trong các trường trung cấp, 23.086 nhà giáo trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và có gần 10.343 nhà giáo thuộc các cơ sở khác có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp).
Với dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ GDĐT đề xuất, GS. TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam bày tỏ sự vui mừng vì hơn 60 năm công tác trong ngành giáo dục, ông đã chứng kiến nhiều thăng trầm của đời giáo viên. Đặc biệt, trong thời đại hiện nay khi áp lực đối với nghề giáo đang lớn hơn rất nhiều bởi sự kỳ vọng của phụ huynh, cá tính của học trò và mong muốn của xã hội trong khi đồng lương eo hẹp, áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng.
“Thực trạng giáo viên bỏ việc trong 2 năm qua là gần 29.000 người, trong đó có những địa phương như TPHCM, Bình Dương... cho biết nguyên nhân nhiều giáo viên xin nghỉ là vì lương thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Nhiều tỉnh có chỉ tiêu tuyển dụng mới nhưng không có nguồn tuyển do ở vùng sâu vùng xa, sinh viên sau tốt nghiệp không mặn mà ứng tuyển vì điều kiện khó khăn, lương thấp, chế độ đãi ngộ không có, thậm chí còn phải bỏ tiền túi để mua sắm thêm đồ dùng học tập cho học trò vùng cao, động viên các em đến trường như nhiều trường hợp đã thấy. Nếu Luật Nhà giáo được thông qua sẽ tác động tích cực tới đời sống của hàng triệu người lao động, hy vọng sẽ thu hút và giữ chân được những thầy cô giáo giỏi, tâm huyết với sự nghiệp trồng người” - ông Bành tâm tư.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết - giáo viên Trường THCS Trần Phú (Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo viên như bà có thêm nhiều áp lực bởi sự kỳ vọng lớn của xã hội, phụ huynh. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi ngày đến lớp thầy cô cũng có phần lo lắng khi nhiều câu chuyện bạo lực học đường do một bộ phận phụ huynh, học sinh gây ra với giáo viên hay học sinh đánh nhau cũng khiến thầy cô băn khoăn, lo lắng. Trong khi đó, đời sống giá cả leo thang, lương chưa tăng giá đã tăng khiến việc đảm bảo cuộc sống gia đình để yên tâm đứng lớp cũng là một vấn đề nếu không có sự trợ giúp của người thân. Vì vậy, nếu Luật Nhà giáo được ban hành với những điều chỉnh về lương, chính sách đối với nhà giáo thì có thể phần nào giải quyết được các vấn đề này, giúp bà Tuyết cùng các đồng nghiệp của mình trên cả nước yên tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người.
Quan tâm tới giáo viên vùng khó
Theo Bộ GDĐT, biên chế sự nghiệp của ngành giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Đây là lực lượng đông đảo nhất trong tổng số công chức, viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực. Đội ngũ này hoạt động rộng khắp trong các ngành, lĩnh vực, thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau.
Tại dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GDĐT đã nêu rõ quan điểm xây dựng luật, trong đó có việc lấy chính sách đãi ngộ, khen thưởng nhà giáo làm động lực để thu hút người giỏi tham gia trở thành giáo viên, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo đã vào ngành cống hiến, tận tâm với nghề. Đồng thời, Bộ GDĐT sẽ thiết lập cơ chế phân loại bảo đảm chế độ đãi ngộ công bằng, người làm nhiều thì được đãi ngộ cao, xây dựng chế độ phân phối tiền lương và cơ hội thăng tiến, tăng lương và đãi ngộ với những người có thành tích xuất sắc. Đặc biệt sẽ nghiên cứu giảm gánh nặng cho nhà giáo, bảo đảm nhà giáo được yên tâm cống hiến hết mình cho việc giảng dạy và giáo dục con người.
Như vậy, việc không cào bằng đối với cống hiến của nhà giáo đang là điều được nhiều người ủng hộ nhưng cũng là vấn đề nhiều băn khoăn. Ông Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie bày tỏ sự ủng hộ đối với quan điểm của Bộ GDĐT đó là đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo, có tính toán đến yếu tố đặc thù ngành để nhà giáo yên tâm công tác. Tạo điều kiện cho nhà giáo công tác ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có cơ hội tiếp cận đầy đủ về chính sách, có các hỗ trợ đặc thù để thu hút nhà giáo về công tác.
“Giáo viên ở vùng khó khăn chịu rất nhiều thiệt thòi so với ở vùng đồng bằng, thành thị nên ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp, cần tính toán đến việc xây nhà ở công vụ cho thầy cô, tạo điều kiện thuận lợi luân chuyển sau một thời gian công tác nếu giáo viên có nhu cầu bởi nhiều thầy cô phải gửi con cho ông bà trông để lên miền núi dạy học, rất trăn trở” - ông Khang nói.