Chi phí chăn nuôi tăng cao: Người nuôi lợn 'treo chuồng'

HẠNH NGUYÊN 31/03/2023 08:00

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, chi phí khác đồng loạt vượt giá, người chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh thua lỗ nặng. Trước tình thế đó, doanh nghiệp (DN), trang trại lớn nuôi cầm chừng còn nhiều nông hộ buộc phải “treo chuồng”.

Nhiều nông hộ, trang trại ở Hà Tĩnh “treo chuồng”.

Nông hộ để trống chuồng

Bà Phan Thị Tâm, một hộ nuôi lợn lâu năm ở xã Trung Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) than thở, từ năm ngoái đến nay, giá lợn hơi giảm, còn giá cám chỉ có tăng nên việc chăn nuôi của gia đình tiến thoái lưỡng nan. Không nuôi lợn thì không có việc làm, nuôi thì thua lỗ. Từ chỗ nuôi gần 100 con lợn thịt, hiện nay, gia đình bà Tâm chỉ nuôi từ 5-10 con.

Cũng tại địa phương này, nhiều hộ dân không còn mặn mà với việc nuôi lợn. Họ chấp nhận “treo chuồng” nhiều tháng nay. “Nuôi 1 con lợn từ khi mới thả giống đến khi xuất bán, tính ra lỗ gần 1 triệu đồng/con. Càng nuôi nhiều càng lỗ nặng nên 3 tháng nay gia đình tôi đóng chuồng” - ông Phạm Huân, xã Trung Lộc cho biết.

Tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), các trang trại chăn nuôi cũng trong tình trạng tương tự. Anh Hoan, chủ trang trại chăn nuôi tại thôn Đại Đồng, xã Kỳ Văn cho hay, mỗi tháng trang trại của anh xuất ra thị trường từ 200 - 250 con lợn thịt. Với giá lợn hơi hiện nay (47.000 - 48.000 đồng/kg), mỗi con lợn thịt bán ra có thể lỗ hơn 1 triệu đồng. “Chúng tôi đang cố gắng cầm cự để vượt qua giai đoạn này. Nếu một thời gian nữa giá lợn không tăng lên, giá thức ăn không giảm, chắc chắn nhiều trang trại sẽ vô cùng khó khăn” - anh Hoan nói.

Chủ các trang trại chăn nuôi lợn nái như ngồi trên đống lửa, bởi nhu cầu tái đàn của người dân hiện nay giảm mạnh nên việc tiêu thụ lợn giống gặp nhiều khó khăn. Theo giám đốc một trang trại nuôi hơn 2.000 con lợn nái ở huyện Thạch Hà, chi phí cho một con lợn giống từ khi phối giống đến khi xuất chuồng hết khoảng 1 - 1,2 triệu đồng, với giá bán thấp như hiện nay (800 - 900 ngàn đồng/con) người nuôi lỗ 200 - 300 nghìn đồng/con.

Rà soát lại quy trình sản xuất

Số liệu thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh cho biết, năm 2021, tổng đàn lợn của địa phương hơn 408.000 con, năm 2022 giảm còn khoảng 389.000 con (giảm hơn 12.600 con). Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 221 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó 38 trang trại nuôi lợn nái quy mô 300 con trở lên. Chăn nuôi lợn nông hộ chiếm 40% tổng đàn lợn.

Đáng ngại là người chăn nuôi không còn mặn mà tái đàn, thậm chí không ít hộ treo chuồng nhiều tháng nay. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, giá thức ăn chăn nuôi lợn, thuốc thú y và các chi phí khác đều tăng cao, trong khi giá lợn hơi, lợn giống giảm. Nghịch lý này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người nuôi, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quy mô, tổng đàn, cơ cấu kinh tế.

Ông Lê Hà Giang - Phó phòng Quản lý chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh chia sẻ: Thời gian qua, Hà Tĩnh thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch trong chăn nuôi nên đã giảm bớt phần nào gánh nặng cho người nuôi. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với chăn nuôi lợn đó là giá thức ăn tăng cao.

Đơn vị này khuyến cáo, các chủ DN, hợp tác xã, chủ đầu tư các dự án chăn nuôi cần rà soát lại quy trình sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ để tiết giảm các chi phí. Đặc biệt, phân bón chăn nuôi có thể tận dụng để xem đây là một nguồn thu của DN, người nuôi. Đối với trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, nông hộ cần tận dụng các sản phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp để làm thức ăn. “Đặc biệt, các trang trại, DN chăn nuôi lớn cần quan tâm đàn giống bố mẹ để đảm bảo nguồn cung sau khi chăn nuôi lợn hồi phục” - ông Giang nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chi phí chăn nuôi tăng cao: Người nuôi lợn 'treo chuồng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO